23/01/2025

ĐTC Phanxicô: Luận lý của Thiên Chúa là chăm sóc cho tha nhân chứ không quay mặt đi nơi khác

ĐTC Phanxicô: Luận lý của Thiên Chúa là chăm sóc cho tha nhân chứ không quay mặt đi nơi khác

(Vatican Media)

Trong buổi đọc Kinh Truyền Tin vào lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật 02/08/2020, Đức Thánh Cha mời gọi các tín hữu theo luận lý của Thiên Chúa, là chăm lo cho người khác. Ngài mời gọi mọi người tự hỏi xem trong cuộc sống hằng ngày, mình có lòng cảm thương trước những tin tức về chiến tranh, đói kém, dịch bệnh không. Cảm thương không phải là tình cảm thuần vật chất, nhưng là tín thác vào tình yêu quan phòng của Chúa Cha và can đảm chia sẻ cho tha nhân.

Lời nói và việc làm của Chúa chữa lành và ban hy vọng

Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha dựa trên đoạn Tin Mừng Chúa Nhật XVIII Thường niên, thuật lại phép lạ hóa bánh ra nhiều (Mt 14,13-21). Đức Thánh Cha nói: Sự kiện diễn ra trong một nơi hoang vắng, nơi Chúa Giêsu và các môn đệ rút lui khỏi đám đông. Nhưng dân chúng đến với Chúa để lắng nghe Chúa và được chữa lành: thật sự là lời nói và việc làm của Chúa chữa lành và ban niềm hy vọng.

Luận lý của Thiên Chúa: chăm lo cho tha nhân

Dưới sức nóng của mặt trời, đám đông vẫn ở đó, và các môn đệ, những người thực tế, yêu cầu Chúa Giêsu giải tán đám đông để họ đi kiếm thức ăn. Nhưng Chúa trả lời: “Chính anh em hãy cho họ ăn.” (c. 16). Chúng ta hãy tưởng tượng nét mặt của các môn đệ! Chúa Giêsu biết điều Chúa sắp làm, nhưng Chúa muốn thay đổi thái độ của họ: Chúa không nói “hãy giải tán họ”, “để họ tự lo đi”, “để họ tìm thức ăn cho họ”; nhưng Chúa nói “điều gì Chúa Quan phòng ban cho chúng ta để chia sẻ”.

Đây là hai thái độ tương phản. Và Chúa Giêsu muốn các môn đệ có thái độ thứ hai, bởi vì đề nghị thứ nhất là một đề nghị thực tiễn, nhưng không quảng đai: “Hãy giải tán họ, để họ đi tìm thức ăn, để họ tự lo.” Và Chúa Giêsu nghĩ theo cách khác.

Đức Thánh Cha nhận xét: Qua tình huống này, Chúa Giê-su muốn dạy các người bạn ngày xưa cũng như ngày nay của Chúa lối lý luận của Thiên Chúa. Luận lý của Thiên Chúa chúng ta thấy ở đây là gì? Đó là lối lý luận chăm lo cho tha nhân; luận lý không rửa tay vô can, luận lý không ngoảnh mặt đi nơi khác. Đó là lối lý luận chăm lo cho người khác. Lối lý luận “để họ tự lo” không được có trong từ điển Kitô giáo.

Quyền năng là dấu chỉ của đức ái

Ngay lập tức, một người trong nhóm Mười Hai, với tính thực tế, liền nói: “Chúng con chỉ có năm cái bánh và hai con cá!”, Chúa Giêsu trả lời: “Đem lại đây cho Thầy” (cc. 17-18). Chúa cầm lấy thức ăn đó, ngước mắt lên trời, đọc lời chúc tụng và bắt đầu bẻ ra và trao các phần cho các môn đệ để phân phát cho dân. Và số bánh và cá đó không hết, chúng đủ cho hàng ngàn người và con thừa lại.

