Chia sẻ của ĐHY João Braz de Aviz, Tổng trưởng Bộ các Dòng tu
Đức Hồng y Tổng trưởng
Trong số các cơ quan trung ương Toà Thánh, có Bộ các Dòng tu phụ trách các vấn đề liên quan đến những người nam nữ thánh hiến, tên chính thức đầy đủ là “Bộ về các Hội dòng Đời sống Thánh hiến và Tu đoàn Tông đồ” (Congregazione per gli Istituti di Vita Consecrata e le Società di Vita Apostolica). Bộ cũng phụ trách các vấn đề của đoàn trinh nữ thánh hiến. Trong bài này, chúng tôi xin gọi là “Bộ các Dòng tu” cho ngắn gọn.
Từ 9 năm nay, Bộ này được ĐGH ủy thác cho ĐHY João Braz de Aviz người Brazil làm Tổng trưởng. Tuy không phải là tu sĩ, nhưng ngài được sự phụ giúp của Đức TGM José Rodriguez Carballo người Tây Ban Nha, nguyên là Bề trên Tổng quyền Dòng Phanxicô.
ĐHY Braz de Aviz năm nay 73 tuổi (1947), nguyên là TGM Giáo phận thủ đô Brasilia từ năm 2004 và 7 năm sau đó, năm 2011, ngài được ĐGH Biển Đức 16 bổ nhiệm làm Tổng trưởng Bộ các dòng tu và thăng Hồng Y năm sau đó 2012.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo trực tuyến Vida Nueva, Đời Sống Mới, truyền đi ngày 28/07/2020, ĐHY Braz de Aviz đã chia sẻ một số kinh nghiệm của ngài về đại dịch Covid-19 cũng như những nhận định về các vấn đề của dòng tu hiện nay.
Kinh nghiệm thời đại dịch
Về cuộc sống thời đại dịch Covid-19, ĐHY cho biết: Chúng tôi bị “cấm cung” ở nhà trong 2 tháng rưỡi vì virus corona. Dầu vậy, công việc của Bộ các Dòng tu vẫn tiếp tục. Tình trạng khẩn trương đã gợi lên nơi các tu sĩ, những người thánh hiến nam nữ, những câu hỏi cần được trả lời ngay. Theo đường hướng của các giới chức hữu trách tại Vatican về tình trạng khẩn trương, chúng tôi đã cố gắng tìm đến với mọi người qua Internet.
Cuộc sống tại gia
“Riêng tôi, ở nhà tôi, đã có thể quan tâm hơn đối với hai nữ tu làm việc với tôi và chúng tôi đã tăng trưởng trong tình huynh đệ, học cách lắng nghe nhau nhiều hơn và khám phá giá trị của những điều bé nhỏ cần thiết cho đời sống hằng ngày như cố gắng dọn dẹp sạch sẽ, để ý đến chi phí hoặc nấu ăn. Tôi đã có thể dành nhiều thời giờ hơn để nghiên cứu và nghỉ ngơi, chăm sóc sức khỏe. Thời gian dành cho việc cầu nguyện cũng gia tăng và được cải tiến thêm. Tôi đã tái lập việc chầu Mình Thánh Chúa với các nữ tu.”
Mở rộng đối với tha nhân
“Tại gia, chúng tôi quyết định không đóng khung trong việc chăm sóc và bảo vệ bản thân, nhưng giúp phục vụ những bữa ăn cho người nghèo do Cộng đồng Thánh Eigido đảm trách gần Vatican. Một trong các nữ tu đi đến đó 2 lần mỗi tuần. Phần tôi, vì tuổi tác, phải ở nhà. Từ giáo xứ phục vụ người Mỹ châu Latinh ở Roma, chúng tôi được tin họ cần giúp đỡ, đặc biệt là về thực phẩm cho nhiều người không có gì để ăn vì họ không thể làm việc trong kỳ đại dịch. Vì thế, chúng tôi đã quyết định dành một phần lương của chúng tôi để mua và giao thực phẩm cho giáo xứ để giúp đỡ những người ấy.”
