26/01/2025

Tàu vũ trụ tấp nập bay đến sao Hoả

Tàu vũ trụ tấp nập bay đến sao Hoả

Chỉ trong tháng 7, có đến 3 quốc gia lần lượt gửi tàu vũ trụ đến sao Hoả và thiết bị tự hành của những nước này sẽ sớm hoạt động rầm rộ ở hành tinh đỏ.

 

Đồ họa mô phỏng tàu thăm dò Perseverance và trực thăng Ingenuity /// Ảnh: NASA
Đồ họa mô phỏng tàu thăm dò Perseverance và trực thăng Ingenuity  ẢNH: NASA
Tàu du hành Thiên Vấn-1 đang bắt đầu cuộc hành trình đến sao Hỏa sau khi được tên lửa Trường Chinh 5 đưa lên quỹ đạo ngày 23.7, theo Tân Hoa xã. Sau lần phóng thất bại vào năm 2011, Trung Quốc đặt tham vọng có thể bắt kịp tốc độ thám hiểm hành tinh đỏ của Mỹ để bù đắp khoảng thời gian đã mất. Trong sứ mệnh này, thiết bị tự hành của Trung Quốc sẽ tập trung tìm kiếm các túi nước trong lòng đất, và chuẩn bị cho sứ mệnh lấy mẫu quay về trái đất vào thập niên 2030.
Hiện có 6 tàu quỹ đạo đang nghiên cứu sao Hỏa, bao gồm 3 tàu của NASA là Mars Odyssey (phóng năm 2001), MRO (2005) và MAVEN (2013). Châu Âu đang có 2 tàu là Mars Express (2003) và ExoMars TGO (2016). Tàu thứ 6 thuộc về Ấn Độ, tên Mangalyaan (2013). Trong khi đó, Mỹ đang triển khai 2 thiết bị tự hành trên bề mặt sao Hỏa, gồm Curiosity (2012) và InSight (2018).

Trước đó vài ngày, tàu quỹ đạo mang tên Hy vọng của UAE cũng đã được phóng đến sao Hỏa trong năm nay, với mục tiêu nghiên cứu thời tiết của hành tinh. Cũng giống như UAE, Trung Quốc đang tận dụng khung thời gian quý giá để rút ngắn cuộc hành trình đến sao Hỏa.

Cứ theo chu kỳ khoảng 26 tháng, sao Hỏa lại đến điểm gần trái đất nhất. Vào năm 2020, khoảng cách gần nhất giữa hai hành tinh là 62 triệu km, rơi vào tháng 7, theo chuyên trang Space.com. Trong khi đó, khoảng cách trung bình giữa sao Hỏa và trái đất là 225 triệu km vào thời điểm bình thường.
Cũng tận dụng cơ hội, những ngày còn lại của tháng 7 này, Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) dự kiến gửi tàu thăm dò Perseverance lên sao Hỏa.
Theo tờ The New York Times, Perseverance là thiết bị tự hành thứ 5 của NASA kể từ khi Mỹ bắt đầu thám hiểm sao Hỏa. Perseverance mang theo các công cụ đo đạc khoa học hoàn toàn khác, và mục tiêu của nó là hố va chạm Jezero. Đây là một vùng hồ đã bị khô cạn, mà theo các nhà khoa học sẽ là địa điểm lý tưởng nếu muốn thu hoạch các chứng cứ hóa thạch của sự sống vi khuẩn đã biến mất trên bề mặt hành tinh đỏ.
Bên cạnh đó, sứ mệnh sắp tới của Mỹ cũng đặt mục tiêu lần đầu tiên bay trực thăng trong bầu khí quyển mỏng manh của sao Hỏa. Sau khi được Perseverance thả ra, trực thăng mang tên Ingenuity sẽ thử cất cánh trong điều kiện không khí đặc biệt loãng, tương tự như ở rìa khí quyển tầng cao của trái đất.
Trong khi đó, sứ mệnh hợp tác giữa Nga và châu Âu đưa thiết bị tự hành Rosalind Franklin đến hành tinh đỏ trong năm nay đã bị hoãn lại vì trục trặc kỹ thuật và ảnh hưởng của dịch Covid-19.
HẠO NHIÊN
TNO