23/01/2025

Chúa Nhật XVIII TN A 2020: Chính anh em hãy cho họ ăn

Các bài Thánh Kinh tuần này như đặt chúng ta đối mặt với vấn đề an toàn thực phẩm và nạn đói liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Người như muốn nói với chúng ta khi nhìn vào đám đông đói khổ quanh ta: “Chính anh em hãy cho họ ăn”.

Chúa Nhật XVIII TN A 2020

Chính anh em hãy cho họ ăn

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh tuần này như đặt chúng ta đối mặt với vấn đề an toàn thực phẩm và nạn đói liên quan đến dịch bệnh Covid-19. Chính Thiên Chúa chuẩn bị lương thực an toàn, ngon lành và cho không con người qua Bài đọc I (x. Is 55,1-3) như Đức Giêsu làm phép lạ hoá bánh và cá nuôi nhiều ngàn người ăn no nê qua bài Tin Mừng (x. Mt 14,3-21). Người như muốn nói với chúng ta khi nhìn vào đám đông đói khổ quanh ta: “Chính anh em hãy cho họ ăn”. Vì thế, chúng ta muốn tìm hiểu sơ qua về tình trạng đói khổ hiện nay để biết mình nên làm gì để giúp đỡ họ.

1. Tình trạng đói khổ với cơn dịch bệnh Covid-19

Tính đến hôm nay, 2/8/2020, toàn cầu đã có hơn 18 triệu ca nhiễm và 687.505 người chết vì dịch bệnh này. Việt Nam hiện có 620 ca nhiễm. Theo lời kêu gọi khẩn cấp của Liên Hiệp Quốc, nạn đói liên can đến dịch bệnh đang dẫn đến cái chết của khoảng 10.000 trẻ em mỗi tháng. Trong năm đầu tiên của dịch có khoảng 128.000 trẻ chết vì đói. Số liệu của Liên Hiệp Quốc, theo Globalnews, mỗi tháng có hơn 550.000 trẻ em bị gầy còm, suy dinh dưỡng biểu hiện ở chân tay và bụng. Gầy còm và thấp còi có thể gây tổn hại vĩnh viễn cho trẻ em về thể chất và tinh thần, biến những bi kịch cá nhân thành thảm hoạ thế hệ (x. hanhkhatkito.net, mục Tin tức Thế giới).

Tháng 4 năm 2020, David Beasley, người đứng đầu chương trình lương thực thế giới, đã cảnh báo rằng virus Corona sẽ gây ra nạn đói toàn cầu trong năm nay. Nhiều ngôi làng nghèo ở châu Mỹ Latinh. Nam Á và châu Phi không tiếp cận được với thực phẩm và viện trợ y tế. Ngược lại, những nước sản xuất ra nhiều lương thực và nông sản lại không thể xuất khẩu được do các nước đóng cửa đường biên giới vì ngại lây lan dịch bệnh. Nhiều công ty, xí nghiệp phải đóng cửa, các công nhân không được trả lương do việc sản xuất bị đình trệ và suy thoái kinh tế trầm trọng.

Riêng ở Việt Nam, trong thời điểm dịch bệnh bùng phát lần thứ nhất, nhiều chương trình trợ giúp của chính phủ và những hoạt động từ thiện cứu giúp những người đói khổ đã được thực hiện như lập ra những cây ATM gạo tự động, những siêu thị không đồng, giải cứu nông sản không xuất khẩu được…

Các tổ chức quốc tế cảnh báo đại dịch Covid-19 đang tàn phá các nền kinh tế, khiến cuộc chiến chống đói nghèo trên thế giới bị thụt lùi một thập niên. Thậm chí ở một số khu vực trên thế giới như châu Phi, châu Mỹ Latinh và Trung Đông, sự phát triển có thể bị tụt hậu 30 năm. Tổ chức Oxfam dẫn nghiên cứu của đại học King ở Thủ đô Luân Đôn (Anh) và đại học quốc gia Australia ước tính: đại dịch này sẽ khiến nửa tỉ người, khoảng 8% dân số thế giới, lâm vào cảnh nghèo đói. Theo tổ chức Lao động Thế giới (ILO), hơn 2 tỉ người trên toàn cầu cần có thu nhập hằng ngày để tồn tại (x. Bài Tác động của đại dịch Covid-19 đến tình trạng đói nghèo trên toàn thế giới, Internet, ngày 11/6/2020).

Đứng trước cơn đói từ dịch bệnh, Đức Giêsu nói với ta: “Chính anh em hãy cho họ ăn!”. Nhưng cho họ loại lương thực nào và ta sẽ thực hiện công việc này như thế nào?

