26/01/2025

EU chê vắcxin WHO cung cấp ‘mắc và chậm’, tự tìm hướng đi mới

EU chê vắcxin WHO cung cấp ‘mắc và chậm’, tự tìm hướng đi mới

EU cho rằng giá 40 USD chỉ dành cho nước giàu và không gì đảm bảo giá sẽ không cao hơn. Hai quan chức EU tự tin khối này có thể mua được vắcxin cho dân mình với giá rẻ hơn và sớm hơn so với trông chờ vào WHO.

 

EU chê vắcxin WHO cung cấp mắc và chậm, tự tìm hướng đi mới - Ảnh 1.

Một tình nguyện viên Brazil được tiêm vắcxin COVID-19 thử nghiệm do Trung Quốc phát triển – Ảnh: REUTERS

Hãng tin Reuters nhận định việc Liên minh châu Âu (EU) thay đổi thái độ rất đáng chú ý: “EU, một trong những tiếng nói ủng hộ các sáng kiến phân phát công bằng vắcxin cho các nước, giờ lại ưu tiên dân mình hơn”.

EU đã thể hiện sự ủng hộ đối với COVAX – sáng kiến chia sẻ vắcxin COVID-19 do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Liên minh Toàn cầu về vắcxin (GAVI) đồng sáng lập. Mục tiêu của COVAX là cung cấp 2 tỉ liều vắcxin COVID-19 trước cuối năm 2021.

Hai chiến dịch gây quỹ toàn cầu để cung cấp vắcxin giá rẻ và chia sẻ công bằng do EU phát động đã nhận được số tiền hơn 19 tỉ USD, trong đó khoảng 75% số tiền đến từ các nước và tổ chức của châu Âu.

Một quan chức EU cho biết khối này đang rất nôn nóng và muốn có vắcxin tiêm cho dân trước cuối năm nay. Tuy nhiên, vị này cho rằng đây là mục tiêu không tưởng đối với COVAX. Điều này buộc EU phải tính đường khác và bắt đầu tự đàm phán với một số nhà sản xuất tư nhân.

“Nếu dựa vào COVAX, giá không chỉ cao hơn mà còn không đảm bảo được nguồn cung sau này”, một quan chức khác của EU lập luận. Theo Reuters, châu Âu đã sẵn sàng chi khoảng 2 tỉ euro cho các loại vắcxin tiềm năng đang phát triển.

Người phát ngôn của GAVI từ chối nói về mức giá 40 USD và thừa nhận không thể dự đoán chính xác giá cuối cùng khi vắcxin tới tay các nước. Hôm 15-7, WHO và GAVI tuyên bố đã có ít nhất 75 nước muốn gia nhập COVAX.

Reuters nhận định việc EU nôn nóng và thay đổi lập trường về vắcxin có thể xuất phát từ các động thái dồn dập của Mỹ.

Hôm 22-7, Pfizer và BioNtech cho biết Chính phủ Mỹ đã đồng ý trả gần 2 tỉ USD mua các loại vắcxin tiềm năng của mình. Nếu phát triển thành công, những liều vắcxin do hai công ty này sản xuất sẽ được sử dụng để tiêm phòng cho 50 triệu người với giá khoảng 40 USD/người.

Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã quyết định không tham gia vào sáng kiến phân phối vắcxin toàn cầu nào mà tự đàm phán và đổ tiền cho các công ty tư nhân nghiên cứu, phát triển. Mỹ hiện là vùng dịch COVID-19 lớn nhất thế giới với hơn 4,3 triệu ca bệnh, trong đó có gần 150.000 ca tử vong.

Một số nhà quan sát đã cảnh báo về “chủ nghĩa dân tộc vắcxin”, tức các nhà lãnh đạo ưu tiên tiêm vắcxin cho người dân của mình trước để miễn nhiễm thay vì chia sẻ với các nước có nguy cơ cao.

BẢO DUY
TTO