24/11/2024

Khẩn cấp kiểm soát ô nhiễm không khí ở TP.HCM, Hà Nội

Khẩn cấp kiểm soát ô nhiễm không khí ở TP.HCM, Hà Nội

Ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM nhiều thời điểm đã đến mức báo động, ảnh hưởng tới sức khoẻ người dân.

 

Khẩn cấp kiểm soát ô nhiễm không khí ở TP.HCM, Hà Nội - Ảnh 1.

Người dân nín thở đi qua đoạn đường đầy bụi đang thi công trên đường Vũ Trọng Phụng, Hà Nội trưa 17-7 – Ảnh: NAM TRẦN

 Để kiểm soát tình trạng này, Bộ Tài nguyên và môi trường đang đề xuất Thủ tướng ban hành chỉ thị về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí.

Nhiều chuyên gia môi trường đều khẳng định rằng cách giảm ô nhiễm không khí bền vững nhất là phải giảm được các nguồn phát thải ô nhiễm. Và đang còn quá nhiều vấn đề cần giải quyết trên phạm vi liên kết vùng để giảm ô nhiễm không khí bền vững tại các đô thị.

Nhiều nguồn cùng thải

Hà Nội, TP.HCM đang trở thành những đô thị có mức độ ô nhiễm không khí cao nhất cả nước. Nhiều thời điểm chỉ số chất lượng không khí (AQI) tại hai đô thị này chạm ngưỡng báo động. Bộ Tài nguyên và môi trường cũng đánh giá ô nhiễm không khí trên toàn quốc có chiều hướng gia tăng.

Số liệu của Cục Đăng kiểm Việt Nam ghi nhận tính đến tháng 4-2020 cả nước có khoảng 3,76 triệu ôtô, đến hết tháng 5-2020 số ôtô tăng lên 3,79 triệu xe, trung bình một tháng cả nước tăng thêm khoảng 30.000 ôtô và có đến khoảng 45% ôtô, xe máy đang tập trung tại Hà Nội, TP.HCM.

Riêng Hà Nội hiện có khoảng 7 triệu xe máy, khoảng 800.000 ôtô, trung bình mỗi tháng số xe máy, ôtô đăng ký mới tăng lên hàng chục ngàn chiếc. Con số này chưa bao gồm lượng ôtô, xe máy vãng lai từ các tỉnh vùng ven đổ về Hà Nội để phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa và đi lại của người dân.

Tương tự tại TP.HCM, Sở GTVT TP cho biết tính đến tháng 6-2019, toàn TP có khoảng 8,94 triệu xe cá nhân gồm khoảng 825.300 ôtô và 8,12 triệu xe máy, tăng 6,98% so với cùng kỳ năm 2018. Tính từ năm 2010 đến nay, TP.HCM tăng thêm hơn 4 triệu xe và bình quân mỗi người dân đều có một xe máy hoặc ôtô.

Bộ Tài nguyên và môi trường đánh giá khí thải từ số lượng lớn xe cộ tham gia giao thông, trong đó có hàng triệu xe máy cũ, ôtô quá hạn lưu hành, không bảo đảm tiêu chuẩn khí thải là nguyên nhân chính dẫn tới ô nhiễm môi trường không khí tại Hà Nội, TP.HCM hiện nay.

Số lượng xe khổng lồ này còn thải vào không khí lượng khí thải tăng nhiều hơn nữa khi hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế, gây kẹt xe nhiều nơi, nhiều thời điểm.

Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và môi trường cũng xác định bụi từ hoạt động xây dựng công trình, khí thải phát sinh từ cơ sở sản xuất công nghiệp, khí thải từ lò đốt sử dụng nguyên liệu hóa thạch như nhiệt điện than, sản xuất ximăng, hóa chất, phân bón… tại Hà Nội, TP.HCM và vùng lân cận đang làm cho mức độ ô nhiễm không khí tại đô thị trở nên nghiêm trọng hơn.

Khẩn cấp kiểm soát ô nhiễm không khí ở TP.HCM, Hà Nội - Ảnh 2.

