Vì sao mùa lũ năm nay tại Trung Quốc nghiêm trọng?
Vì sao mùa lũ năm nay tại Trung Quốc nghiêm trọng?
Biến đổi khí hậu và hoạt động bồi lấn trái phép tại các vùng sông hồ tự nhiên đang khiến cho Trung Quốc trải qua đợt lũ nghiêm trọng.
Giới chuyên gia cho biết Trung Quốc thường hứng chịu những trận lũ lớn vào mùa hè nhưng đợt lũ năm nay có cường độ mạnh bất thường là do ảnh hưởng từ hai yếu tố: biến đổi khí hậu và hành vi của con người, theo tờ South China Morning Post.
Từ đầu tháng 6, mưa lũ đã khiến mực nước tại 433 con sông ở Trung Quốc vượt mức cảnh báo, trong số đó 33 sông đạt mức kỷ lục. Mùa lũ ảnh hưỡng đến 27/31 tỉnh, khiến hơn 37 triệu người ảnh hưởng, 141 người chết hoặc mất tích, thiệt hại kinh tế khoảng 12,3 tỉ USD, theo South China Morning Post dẫn số liệu chính thức.
Ông Tống Liên Xuân, Giám đốc Trung tâm khí tượng quốc gia Trung Quốc nói rằng vùng áp suất cao cận nhiệt ở tây bắc Thái Bình Dương năm nay hoạt động mạnh, kết hợp với khối không khí lạnh dẫn dến mưa lớn liên tục ở lưu vực sông Dương Tử (sông Trường Giang).
Ông Tống nói rằng việc nóng lên toàn cầu đã dẫn đến sự gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Vị chuyên gia dẫn chứng rằng số lượng ngày mưa lớn tại Trung Quốc đã tăng 3,9% mỗi 10 năm trong suốt 60 năm qua.
Bên cạnh đó, hành vi của con người cũng bị cho là tác nhân khiến cho lũ lụt tại Trung Quốc ngày càng nghiêm trọng.
|
Nhà địa chất học Phạm Hiểu thuộc Cục địa chất học và khoáng sản Tứ Xuyên cho rằng việc bồi lấp đất và xây dựng đập trên các con sông đã giảm diện tích và sức chứa của hồ Bà Dương, hồ tự nhiên lớn nhất Trung Quốc nằm tại tỉnh Giang Tây.
Hoạt động bồi lấn đã khiến diện tích bề mặt của hồ giảm từ 5.160 km2 xuống còn 3.860 km2 từ năm 1954 đến năm 1998.
Mùa lũ năm 1998 dọc sông Dương Tử và nhiều vùng khác là đợt lũ nghiêm trọng nhất trong vài chục năm qua, khiến hơn 3.000 người thiệt mạng, 15 triệu người mất nhà cửa, thiệt hại kinh tế 24 tỉ USD.
|
Ông Tống nói rằng mùa mưa năm nay không ảnh hưởng lớn như năm 1998 mà chỉ tác động đến khu vực trung lưu và hạ lưu sông Dương Tử.
Một số chuyên gia cho rằng việc xây dựng các con đập với hồ chứa nước lớn từ sau trận lũ năm 1998 đã giúp giảm áp lực lũ lụt cho vùng hạ lưu sông Dương Tử. Một trong số đó có đập Tam Hiệp.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Phạm Hiểu, đập thủy điện lớn nhất thế giới này chỉ giúp ngăn chặn một phần lũ ở thượng lưu và không ảnh hưởng quá nhiều đến việc kiểm soát lũ ở trung và hạ lưu.
Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc cho rằng đập Tam Hiệp đã đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát lũ năm nay và nếu không có con đập, vùng trung và hạ lưu sông Dương Tử sẽ đối diện tình hình nghiêm trọng.
Hoàn Cầu Thời báo trích thông báo của Công ty Tam Hiệp Trung Quốc, đơn vị vận hành đập Tam Hiệp, cho biết con đập đã 3 lần giảm lượng xả lũ tính đến ngày 17.7, giữ lại lượng nước 6,6 tỉ m3 để giúp giảm áp lực cho hạ nguồn. Theo đó, việc điều tiết của đập Tam Hiệp đã giúp mực nước tại trạm Thành Lăng Ki, lối ra của hồ Động Đình và trạm Hồ Khẩu, lối ra của hồ Bà Dương, không bị vượt mức an toàn.
BẢO VINH
TNO