24/01/2025

Ngưng nghỉ hưu để trở lại làm việc

Nhà khoa học đã tạo ra công nghệ tối quan trọng của khẩu trang chuyên dụng N95 đã nghỉ hưu được hơn hai năm khi đại dịch COVID-19 gieo rắc kinh hoàng toàn cầu. Nhưng ông lập tức trở lại làm việc mà không hề nề hà, vì biết các nhân viên y tế đang cần mình.

Ngưng nghỉ hưu để trở lại làm việc

Nhà khoa học đã tạo ra công nghệ tối quan trọng của khẩu trang chuyên dụng N95 đã nghỉ hưu được hơn hai năm khi đại dịch COVID-19 gieo rắc kinh hoàng toàn cầu. Nhưng ông lập tức trở lại làm việc mà không hề nề hà, vì biết các nhân viên y tế đang cần mình.

Ngưng nghỉ hưu để trở 
Tiến sĩ Peter Tsai, mang khẩu trang N95 chụp ảnh trước nhà ông ở thành phố Knoxville (Tennessee, Mỹ). Ảnh: Kathy Tsai

Trước đại dịch, tiến sĩ Peter Tsai, nhà khoa học vật liệu nay đã 68 tuổi, không phải là cái tên ai cũng biết, dù các phát minh, công trình của ông không xa lạ. Tsai chính là cha đẻ của màng lọc tĩnh điện – bộ phận quan trọng nhất của chiếc khẩu trang N95, giúp ông nhận bằng sáng chế 25 năm trước. Tsai đã phát minh ra “bí quyết” để N95 lọc được ít nhất 95% khói bụi và vi khuẩn trong không khí. Loại khẩu trang này đã trở thành một mặt hàng quan trọng và khan hiếm giữa đại dịch.

Theo trang web của Đại học Tennessee (Mỹ), Tsai cũng có các công trình nghiên cứu quan trọng trong lĩnh vực vải không dệt. Đầu tiên là kỹ thuật “melt blowing” tạo ra loại vải không dệt với kích thước sợi siêu mảnh, chỉ khoảng 1% sợi tóc, nhờ vậy có thể giữ lại các hạt siêu nhỏ, nhưng vẫn cho phép lưu thông không khí.

Năm 1992, ông dẫn đầu một nhóm nghiên cứu tại ĐH Tennessee để phát triển công nghệ tĩnh điện tích (electrostatic charge – hiện tượng mất cân bằng điện tích trên bề mặt của một vật liệu). Thật trùng hợp khi ông đặt tên công nghệ này là “corona” (nghĩa là hào quang), và Tsai đã dí dỏm đùa rằng “công nghệ tĩnh điện corona đang chống lại virus corona” thông qua khẩu trang N95.

Hiểu một cách đơn giản, màng lọc tĩnh điện nói trên chứa cả điện tích dương và điện tích âm, vì thế có thể “hút” các hạt bụi, vi khuẩn, đồng thời “đẩy” và giữ chúng dừng lại bên ngoài khẩu trang.

Tạm ngưng nghỉ hưu

Tsai về hưu từ năm 2018, hiện sống cùng gia đình ở thành phố Knoxville (bang Tennessee) nhỏ bé. Khi virus corona hoành hành ở nước Mỹ, ông phải liên tục trả lời các cuộc gọi từ các phòng thí nghiệm, công ty và nhân viên y tế, bất kể ngày đêm.

Vincent Gabrielle, phóng viên báo địa phương Knox News, cho biết anh bắt đầu nhận được những cuộc điện thoại, email và tin nhắn trên Twitter từ tháng 3 năm nay, khi nhân viên y tế khắp nước Mỹ tuyệt vọng vì thiếu thiết bị bảo hộ cá nhân. “Nhưng thật tình họ không phải tìm tôi mà nhờ tôi kết nối với một người trong vùng, tiến sĩ Peter Tsai” – Gabrielle kể lại trên Knox News.

Tsai giúp đời bằng một phát minh hữu ích từ cách đây 1/4 thế kỷ, vì sao người ta cần ông, một cụ hưu trí gần thất thập quay trở lại? Câu trả lời là để giúp ngành y tế trong và ngoài nước Mỹ giải quyết hai vấn đề: làm sao để sản xuất khẩu trang N95 thật nhanh và thật nhiều trong bối cảnh thiếu hụt trầm trọng, và làm cách nào để tái sử dụng chúng, do khẩu trang N95 vốn chỉ dùng một lần như khẩu trang y tế.

Peter Tsai ngay lập tức quay lại các bản vẽ và dựng hẳn một phòng thí nghiệm dã chiến trong nhà, bắt đầu làm việc gần 20 giờ mỗi ngày. “Tôi đã cảm thấy rất áp lực trong thời gian đầu” – ông chia sẻ trên Knox News.

