Nghiên cứu mới: Nhiều người đề kháng tốt với SARS-CoV-2 dù chưa bị phơi nhiễm
Nghiên cứu mới: Nhiều người đề kháng tốt với SARS-CoV-2 dù chưa bị phơi nhiễm
Theo nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature ngày 30-7, các nhà khoa học phát hiện hệ miễn dịch của một số người chưa từng phơi nhiễm với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) thể hiện phản ứng đề kháng lại sự xâm nhập của virus này.
“Sự đề kháng” này nhiều khả năng giúp giảm nguy cơ bệnh nặng so với những người khác.
Cụ thể, trên 68 mẫu máu lấy từ người trưởng thành khỏe mạnh ở Đức (20-64 tuổi, chưa từng nhiễm COVID-19), nhóm nghiên cứu nhận thấy tế bào T trong 35% mẫu có phản ứng khi tiếp xúc với virus.
Tế bào T là một phần của hệ miễn dịch chuyên bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Phản ứng của nó gợi ý rằng hệ miễn dịch đã từng có kinh nghiệm đối phó với tác nhân lạ tương tự trong quá khứ, và bây giờ nó dùng ký ức đó để chống lại virus mới.
Hiện tượng trên y học gọi là “phản ứng (miễn dịch) chéo”. Các chuyên gia Anh và Đức tham gia nghiên cứu nhận định sự đề kháng đó có lẽ bắt nguồn từ những dịch bệnh trước đây, do các loại virus khác cùng thuộc họ corona gây ra.
Tiếp nối phát hiện trên, nhóm nghiên cứu phân tích mẫu máu của 18 bệnh nhân COVID-19, tuổi từ 21-81, và nhận thấy tế bào T phản ứng với virus xuất hiện ở 83% mẫu. Điều này mở ra rất nhiều câu hỏi mới về vai trò của tế bào T.
“Chúng ta đã biết trẻ em và người lớn trẻ tuổi ít khi bị biến chứng nặng do COVID-19, tôi nghĩ một giả thiết là tế bào T có sẵn tồn tại với số lượng lớn và năng động hơn ở dân số trẻ so với dân số già. Đây là một suy luận tương đối về mặt sinh học.
Điều rõ ràng là tế bào T không ngăn được một người nhiễm virus, nhưng liệu nó có ảnh hưởng đến mức độ nặng nhẹ của bệnh? Có thể lắm”, bác sĩ Amesh Adalja, Trung tâm An ninh y tế thuộc Đại học Johns Hopkins, nhận xét về công trình của các đồng nghiệp Đức, Anh.
“Kết quả trên (phản ứng miễn dịch chéo – PV) không quá ngạc nhiên vì có nhiều loại virus thuộc họ corona. Bây giờ chúng ta cần xác định trên lâm sàng liệu hiện tượng này có tạo ra sự khác biệt – nó có quyết định một người nhiễm COVID-19 phát bệnh nặng không? Có ảnh hưởng đến việc phát triển vắc xin?”, giáo sư Schaffner đặt vấn đề.
SARS-CoV-2 là virus thứ 7 thuộc họ corona được phát hiện ở người, trong đó có 4 loại chuyên lây lan cộng đồng – gây ra khoảng 25% số ca cúm mùa con người thường mắc.
“Hầu như mọi người trên thế giới đều đã từng nhiễm một loại virus corona, và do chúng cùng một họ virus nên cơ thể có thể tạo ra phản ứng miễn dịch chéo ở mức độ nào đó”, bác sĩ Adalja giải thích thêm.
Tuy nhiên, điều không may là cho đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy con người có thể phát triển khả năng miễn dịch trọn đời trước COVID-19 – vốn là mục tiêu của các loại vắc xin đang phát triển trên thế giới (tiêm một liều duy nhất).
Nếu virus SARS-CoV-2 mang đặc tính giống các anh em cùng họ corona gây bệnh cúm mùa, nó có thể tái xuất thường xuyên mỗi năm, đồng nghĩa với việc tiêm chủng phải diễn ra nhiều lần.