23/01/2025

Chúa Nhật XVII TN A 2020: Định mệnh con người

Các bài Thánh Kinh hôm nay dẫn chúng ta vào một vấn đề mà con người thắc mắc và tranh luận với nhau trong suốt dòng lịch sử. Đó là số phận, hay định mệnh của mỗi cá nhân hoặc cộng đồng sẽ như thế nào? Con người có được tự do để quyết định và thể hiện đời mình hay bị thần linh hoặc Thiên Chúa chi phối và quyết định?

Chúa Nhật XVII TN A 2020

Định mệnh con người

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh hôm nay dẫn chúng ta vào một vấn đề mà con người thắc mắc và tranh luận với nhau trong suốt dòng lịch sử. Đó là số phận, hay định mệnh của mỗi cá nhân hoặc cộng đồng sẽ như thế nào? Con người có được tự do để quyết định và thể hiện đời mình hay bị thần linh hoặc Thiên Chúa chi phối và quyết định? Người ta thường nói “dép còn có số, huống chi người”! Vì thế, chúng ta dành ít phút để suy niệm về vấn đề này.

1. Con người nghĩ gì về định mệnh của mình?

Trong Bài đọc II (x. Rm 8,28-30) chúng ta vừa nghe, thánh Phaolô quả quyết rằng: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích lợi cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc. Những ai Thiên Chúa đã tiền định thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi thì Người cũng làm cho họ nên công chính; những ai Người làm cho họ nên công chính thì Người cũng cho được hưởng phúc vinh quang”. Như vậy, dường như thánh Phaolô giới thiệu cho chúng ta thuyết tiền định, hay còn gọi là thuyết định mệnh.

Chúng ta hay nói đến số mệnh hay số phận. Theo định nghĩa trong từ điển: số mệnh là những điều may rủi, hoạ phúc đã được Tạo hoá, hay thần linh, định sẵn cho cuộc đời của mỗi người. Chúng ta cũng nói đến định mệnh. Đó là số mệnh của con người, do một lực lượng huyền bí nào đó sắp sẵn, không thể cưỡng lại được.

Trong suốt dòng lịch sử văn hoá của dân tộc, nhất là dưới chế độ quân chủ, người ta nói đến thiên mệnh hay mệnh trời. Mệnh trời đã định cho người này hay dòng họ này làm vua, nên dù ông vua có bất tài, vô đạo, thì mọi thần dân vẫn phải thần phục. Đó là theo quan điểm của những người theo chủ nghĩa duy tâm, trong khi chủ nghĩa duy vật chủ trương rằng con người hoàn toàn tự do làm chủ đời mình theo quyết định của ý chí.

Người ta thường nói đến duyên số. Lấy phải người chồng hay người vợ dù có bất trung, lăng loàn, độc ác, thì mình vẫn phải chịu đựng, phải thuỷ chung cho đến chết, vì duyên số đã định như vậy! Có người nghĩ rằng trời đã định cho mình giàu có, thì dù ăn chơi, lười biếng đến mấy, cũng vẫn giàu!

Con người từ thuở sơ khai vẫn tin rằng có một trật tự tự nhiên định sẵn cho tất cả vũ trụ và con người vào mỗi một thời điểm khác nhau, nên vòng xoay số phận sẽ đưa họ vào điều đã định trước. Các thần thoại đều xác định như thế: chính thần linh quyết định số phận con người. Dù rằng con người có những quyết định và hành động khác nhau, nhưng cuối cùng cũng sẽ dẫn đến cái kết cục đã định sẵn mà người ta không thể thoát ra được.

Các triết gia trong suốt dòng lịch sử vẫn nghĩ rằng con người có một định mệnh nào đó và định mệnh này chi phối con người. Những triết gia nổi tiếng về thuyết định mệnh như Arthur Schopenhauer nói đến ý chí sống, Friedrich Nietzcshe nói đến tình yêu định mệnh… Tuy nhiên, thời trước cũng như thời nay, có những người nghĩ rằng: vì có tinh thần tự do, nên con người hoàn toàn có quyền quyết định số phận, nhất là khi không tin có Thiên Chúa, thì con người làm chủ vận mệnh của mình. Người ta gọi những người tin vào thuyết định mệnh là hữu thần, duy tâm, còn những người theo thuyết quyết định là vô thần, duy vật.

2. Người Công giáo nghĩ gì về định mệnh con người?

Có phải là Chúa đã định trước mọi sự như thánh Phaolô đã viết không? Có phải là Chúa định trước cho người này được may mắn, giàu có, thành công, cũng như cho người kia bị xui xẻo, nghèo khổ, bệnh tật? Nếu Chúa đã định trước thì cần gì phải cố gắng, học hành, làm việc cực nhọc… Vì một khi Chúa đã tiền định, làm sao con người cưỡng lại được! Thậm chí người ta còn suy nghĩ theo bài Tin Mừng (x. Mt 13,44-52) về cá tốt, cá xấu mà Chúa Giêsu vừa mới nhắc đến: có phải Chúa đã định trước cho ai lên thiên đường và ai xuống hoả ngục không? Nếu thế, cần gì phải cố gắng sống đạo đức nữa! Cứ ăn chơi, phạm tội đi, vì nếu Chúa đã định trước, thế nào cũng lên thiên đàng!