Đức Thánh Cha giải thích: Bằng việc làm này Chúa Giêsu bày tỏ quyền năng của Chúa, tuy nhiên không phải một cách ngoạn mục, nhưng như một dấu chỉ của đức ái, của lòng quảng đại của Thiên Chúa Cha đối với những đứa con mệt mỏi và thiếu thốn của Người. Chúa đi sâu vào trong cuộc sống của dân Chúa, Chúa hiểu được sự mệt mỏi và giới hạn của họ, nhưng không để ai bị hư mất hoặc thiếu thốn: Chúa bồi bổ họ bằng Lời Chúa và ban lương thực dư tràn để dưỡng nuôi họ.

Thánh Thể và lương thực hằng ngày

Tiếp đến, Đức Thánh Cha lưu ý: Trong trình thuật Tin Mừng chúng ta thấy có đề cập đến Bí tích Thánh Thể, đặc biệt là ở đó miêu tả việc chúc tụng, bẻ bánh, trao cho các môn đệ, phân phát cho dân chúng (c. 19). Cần lưu ý mức độ liên kết chặt chẽ giữa bánh Thánh Thể, lương thực cho sự sống đời đời, và lương thực hằng ngày, cần thiết cho cuộc sống trần thế. Trước khi tự dâng hiến chính mình cho Chúa Cha như Lương thực cứu độ, Chúa Giêsu lo liệu lương thực cho những người theo Chúa và những người để được ở với Chúa, họ đã quên chuẩn bị những điều cần thiết. Đôi khi, tinh thần và vật chất đối nghịch nhau, nhưng trong thực tế, cả hai thái độ duy tâm cũng như duy vật đều là điều xa lạ với Kinh Thánh. Nó không phải là ngôn ngữ của Kinh Thánh.

Cảm thương, dịu dàng là dấu chỉ cụ thể của tình yêu thương

Đức Thánh Cha mời gọi theo gương Chúa Giêsu: Cảm thương, sự dịu dàng của Chúa Giêsu đối với đám đông không phải là chủ nghĩa duy cảm tính, nhưng là biểu hiện cụ thể của tình yêu thương, chăm sóc những nhu cầu của mọi người. Và chúng ta được mời gọi đến với bàn tiệc Thánh Thể với cùng thái độ của Chúa Giêsu: cảm thương với nhu cầu của người khác.

Cảm thương thật sự là cùng đau khổ với

Từ này lập lại trong Tin Mừng khi Chúa Giêsu nhìn thấy một vấn đề, một căn bệnh hay đám đông không có thức ăn… “Người chạnh lòng thương xót.” Cảm thương không phải là một tình cảm thuần vật chất; lòng cảm thương thật sự là đau khổ với, mang lấy trên mình nỗi đau của người khác. Có lẽ sẽ tốt cho chúng ta hôm nay khi chúng ta tự hỏi: tôi có động lòng trắc ẩn khi đọc tin tức về chiến tranh, đói khát, đại dịch không? Rất nhiều điều… Tôi có cảm thương với những người đó không? Tôi có cảm thương với những người gần gũi với tôi không? Tôi có thể chịu đau khổ với họ hay tôi nhìn đi nơi khác hoặc “để họ tự lo?” Đừng quên từ “cảm thương” này, đó là niềm tin vào tình yêu quan phòng của Chúa Cha và có nghĩa là sự chia sẻ can đảm.

Đi ra khỏi thế giới của riêng mình

Cuối cùng, Đức Thánh Cha cầu xin Đức Maria giúp chúng ta đi theo con đường mà Chúa chỉ cho chúng ta trong Tin mừng hôm nay. Đó là con đường của tình huynh đệ, cần thiết để đối mặt với sự nghèo đói và đau khổ của thế giới này,  đặc biệt là trong thời khắc nghiêm trọng, và thúc đẩy chúng ta đi ra khỏi thế giới của chính mình, bởi vì đó là một hành trình bắt đầu từ Thiên Chúa và trở về với Thiên Chúa.

Hồng Thuỷ