2. Lo ăn cho người đói

Trên phạm vi toàn cầu, các quốc gia và chính quyền cần phải liên kết với nhau và chung tay giúp đỡ người nghèo. Các quốc gia giàu đã đưa ra các gói kích thích kinh tế trị giá hàng tỉ USD để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động, trong khi hầu hết các nước đang phát triển, do thiếu năng lực tài chính, nên không thể hỗ trợ. Oxfam kêu gọi các biện pháp khác như xoá nợ ít nhất 1 nghìn tỉ USD trong năm 2020 cho các nước nghèo và góp thêm 1 nghìn tỉ USD để các nước nghèo cứu trợ những cộng đồng đói khổ, giúp họ tránh tình trạng bất ổn xã hội và nguy cơ gia tăng bạo lực vì “đói ăn vụng, túng làm càn”.

Trên phạm vi cá nhân và cộng đồng, Đức Giêsu mời gọi chúng ta hãy chia cơm, sẻ áo cho những người đói khổ bằng việc nhận ra những người đó đang sống quanh ta, ngay trong cộng đồng của ta. Các đoàn viên các hội đoàn Công giáo, nhất là các hội viên Caritas giáo xứ, phải “đến từng ngõ, gỏ từng nhà” để tìm ra những người đói, thay vì đóng góp chung chung cho tổ chức như vẫn quen làm.

Muốn nhận ra những anh chị em khốn khổ đó, chúng ta phải có lòng thương xót và tình yêu, thay vì lòng thương hại và kiểu từ thiện “bố thí” cho nhanh để tránh bị quấy rầy. Đức Giêsu khi nhìn vào đám đông vây quanh mình, “Người đã chạnh lòng thương”. Phải có lòng thương xót và tình yêu của Chúa Giêsu thì hành động bác ái của chúng ta mới mang lại hiệu quả thật sự cho người nghèo. Vì từ 5 cái bánh và 2 con cá, Đức Giêsu sẽ làm cho số lương thực nhỏ bé đó chuyển thành khối lượng lớn lao để cứu độ nhiều người.

“Chính anh em hãy cho họ ăn”, Đức Giêsu mời gọi mỗi Kitô hữu hãy cứu giúp những người đói khổ và đừng đẩy trách nhiệm này cho ai khác. Nhiều tu sĩ, linh mục nghĩ rằng việc cứu độ là trách nhiệm của chính quyền, hoặc là của tín hữu giáo dân. Còn mình có nhiệm vụ lo phần linh hồn, chịu trách nhiệm rao giảng Lời Chúa. Hơn nữa mình cũng nghèo khó, không thể lấy công quỹ của cộng đoàn hay của giáo xứ để làm việc bác ái. Có vị lãnh đạo chỉ lo dành nguồn lực để xây cất nhà thờ, nhà xứ, nhà giáo lý và bỏ mặc người đói khổ quanh mình. Đức Giêsu mời gọi ta phải ưu tiên lo cứu giúp những người đói khổ, vì họ là chính Đức Giêsu Kitô. Nhân phẩm của họ quý giá hơn cơ sở vật chất và những lễ nghi hình thức bên ngoài.

Hơn nữa, “Ai nấy đều ăn và được no nê”. Việc cứu đói không phải là cung cấp thật nhiều lương thực, nhưng là giúp người nghèo có thể kiếm sống bằng chính đôi tay và trí óc của họ. Người ta có thể giúp cho họ vay một số vốn nhỏ để họ buôn bán, hành nghề hoặc dạy họ một số kiến thức cần thiết để họ tự sinh sống. Chúng ta cần giữ nguyên tắc bổ trợ, nghĩa là ta trợ giúp họ thêm vào, chứ không làm việc thay cho họ hay phân phát tiền bạc, cơm gạo mỗi ngày khiến họ trở thành người lười biếng, ỷ lại vào sự trợ giúp của ta. Đó cũng là cách giúp đỡ người nghèo sống ổn định, chừng mực, không phung phí cơm bánh hay nguồn lực. Vì thế, Đức Giêsu yêu cầu người ta thu lại những mẫu bánh còn thừa, thay vì bỏ đi một cách phí phạm.

Lời kết

Suy nghĩ về nhiệm vụ phải cứu giúp người đói khổ, chúng ta được mời gọi dấn thân nhiều hơn cho các công việc bác ái cụ thể. Dù gặp nhiều gian nan, thất bại, hiểu lầm, xuyên tạc, ta vẫn cương quyết hành động vì “không ai có thể tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô” (Rm 8,35).

HKK