“Chúng tôi theo dõi tin tức hằng ngày và có thể chia sẻ trong kinh nguyện với những đau khổ của bao nhiêu người đã mất những người thân yêu trong gia đình mà họ không thể giã từ trong những phút cuối cùng. Ở Roma, chúng tôi vẫn luôn cảm thấy sự gần gũi của ĐTC với những cử chỉ và lời nói của ngài trong khi đại dịch lan tràn và phá huỷ sự an ninh của con người.”
Ca ngợi sự phục vụ của các tu sĩ thời đại dịch
Về sự phục vụ của bao nhiêu tu sĩ nam nữ trong kỳ đại dịch, ĐHY Tổng trưởng Bộ các Dòng tu nhận xét:
“Sự hiện diện của nhiều người thánh hiến nam nữ cạnh các bệnh nhân và gia đình họ trong kỳ đại dịch nay là một dấu hiệu rất ý nghĩa. Có nhiều LM, tu sĩ nam nữ đã bị lây nhiễm virus corona và thiệt mạng vì bảo vệ sinh mạng của những người khác và gần gũi với những người đau khổ… Chúng ta phải cảm tạ Chúa vì chứng tá thánh thiện và rút ra từ đó niềm hứng khởi để gia tăng sự sẵn sàng phụng sự Nước Thiên Chúa.”
Ý thức rõ hơn về căn tính và đoàn sủng
ĐHY Braz de Aviz cũng nhận xét rằng trong thời điểm lịch sử này, nhiều tu sĩ tìm cách xác định rõ hơn nòng cốt đoàn sủng của vị sáng lập, nam hoặc nữ, phân biệt đoàn sủng ấy với những truyền thống văn hoá và tôn giáo của các thời đại khác để được sự khôn ngoan của Giáo Hội hướng dẫn qua Huấn quyền hiện nay, đặc biệt từ thời Công đồng chung Vatican II, chú ý đến những dấu chỉ thời đại để loan báo và làm chứng về Tin Mừng của Chúa Kitô.
Theo ĐHY, trong tiến trình sinh động ấy, do Chúa Thánh Linh thúc đẩy để cùng với toàn thể nhân loại tiến vào thời kỳ hiện nay dưới sự hướng dẫn của ĐTC Phanxicô dành cho toàn thể Giáo Hội, những người nam nữ thánh hiến cần can đảm để đồng hóa với hành trình của toàn thể Giáo Hội. Hơn mọi thực tại khác, Giáo Hội là căn nhà chung của toàn thể đời sống thánh hiến, vì thế các tu sĩ nam nữ ngày nay được kêu gọi đồng hành với hàng giáo phẩm. Trong viễn tượng đó, những kiểu mẫu huấn luyện trước đây không đủ nữa.
Tiến trình huấn luyện trọn đời
Cụ thể hơn, ĐHY Braz de Aviz nói:
“Nhiều thói quen thực hành cần được thay đổi để cho sự huấn luyện khởi đầu và thường huấn sinh động hơn, vì chính Thánh Linh linh hoạt. Sự huấn luyện không thể dừng lại ở một giai đoạn nhất định trong cuộc sống. Toàn thể cuộc sống, từ khi sinh ra cho tới lúc chết, đều là thời kỳ huấn luyện. Cả các nhà đào tạo cũng phải ở trong tiến trình huấn luyện và phải ý thức về sự dòn mỏng của mình và luôn hướng tới việc làm chứng về sự theo Chúa Kitô cùng với những người đang được họ đào tạo.
Trước tiên là việc huấn luyện để theo Chúa Giêsu, và dưới ánh sáng ấy, có sự huấn luyện để theo các vị sáng lập dòng. Vấn đề ở đây không phải chỉ là thông truyền những kiểu mẫu được thực hiện từ trước đến nay. ĐTC Phanxicô khích lệ chúng ta tạo ra những tiến trình sinh động nhờ Tin Mừng, để đi vào chiều sâu của các đoàn sủng được ban cho mỗi người chúng ta. Các tiến trình đó sẽ giúp đời sống huynh đệ trong cộng đoàn có khả năng thỏa mãn ước muốn của chúng ta về đời sống gia đình, trong đó chúng ta tự do, được nhẹ nhàng trong các tương quan và được hạnh phúc. Đó chẳng phải là một phương thế tốt để giữa các tu sĩ nam nữ, có sự trung thành với sự thánh hiến của chúng ta trong suốt cuộc đời sao?”