Đó là những vấn đề ta nên tìm hiểu để trả lời cho người khác khi họ thắc mắc về số phận của mình.

2.1. Trước hết, Thiên Chúa là Đấng Tạo hoá, dựng nên tất cả mọi sự. Vì Thiên Chúa là tình yêu nên Ngài muốn chia sẻ những gì tốt đẹp cho mọi loài thụ tạo để tất cả được hưởng niềm vui, bình an, chân thiện mỹ, hạnh phúc vô tận giống như Ngài. Như chúng ta đã tìm hiểu tuần trước về lúa tốt và cỏ dại, Chúa dựng nên hai loài có tinh thần giống như Ngài là thiên thần và con người. Có tinh thần là có tự do, ý thức, ý chí để suy nghĩ, chọn lựa và quyết định cho cuộc đời mình.

Quỷ dữ là các thiên thần sa ngã đã quyết định sai, nên muôn đời đau khổ. Chúng đã cám dỗ loài người chúng ta theo hướng sai lạc. Nhưng quỷ dữ không thể cầm tay ta để hái và đút trái cấm vào miệng ta; chúng cũng không xỏ nhẫn kim cương của người khác vào ngón tay ta. Chúng chỉ gợi ý và cám dỗ ta, còn chính chúng ta mới là người quyết định hành động. Những hành động sẽ hướng ta đến điều tốt hay điều xấu. Nếu ta cố gắng đi vào con đường tốt đẹp thì ta được chia sẻ trọn vẹn hạnh phúc với Chúa. Nếu ta đi vào con đường xấu, làm những hành động xấu, thì ta giống như những con cá xấu sẽ bị quăng vào lò lửa trong ngày Chúa phán xét nhân loại. Như thế kết quả tốt hay xấu hoàn toàn nằm trong nhận thức và quyết định của con người.

Tuy nhiên, Thiên Chúa thấy con người đau khổ và vạn vật chịu cảnh hư nát, nên trong kế hoạch yêu thương, Ngài đã tiền định cho Con của Ngài là Ngôi Lời Thiên Chúa trở thành người, là Đức Giêsu, để giúp cho tất cả đi vào con đường sự thật và sự sống. Chúa Giêsu đã giới thiệu con đường này và giúp ta bước đi, nhờ Thánh Thần Người ban, để ta trở thành con cái Thiên Chúa như Người. Đó là điều mà Chúa Cha tiền định cho tất cả chúng ta. Thánh Kinh Tân Ước chỉ dùng 5 lần động từ “tiền định” và điều tiền định quan trọng nhất mà chúng ta nghe hôm nay, được nhắc lại trong thư của thánh Phaolô gửi tín hữu Ephêsô (x. Ep 1,5.11) (x. Giáo hoàng Học viện Thánh Piô X, Điển ngữ Thánh học Thánh kinh, tập 4, mục từ Tiền định, tr. 194-200).

Hơn nữa, Thiên Chúa là Đấng tích cực, trong Ngài không có cái gì là tiêu cực, nên không bao giờ Ngài tiền định cho chúng ta gặp xui xẻo, thất bại, đau khổ, bệnh tật, chết chóc. Những thứ tiêu cực đó đều là kết quả của lòng tham, lòng dục và tội lỗi của con người.

Vì thế, nếu ta lập gia đình với một người chồng hay người vợ bất trung gây đau khổ, thì ta không phải dựa vào câu: “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” để cứ sống mãi trong đau khổ, bạo hành, lạm dụng. Giáo Hội giới thiệu cho ta những phương cách để vượt qua cuộc hôn nhân đau khổ ấy bằng cách hoán cải con người qua lời cầu nguyện, qua những phương pháp tâm lý, qua những ân phúc. Cuối cùng nếu không được thì xin Giáo Hội cho phép ly thân, nên hôn phối vẫn còn, nhưng ta không phải sống mãi trong cảnh đó.

Con người cũng không thể nhân danh thuyết định mệnh để bắt dân chúng sống mãi trong bất công, độc tài, bất hạnh. Học thuyết Xã hội Công giáo đã hướng dẫn những điều kiện để dân chúng phải nổi lên làm cách mạng, lật đổ chính quyền bất công, bạo tàn (x. Hội đồng Giám mục Việt Nam, Học Thuyết Xã hội Công giáo, NXB Tôn Giáo, 2007, số 400-401, tr. 279-280).

Lời kết

Hôm nay, chúng ta cùng cảm tạ Chúa đã tiền định cho ta trở thành con yêu quý của Ngài, trở thành một dân tộc đặc biệt để có thể gắn bó mãi mãi với Thiên Chúa, để có thể thực hiện được Nước Trời ngay trong trần thế này. Nhưng đồng thời ta vẫn hoàn toàn tự do, vì tự do chính là ân phúc Chúa ban tặng để ta quyết định qua những hành động của đời mình. Từ đó chúng ta biết rằng mình chẳng theo thuyết tiền định của duy tâm hay hành động của duy vật, vì chúng ta thật sự là những người con tự do của Thiên Chúa (x. Gl 5,1).

HKK