30/12/2024

Dự luật cấm người nước ngoài tham gia hoạt động tôn giáo tại Nga

Dự luật cấm người nước ngoài tham gia hoạt động tôn giáo tại Nga

Đức Thượng phụ Kirill của Giáo hội Chính thống Nga (ANSA)

Ngày 22/07 vừa qua, Chính phủ Nga đã trình lên Quốc hội nước này một dự luật cấm người nước ngoài tham gia và lãnh đạo các hoạt động tôn giáo trên đất Nga. Những người đã học ở nước ngoài và những người có biểu hiện của “chủ nghĩa cực đoan tôn giáo” cũng bị loại trừ.

Theo điều 7 của luật liên bang về “Tự do lương tâm và các hiệp hội tôn giáo, chỉ những người Nga và ‘những người sống định cư và hợp pháp trên lãnh thổ Nga’ mới có thể gia nhập” vào một nhóm tôn giáo.

Luật định nghĩa “nhóm tôn giáo” là một “liên minh của những người tuyên xưng cùng một đức tin, không cần đăng ký với nhà nước”. Các nhà lãnh đạo và những người tham gia của nhóm có quyền cử hành phụng vụ chung, nghi lễ tôn giáo, tụ họp và đào tạo các thành viên mới về đức tin của họ. Tuy nhiên, các buổi hội họp cầu nguyện phải được tổ chức trong các cơ sở được uỷ quyền đặc biệt, và không tại nhà riêng.

Những người bị liệt vào danh sách cực đoan và khủng bố

Ngoài việc cấm người nước ngoài tham gia và lãnh đạo các cộng đoàn, luật cũng cấm những người bị liệt vào danh sách chính thức về cực đoan và khủng bố. Thêm vào đó, lệnh cấm cũng được áp dụng cho các tín đồ mà tòa án đã phát hiện có “những dấu hiệu của hoạt động cực đoan”. Từ vài năm nay, các tín đồ Chứng nhân Giêhôva, nhiều nhóm Tin Lành Baptist và các giáo phái khác thuộc nhiều tôn giáo khác nhau đã bị đưa vào danh sách này.

Cấm các linh mục học thần học ở nước ngoài tham gia các hoạt động tôn giáo

Thông cáo Báo chí của Hạ viện Nga giải thích rằng những sửa đổi này “sẽ không cho phép các linh mục hoặc những người phục vụ hoạt động phụng tự đã được giáo dục tôn giáo ở nước ngoài, là những người truyền bá tư tưởng tôn giáo cực đoan, tham gia vào hoạt động của các hiệp hội tôn giáo”.

Khó khăn đối với các nhà truyền giáo nước ngoài

Lệnh cấm này sẽ tạo ra khó khăn cho các nhà thuyết giảng Hồi giáo và các mục sư Tin Lành, và cả đối với các linh mục Công giáo, trong số đó vẫn còn nhiều nhà truyền giáo nước ngoài, những người đang đấu tranh để có được giấy phép cư trú vĩnh viễn. Luật mới cũng có thể khiến các linh mục người Nga được gửi đi học thần học ở Roma hay các nước khác bị giám sát đặc biệt để xem xét họ có “dấu hiệu cực đoan” không. (Asia News 23/07/2020)

Hồng Thuỷ