‘Có tán gia bại sản tôi cũng cố giữ’ những chuyến xe 0 đồng
‘Có tán gia bại sản tôi cũng cố giữ’ những chuyến xe 0 đồng
“Khẩn cấp, ông trong hình bị tai nạn ngoài phường Trương Quang Trọng (TP Quảng Ngãi) gần bến xe phía bắc. Tôi đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ngãi nhưng không biết ông ở đâu. Anh em chia sẻ giúp, tìm người thân cho ông. Tôi cảm ơn nhiều”.
Đó là chia sẻ của anh Võ Minh Duy (36 tuổi, giám đốc Công ty TNHH du lịch và thương mại Hoàng Phúc, TP Quảng Ngãi) lên trang Facebook cá nhân nhận được 1.300 lượt chia sẻ.
Trong lúc cả cộng đồng chung tay tìm kiếm người thân cho người đàn ông nước ngoài vừa gặp tai nạn thì anh Duy đang là “người nhà” đẩy ông đi chụp CT, khâu vết thương.
Phía sau câu chuyện “giữa đường hành nghĩa” của anh Duy, mọi người nhớ đến xe cứu thương từ thiện mà anh Duy bảo rằng: “Có tán gia bại sản tôi cũng cố giữ”.
Tôi không nhớ đã chở ai và cũng không cần thiết ghi chép lại bởi tôi không mong được trả ơn, trả công gì. Cuộc sống mà, giúp được ai thì giúp.
Anh VÕ MINH DUY
Hành nghĩa giữa đường
Chiều 15-7, anh Duy lái xe chạy từ Đà Nẵng về Quảng Ngãi, khi đi qua bến xe phía bắc TP Quảng Ngãi thấy đông người đang đứng vây quanh một vụ tai nạn. Vốn đã quen với việc cấp cứu người bị tai nạn trên đường, anh Duy dừng xe lại, tiến đến.
“Tôi thấy ông ấy là người nước ngoài, bị thương rất nặng, máu ra nhiều. Tôi biết chút tiếng Anh nên nói ông bình tĩnh, tôi sẽ đưa ông đi viện. Ông ấy không nói được, chỉ gật đầu thôi” – anh Duy kể.
Chiếc ôtô bảy chỗ nhanh chóng được hạ toàn bộ ghế sau, chiếc nệm được trải lên và trở thành một cái giường di động. Chiếc nệm ấy là kinh nghiệm của một người hành nghĩa giữa đường nhiều năm.
Trong những tháng ngày rong ruổi với vôlăng, có lần thấy người bị tai nạn giao thông, anh Duy chẳng biết cách nào đưa đi cấp cứu, người bị tai nạn không thể ngồi được. Thế là phải chờ xe cứu thương. Cái cảm giác chờ xe cứu thương rồi nhìn người bị nạn thoi thóp, thời gian như bóp nghẹt lồng ngực anh Duy.
“Từ cái lần đó, xe công ty lúc nào cũng có chiếc nệm da, khi cần thiết là biến ghế thành giường” – anh Duy cười hiền.
Anh Duy khẩn trương đưa ông đi viện và xin phép được kiểm tra tư trang để có thông tin gửi cho bác sĩ. Nhưng tư trang không có gì ngoài một chiếc ảnh thẻ. Thế là anh đăng câu chuyện lên Facebook, sự tử tế lan tỏa nhanh chóng, thông tin của ông được cộng đồng mạng cập nhật. Người đàn ông này tên Stuart Surtess (60 tuổi, quốc tịch Anh, sinh sống tại TP Quảng Ngãi).
“Cũng nhờ cộng đồng mạng mà tôi biết ông Stuart Surtess vừa có hành động đẹp chặn xe đi ngược chiều, buộc người thanh niên phải đi đúng phần đường của mình và nhiều năm qua ông dạy học từ thiện ở Quảng Ngãi. Tôi càng quý trọng ông ấy hơn” – anh Duy tâm sự.
Tình người biến người dưng thành người thân, từ 18h chiều anh Duy trở thành người duy nhất bên cạnh ông Stuart Surtess. Chẩn đoán ông bị chấn thương sọ não, gãy xương mũi, chấn thương phức tạp ở gối, bác sĩ cũng chỉ còn cách thông báo cho anh Duy.
Trong bóng tối cuối ngày, người ta thấy bóng dáng một thanh niên đi ra đi vào trông nom một người không quen biết. “Tôi quý nhất là khi nói với bác sĩ sẽ ứng viện phí cho ông Stuart Surtess nhưng bác sĩ bảo cứu người trước đã, tiền bạc tính sau” – anh Duy thổ lộ.
