23/01/2025

Những triệu chứng COVID-19 nào báo trước bệnh nặng hay nhẹ?

Những triệu chứng COVID-19 nào báo trước bệnh nặng hay nhẹ?

Các nhà khoa học vừa phát hiện các triệu chứng rất khác nhau của COVID-19 có thể dự báo trước một người bệnh nặng hay nhẹ. Phát hiện này có thể giúp mở ra cách tiếp cận chữa trị hiệu quả hơn.

 

 

Những triệu chứng COVID-19 nào báo trước bệnh nặng hay nhẹ? - Ảnh 1.

Virus SARS-CoV-2 dưới kính hiển vi – Ảnh: King’s College London

COVID-19 là căn bệnh kỳ lạ với dải triệu chứng rất rộng, từ nhẹ như một cơn cảm lạnh thoáng qua cho đến nặng đến mức suy hô hấp. Các biểu hiện chính của COVID-19 thường được mô tả là ho, sốt và mất cảm giác mùi.

Mới đây, các nhà nghiên cứu của Đại học King’s College London (Anh) vừa phát hiện bệnh COVID-19 có cả thảy 6 nhóm triệu chứng riêng biệt, và quan trọng là mỗi nhóm ảnh hưởng đến mức độ nặng – nhẹ cũng như nguy cơ nhập viện của bệnh nhân.

6 nhóm triệu chứng bao gồm:

1. “Giống cúm” nhưng không sốt: Đau đầu, mất cảm giác mùi, đau cơ, ho, đau họng, đau ngực, không sốt.

2. “Giống cúm” và có sốt: Đau đầu, mất cảm giác mùi, ho, đau họng, khàn tiếng, sốt, mất vị giác.

3. Có biểu hiện đường tiêu hóa: Đau đầu, mất cảm giác mùi, mất vị giác, tiêu chảy, đau họng, đau ngực, không ho.

4. Nặng cấp độ 1, mệt mỏi: Đau đầu, mất cảm giác mùi, ho, sốt, khàn tiếng, đau ngực, mệt mỏi.

5. Nặng cấp độ 2, lú lẫn: Đau đầu, mất cảm giác mùi, mất vị giác, ho, sốt, khàn tiếng, đau họng, đau ngực, mệt mỏi, lú lẫn, đau cơ.

6. Nặng cấp độ 3, bụng và đường hô hấp: Đau đầu, mất cảm giác mùi, mất vị giác, ho, sốt, khàn tiếng, đau họng, đau ngực, mệt mỏi, lú lẫn, đau cơ, khó thở, tiêu chảy, đau bụng.

Để đi đến phát hiện trên, các nhà khoa học đã dùng máy tính phân tích dữ liệu của 1.600 bệnh nhân COVID-19 ở Anh và Mỹ từ tháng 3 đến tháng 4-2020, sau đó kiểm tra chéo kết quả với 1.000 bệnh nhân khác ở Anh trong tháng 5-2020.

Tất cả bệnh nhân tham gia nghiên cứu đều ghi nhận triệu chứng đau đầu và mất cảm giác mùi, kết hợp với một số triệu chứng phụ khác tùy thời điểm. Một số biểu hiện như lú lẫn, đau bụng hoặc khó thở tuy không phổ biến nhưng lại là dấu hiệu báo trước bệnh nặng.

Nhóm nghiên cứu nhận thấy tỉ lệ các nhóm bệnh nhân 1, 2 và 3 cần máy thở lần lượt là 1,5%, 4,4% và 3,3%; trong khi nhóm 3, 4 ,5 lần lượt là 8,6%, 9,9% và 19,8%. Gần một nửa bệnh nhân nhóm 6 phải nhập viện, so với chỉ 16% của nhóm 1.

Nhìn chung, các nhóm 4, 5 và 6 đa phần là bệnh nhân lớn tuổi, sức khỏe yếu. Họ có thể bị béo phì, mắc bệnh nền như tiểu đường, bệnh về phổi…

Về mặt ứng dụng, nghiên cứu của các nhà khoa học Anh có thể giúp bệnh viện đối phó với làn sóng COVID-19 mới hiệu quả hơn bằng cách phân loại bệnh nhân dựa trên triệu chứng, dự báo trước những người nào thuộc nhóm nguy cơ cao cần sự trợ giúp y tế nhiều.

PHÚC LONG
TTO