Thiếu ơn gọi và những thách đố
Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Vida Nueva, ĐHY Tổng trưởng Bộ các Dòng tu cũng nhắc đến tình trạng thiếu ơn gọi ngày nay. Các thống kê gần đây cho thấy số tu sĩ nam nữ liên tục giảm sút trong Giáo Hội, ngoại trừ tại Phi châu và Á châu. Ví dụ trong năm 2019, số nữ tu giảm hơn 10.500 chị so với năm 2018 trước đó và cả thế giới chỉ còn 648 ngàn nữ tu. Tại Phi châu tăng thêm gần 1.500 chị và Á châu tăng hơn 1.100 chị. Hoặc trong năm 2019, có 32 Đan viện chiêm niệm tại Tây Ban Nha bị đóng cửa vì không còn người vào tu.
ĐHY Braz de Aviz nhận thực rằng “tại Tây Ban Nha cũng như tại các nước Âu châu, Úc và Mỹ châu, đời sống thánh hiến đang thiếu ơn gọi, các tu sĩ trở nên già nua và có những vết thương vì thiếu bền đỗ. Có bao nhiêu vụ xuất dòng mà ĐTC Phanxicô gọi là một sự ‘xuất huyết’.”
Canh tân đời tu
Nhưng ĐHY cũng nhận xét: “Từ khoảng 10 năm nay, chúng ta đã thấy một quyết định canh tân. ĐTC Phanxicô đã cho chúng ta những văn kiện và một sự đồng hành chặt chẽ. Thời thế thay đổi đã tạo ra một sự nhạy cảm mới để trở về với việc theo Chúa Kitô, một cuộc sống huynh đệ chân thành trong cộng đoàn, cải tổ những hệ thống huấn luyện và vượt thắng những sự lạm dụng quyền bính, minh bạch trong việc sở hữu và quản lý của cải. Tuy nhiên có những kiểu mẫu cũ ít phù hợp với Tin Mừng vẫn còn chống lại sự thay đổi cần thiết để làm chứng về nước Thiên Chúa trong thời đại ngày nay… Có những trường hợp đời sống thánh hiến quá tập trung với những tương quan phần lớn là pháp lý và áp đặt, ít có khả năng có thái độ kiên nhẫn yêu thương đối thoại và tin tưởng. Trong nhiều trường hợp tương quan giữa những người nam nữ thánh hiến bị tương quan tùng phục và thống trị, tước mất tự do và vui tươi, một thứ vâng phục hiểu không đúng… Sự huấn luyện không đúng, ngay từ khởi đầu, hoặc cả trong việc thường huấn, đã tạo những thái độ bản thân ít hợp với ơn gọi đời sống thánh hiến trong cộng đoàn, những tương quan bị ô nhiễm và tạo nên cô đơn và buồn sầu. Trong nhiều cộng đoàn ít có sự phát triển ý thức rằng đối với chúng ta tha nhân là sự hiện diện của Chúa Giêsu, và trong tương quan với Chúa, yêu thương tha nhân, chúng ta có thể bảo đảm sự hiện diện liên tục của Chúa trong cộng đoàn (Mt 18,20).”
Sống linh đạo hiệp thông
Trong bối cảnh đó, ĐHY Braz de Aviz cổ võ sự đổi mới nhờ một linh đạo hiệp thông trong đó tha nhân chiếm vị trí quan trọng trong kinh nghiệm của chúng ta về Thiên Chúa và cũng chiếu dọi ánh sáng trên kinh nghiệm về quyền bính như một sự phục vụ chứ không phải là một sự thống trị với những lý lẽ tu đức giả tạo. ĐTC Phanxicô thường nhắc nhở rằng: Những người nam nữ thánh hiến được kêu gọi trở thành những con người gặp gỡ. Ai thực sự gặp Chúa Giêsu thì cũng trở thành chứng nhân và tỏ cho thấy cuộc gặp gỡ với tha nhân là điều có thể.