23/12/2024

Các Giám mục Philippines kêu gọi sự minh bạch trong nghiên cứu năng lượng hạt nhân

Các Giám mục Philippines kêu gọi sự minh bạch trong nghiên cứu năng lượng hạt nhân

Nhà máy điện hạt nhân tại Bataan

Sau thông báo của chính phủ liên quan đến kế hoạch nghiên cứu về khả năng sử dụng năng lượng hạt nhân ở Philippines, các Giám mục kêu gọi một cuộc điều tra nghiên cứu minh bạch về khả năng sử dụng năng lượng hạt nhân như một lựa chọn để sản xuất điện. Giáo hội Philippines hy vọng nghiên cứu này sẽ được thực hiện cách “minh bạch, không đảng phái và không độc quyền”.

Ngày 24/7 vừa qua, ông Rodrigo Duterte, Tổng thống Philippines đã ban hành một lệnh hành pháp, thiết lập một uỷ ban nghiên cứu việc áp dụng chính sách năng lượng hạt nhân quốc gia. Mục đích của uỷ ban là nghiên cứu một nguồn năng lượng mới cho đất nước, đáp ứng nhu cầu điện ngày càng tăng của đất nước.

Philippines có chi phí điện cao nhất Đông Nam Á, và việc cung cấp điện không ổn định. Năng lượng hạt nhân có thể giúp giải quyết những vấn đề đó, nhưng mọi người lo ngại về sự an toàn do Philippines là một quốc gia thường xuyên bị thiên tai.

Đức cha Santos nói: “Chúng tôi hy vọng việc nghiên cứu sẽ được thực hiện cách minh bạch, không đảng phái và không độc quyền.” Đức cha mong muốn nghiên cứu sẽ giải quyết vấn đề an toàn. Đức cha cũng cảnh báo thực tế, trong quá khứ, đã có những rủi ro phát sinh từ các nguồn năng lượng này, đặc biệt là ở Bataan, khu vực cũng có một ngọn núi lửa đang hoạt động. Do đó, Đức cha kêu gọi chính phủ “hãy xem xét cuộc sống và tương lai của người dân và môi trường của chúng ta, thay vì lợi nhuận và lợi ích vật chất”.

Cùng quan điểm trên, Đức cha Gerardo Alminaza, Giám mục San Carlos, trong những tháng gần đây đã nhấn mạnh những rủi ro liên quan đến năng lượng hạt nhân và Đức cha cho rằng người Philippines không cần phải tự chuốc lấy thảm họa.

Một nhà máy điện hạt nhân trị giá 2,3 tỷ USD đã được xây dựng tại Bataan theo lệnh của Tổng thống Marcos, cách thủ đô Manila khoảng 100km về phía bắc vào cuối những 1970 và đầu thập niên 80. Nhà máy được công ty Westinghouse của Hoa Kỳ xây dựng nhưng chưa bao giờ được đưa vào sử dụng; tuy nhiên, vẫn được duy trì liên tục. Nếu kế hoạch sử dụng năng lượng hạt nhân được tiến hành, nhà máy điện Bataan có thể được cải tạo, hoặc các cơ sở mới có thể được xây dựng.

Ngọc Yến