Lúc ở bệnh viện chăm người dưng, anh Duy phải hủy một cuộc hẹn công việc quan trọng. Đối tác lúc đầu cũng cằn nhằn, nhưng sau khi biết chuyện đã đồng ý hợp tác mà chẳng cần thương thảo. Hôm chúng tôi gặp, anh Duy vừa ký xong hợp đồng.
Chiếc xe tử tế
Câu chuyện giữa đường hành nghĩa của anh Duy lan tỏa và thêm một câu chuyện khác của chàng thanh niên có bề ngoài bặm trợn ấy được mọi người nhắc đến là “xe cấp cứu từ thiện Hoàng Phúc Car”. Chiếc xe ấy bắt đầu hoạt động từ tháng 3-2019 với sứ mệnh chở những người gặp tai nạn trên đường và bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn cần đi cấp cứu. Anh Duy bảo rằng chiếc xe tử tế là duyên.
“Đầu năm 2019, tôi đi công tác ở TP.HCM thì thấy một chiếc xe cứu thương từ thiện chạy trên đường. Tôi nghĩ quê mình nghèo, có xe này giúp bà con khó khăn và những người gặp bất trắc trên đường thì quá tốt. Thế là tôi về cải hoán chiếc xe 16 chỗ, mua băng ca, bình hơi, ống thở làm xe cứu thương” – anh kể.
Từ ngày đưa vào hoạt động, số điện thoại đường dây nóng 0901.841.841 nhận được nhiều cuộc điện thoại cấp cứu và cứ thế lên đường. Tài xế Trần Ngọc Đông (41 tuổi), người thường xuyên chạy chuyến xe cấp cứu 0 đồng, bảo rằng 12 năm cầm vôlăng anh chưa bao giờ thấy công việc ý nghĩa như những lúc đưa người bệnh nghèo khó hay những người bị tai nạn bất ngờ đến bệnh viện kịp thời. Lúc bên lằn ranh sống chết của người khác mà bản thân góp chút công sức nhỏ cứu người thì chẳng còn gì ý nghĩa hơn.
Có những trường hợp anh em Hoàng Phúc Car không thể nào quên. Như anh Lê Hoàng Hảo (thôn 2, xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi) bị liệt toàn thân sau vụ tai nạn cách đây 10 năm. Gia cảnh khó khăn, chi phí thuê xe đi bệnh viện và từ viện trở về luôn là bài toán khó. Từ ngày biết xe cứu thương 0 đồng, gia đình anh Hảo trút bớt gánh nặng.
Anh Hảo chia sẻ: “Gia đình tôi biết ơn chuyến xe cứu thương từ thiện của Công ty Hoàng Phúc Car lắm. Nhờ có xe này mà tôi đi bệnh viện thường xuyên hơn, trước đây tôi không dám đi bởi tiền thuê xe đắt quá”.
Còn với anh Duy và anh Đông, niềm hạnh phúc của anh Hảo làm tăng thêm quyết tâm thực hiện nhiều hơn nữa những chuyến xe cứu thương 0 đồng. Bây giờ, ngoài chiếc xe cứu thương “chuyên dụng” được chuyển xuống Khu kinh tế Dung Quất túc trực, 21 chiếc xe còn lại trong công ty đều trở thành xe cứu thương khi thấy tai nạn trên đường hoặc người nghèo cần cấp cứu.
Xin vào đội cứu thương chuyên dụng
Cái nghề chở cấp cứu từ thiện cũng lắm gian nan, anh Duy bảo đụng chạm tới “nồi cơm” của các xe cấp cứu dịch vụ. Mỗi lần chở lại phân bua: “Họ nghèo quá cho tui chở giùm”.
Rồi thêm những lần chở bệnh nhân qua đời về nhà, phần lớn là đồng bào nghèo ở các huyện miền núi, nên ngoài tài xế còn có thêm hai người đi cùng cho “đỡ sợ” và tiện giúp gia đình.
Cứ thế, những vòng xe tử tế lăn bánh, ngồi sau vôlăng là những con người muốn lan tỏa sự tử tế…
Những dự tính trong tương lai của anh Duy và tập thể công ty cho xe cứu thương từ thiện ngày một nhiều hơn.
Anh Duy chia sẻ: “Xe cứu thương của tôi chưa được ai cấp phép cả, tính ra là hoạt động chui, nhưng mình thấy làm đúng thì làm thôi. Tôi nghe sắp tới ngành y tế Quảng Ngãi có đội cấp cứu chuyên dụng, khi đó tôi sẽ làm đơn xin “một chân” chở cấp cứu miễn phí”..