24/11/2024

ĐHY Scola chống những phê bình về ĐTC Phanxicô: “Đức Giáo hoàng là Đức Giáo hoàng”

ĐHY Scola chống những phê bình về ĐTC Phanxicô: “Đức Giáo hoàng là Đức Giáo hoàng”

ĐTC tại ĐHGT tại Rio de Janeiro 2013

ĐHY Angelo Scola, người xếp thứ 2 trong mật nghị giáo hoàng vừa qua, trong những tuần vừa qua, đã 2 lần mạnh mẽ lên tiếng chống lại những người, đặc biệt là trong Giáo hội, thường xuyên công kích Đức Giáo hoàng. Ngài nói “đây là dấu hiệu mạnh mẽ của sự mâu thuẫn và cho thấy một sự suy yếu nhất định của dân Chúa, trên hết là tầng lớp trí thức”. Đây là một thái độ sai lầm nền tảng vì họ đã quên rằng “Đức Giáo hoàng là Đức Giáo hoàng”.

Đức Hồng y phát biểu trong một cuộc phỏng vấn được công bố trên Trang web của Tổng Giáo phận Milan nhân dịp kỷ niệm 50 năm linh mục vào ngày 18 tháng 7: “Việc nhận ra ý nghĩa của Đức Giáo hoàng trong Giáo hội không hệ tại ở mối tương quan, tính tình, văn hoá, cảm xúc, tình bạn hay bởi vì chúng ta chia sẻ hay không chia sẻ quan điểm của ngài.”

ĐHY Scola, nhà thần học và cựu hiệu trưởng của Đại học Giáo hoàng Laterano, đã tuyên bố “Đức Giáo hoàng là người bảo đảm cuối cùng, mang tính nền tảng và chính thức – chắc chắn rằng ngang qua thượng hội đồng trong sứ vụ Thánh Phêrô – cho sự hiệp nhất trong Giáo hội”.

Liên quan đến nhiều cách thức công kích khác nhau mà ĐTC Phanxicô phải gánh chịu trong những năm gần đây, Đức Hồng y của Venice và Tổng Giám mục Milan tuyên bố “tôi đã xem xét những hình thức tuyên bố, thư từ, những phán quyết chống lại hành động của Đức Thánh Cha, và trên hết khi họ đưa ra những so sánh rất khập khiễng với các ĐGH tiền nhiệm. Hiện tượng tiêu cực này cần phải được xoá bỏ càng sớm càng tốt”.

Trong bài phỏng vấn và trong lời giới thiệu mới cho lần xuất bản thứ hai của cuốn Tự thuật, Ho scommesso sulla libertà (tạm dich: Tôi đặt cược vào sự tự do), được viết bởi nhà báo Ý, Luigi Geninazzi, và được xuất bản ngày 13 tháng 6, ĐHY người Ý đã nhấn mạnh rằng “chúng ta phải học từ Đức Giáo hoàng”, một thuật ngữ mà ngài thú nhận đã nghe được từ Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo II.

ĐHY Scola nói: “Điều này có nghĩa là phải có sự khiêm nhường và kiên nhẫn để đồng cảm với lịch sử cá nhân của Đức Giáo hoàng, với cách thức ngài diễn tả đức tin của mình, cách ngài hướng dẫn chúng ta và những chọn lựa trong việc lãnh đạo và điều hành Giáo hội. Điều này càng cần thiết hơn với một Đức Giáo hoàng người Châu Mỹ Latinh. Ngài có một tâm thức và một phương cách làm việc khác với Châu Âu. Điều này cũng xảy ra tương tự với ĐGH Gioan Phaolô II”.

ĐHY Scola tuyên bố: “Tôi thật sự cho rằng khả năng phi thường của ĐTC Phanxicô để khiến ngài gần gũi với tất cả mọi người thì thật đáng ngưỡng mộ và có sức đánh động, và đặc biệt là đối với những người bị loại trừ, những người thuộc về nền ‘văn hoá bị vứt bỏ’. Bằng sự nhạy bén của mình, Đức Thánh Cha thường xuyên nhắc nhở chúng ta phải loan báo Tin Mừng cho toàn thế giới.”

Hơn nữa, Đức Hồng y nói: “Một số cử chỉ của Đức Giáo hoàng đánh động tôi rất nhiều và chắc chắn cũng rất có ý nghĩa với tất cả mọi người, ngay cả với những người không có đạo. Với tính tình của tôi, tôi không thể làm được những điều đó; nhưng mỗi người đều có tính cách riêng của mình.”

Trong lời giới thiệu cho cuốn tự thuật của mình, vị Hồng y 78 tuổi, người đã có mối tương quan rất thân thiết với ĐGH Gioan Phaolo và Đức Bênêđictô XVI, viết rằng “ĐGH Phanxicô tìm cách lay động con tim người khác bằng cách chất vấn họ về thói quen và văn hoá hợp nhất trong Giáo hội”.

“Điều này có thể gây ra hoang mang và thất vọng. Nhưng những cuộc công kích mãnh liệt và xấc xược liên quan đến con người của Đức Giáo hoàng, đặc biệt là đến từ những thành phần trong Giáo hội, thì thật sai lầm.”

ĐHY Scola nói thêm: “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã được dạy rằng ‘Đức Giáo hoàng chính là Đức Giáo hoàng’. Ngài là người mà mỗi người Công giáo phải yêu mến, tôn trọng và vâng phục, vì ngài là dấu hiệu hữu hình và là người bảo đảm cho sự hợp nhất Giáo hội của những ai đang bước theo Đức Kitô. Hơn nữa, hợp nhất với vị kế nhiệm Thánh Phêrô, không phải là một vấn đề về văn hoá, hay sự đồng cảm mang tính nhân văn, hay là một yếu tố tình cảm, nhưng đó chính là bản chất của Giáo hội.”

Kết thúc phê bình mạnh mẽ của ngài đối với những công kích chống lại Đức Giáo hoàng, Đức Hồng y tiếp tục bày tỏ sự quan tâm đối với những tranh cãi và chia rẽ đang trở nên cay đắng hơn bao giờ hết, thậm chí phải đánh đổi bằng sự thật và lòng bác ái. Ngài nói: “Tôi không thấy nguy cơ ly giáo; nhưng tôi sợ một hành trình giật lùi về những tranh luận thời hậu công đồng giữa những người bảo thủ và cấp tiến về tính kế thừa của Công đồng Vatican II.”

Đức Hồng y nhìn thấy sự trở lại của nguy cơ này trong “sự tái xuất hiện của các giọng điệu kích động” của “sự bất đồng vô ích” giữa “những người bảo vệ truyền thống hiểu một cách cứng nhắc” và “những người đề xuất những gì được dự định là sự thích nghi của thực tiễn và giáo thuyết theo yêu cầu thế giới”. Nhưng giống như ĐGH Phanxicô, ĐHY Scola tin rằng cách để vượt qua những căng thẳng này là phó thác cho Chúa Thánh Thần, “Đấng không cho phép mình bị khai thác bởi logic của các phe cánh đối lập”. (America Magazine 21/07/2020)

Anh Phương, SJ, chuyển ngữ