Ông lần lượt thử nghiệm mọi cách khử trùng khẩu trang N95 mà ông có thể nghĩ đến: luộc, hấp, nướng và phơi nắng. Vừa phải đảm bảo giữ nguyên chất lượng khẩu trang, ông còn cố gắng chỉ sử dụng những thiết bị gia dụng, như chiếc lò nướng mượn hàng xóm!

Để kiểm tra và đánh giá toàn diện các vấn đề kỹ thuật, Tsai tìm đến những nhà khoa học khác và các phòng thí nghiệm trang bị chuyên nghiệp hơn. Kết quả nghiên cứu “nhanh như chớp” của ông hiện đã được Viện Sức khỏe quốc gia Mỹ thẩm định. Ông cũng công bố kết quả trên một số trang y khoa uy tín.

Điểm sáng trong các thử nghiệm của ông là chỉ cần làm nóng khẩu trang N95 trong khoảng 60 phút ở 70 độ C để khử trùng hiệu quả. Như vậy, nhà nhà có thể treo chúng trong… lò nướng. Nhưng lưu ý, bạn sẽ cần một chiếc lò riêng cho mục đích này để không ảnh hưởng đến thực phẩm.

Ngưng nghỉ hưu để trở 
Tiến sĩ Peter Tsai và khẩu trang N95. Ảnh: Knox News

Vô vụ lợi

Hoàn thành nhiệm vụ đầu tiên, tiến sĩ Tsai tiếp tục hỗ trợ một số đơn vị của Mỹ mở rộng quy mô sản xuất khẩu trang N95, trong đó có Phòng thí nghiệm quốc gia Oak Ridge. Họ nhờ ông giúp chuyển đổi cơ sở vật chất của phòng thí nghiệm để phù hợp với quy trình sản xuất. Merlin Theodore, một quản lý của Oak Ridge, nói với tờ USA Today: “Trung bình việc này có thể mất hàng tháng đến hàng năm trời. Nhưng chúng tôi đã không phải làm thế, vì ông ấy đã thực hiện tất cả các thử nghiệm”.

Trong vòng một tuần, việc chuyển đổi đã xong. Đến nay, chỉ trong một giờ, cơ sở của Theodore có khả năng sản xuất lượng màng lọc đủ để làm ra 9.000 cái khẩu trang. Oak Ridge đang chuyển giao cách làm của Tsai cho những đơn vị khác để “giải tỏa cơn khát” N95.

Theodore cho biết Tsai liên tục từ chối nhận thù lao. Ông tình nguyện làm việc và không quan tâm đến tiền bạc. “Nếu tôi có cơ hội giúp đỡ cộng đồng, đó sẽ là một kỷ niệm đẹp cho suốt quãng đời còn lại” – The Washington Post dẫn lời nhà khoa học.

Thứ duy nhất Tsai “mất” khi tạm ngưng chuyện hưu trí an nhàn để quay lại làm người hùng trong cuộc chiến chống virus corona chính là… 4,5kg cân nặng. Trên Knox News, Tsai tiếp tục nói đùa: “Một số người bảo tôi nên nhận giải thưởng Nobel… nhưng cái xứng đáng với tôi là một giải thưởng No Belly (không mỡ bụng)”.

Peter Tsai (Thái Bỉnh Diệc) là người Đài Loan, lớn lên trên nông trại và đã phải phụ gia đình kiếm tiền khi còn nhỏ. Sống đúng vào thời kỳ hoàng kim của ngành dệt may Đài Loan, ông sớm tìm được công việc ổn định tại quê nhà.

“Vào thời điểm đó, tất cả những gì chúng tôi biết là cách sản xuất. Nhưng điều tôi muốn biết là tại sao lại phải làm mọi thứ theo cách đấy? Vì vậy tôi quyết định sang Mỹ học và tìm câu trả lời”, Tsai nói với tạp chí CommonWealth (Đài Loan).

Ông sang Mỹ năm 1981 để theo đuổi bằng tiến sĩ. Người bình thường chỉ cần 90 tín chỉ để tốt nghiệp, nhưng Tsai đã hoàn thành hơn 500 tín chỉ trong nhiều lĩnh vực, từ kỹ thuật hóa học đến vật lý và toán học. Khi được hỏi do đâu mà ông “khát” kiến thức đến thế, Tsai trả lời: “Tôi chẳng nghĩ gì nhiều lúc đó cả. Tôi chỉ có một mong muốn là tiếp tục học tập”.

Trong suốt sự nghiệp, Tsai được cấp 12 bằng sáng chế, lần gần nhất là vào năm 2018, trước khi ông về hưu. Maha Krishnamurthy, phó chủ tịch Quỹ nghiên cứu ĐH Tennessee, chia sẻ với Washington Post: “Ông ấy không thể thực sự “gác kiếm” – một phẩm chất của tất cả các nhà nghiên cứu vĩ đại – bạn không bao giờ có thể cho não về hưu”.

Lê My

 

TTO