Không khí tại Hà Nội có nhiều ngày trong tình trạng bị ô nhiễm nặng nề – Ảnh: NAM TRẦN

Tách bạch nguồn gây ô nhiễm để kiểm soát

Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Hoàng Dương Tùng – chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường – cho biết hiện TP Hà Nội đã xác định được các nguồn gây ô nhiễm từ xe cộ cá nhân, từ các cơ sở sản xuất ngoại thành, hoạt động xây dựng đô thị và đốt rơm rác vùng ven đô thị.

Điều kiện khí hậu thời tiết không phải nguyên nhân gây ô nhiễm, nhưng là yếu tố tác động làm tăng hay giảm ô nhiễm. Tuy nhiên, hiện chưa thể tách bạch được các nguồn gây ô nhiễm, chưa thể kiểm kê chính xác tỉ lệ gây ô nhiễm của các nguồn khí thải để có những biện pháp cụ thể.

Tuy vậy, theo TS Tùng, nguồn gây ô nhiễm từ xe cá nhân đang được nhận định là nguồn gây ô nhiễm lớn nhất. Trong khi phương tiện giao thông công cộng tại các đô thị chưa phát triển, vì vậy trước mắt phải có giải pháp cấp bách giảm ô nhiễm phát thải từ ôtô, xe máy bằng cách giảm số lượng xe cộ cá nhân thông qua việc phát triển hệ thống giao thông công cộng.

Tiếp đó, cần kiểm soát mức độ phát thải xe cộ thông qua kiểm định ôtô hằng năm và tiến tới kiểm định khí thải xe máy. Trường hợp xe không đạt cần duy tu, bảo dưỡng để đạt tiêu chuẩn phát thải khi chạy trên đường.

Bên cạnh đó, các đô thị cần xây dựng các tuyến phố phát thải thấp, quy định xe máy, ôtô đạt tiêu chuẩn nào mới được chạy và tăng cường sử dụng xe công cộng để giảm ô nhiễm từ giao thông. Đồng thời kiểm soát khí thải từ các cơ sở sản xuất giấy, hạt nhựa, từ các nhà máy ximăng, nhiệt điện… Muốn làm điều này cần một cơ chế liên tỉnh để kiểm soát ô nhiễm không khí đô thị, vì nhiều biện pháp thời gian qua các đô thị đã đặt ra nhưng thực hiện khá chậm chạp.

Còn theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe – tổng thư ký Hội Bảo vệ tài nguyên và môi trường Việt Nam, những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM đều có tỉ trọng công nghiệp xây dựng rất cao, tỉ trọng đóng góp GDP của công nghiệp xây dựng vào tăng trưởng các đô thị rất lớn. Trong khi để tăng trưởng được 1% GDP thì môi trường suy thoái 4%, vì vậy tất cả các đô thị đều phải tính toán giải quyết bài toán ô nhiễm môi trường.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Đình Hòe, thủ phạm gây ô nhiễm không khí tại các đô thị đầu tiên là sản xuất công nghiệp, xây dựng nhà cửa và phát thải từ xe cộ. Ngoài ba nguồn này, mật độ nhà cao tầng quá dày đặc làm nguồn gây ô nhiễm trở nên độc hại hơn do hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ vùng trung tâm thường cao hơn vùng ven từ 2-3 độ.

Các chuyên gia môi trường cũng cho rằng việc phát triển các siêu đô thị quy mô 8-10 triệu dân chỉ những quốc gia lắm tiền họ mới phát triển quy mô lớn như thế này, quy mô đô thị lớn thì càng khó kiểm soát vấn đề môi trường, đô thị quy mô vừa và nhỏ dễ kiểm soát ô nhiễm không khí hơn.

Khẩn cấp kiểm soát ô nhiễm không khí ở TP.HCM, Hà Nội - Ảnh 3.

Xe khách xả khói đen mù mịt gây ô nhiễm môi trường trên đường Nguyễn Văn Linh, H.Bình Chánh, TP.HCM – Ảnh: TỰ TRUNG

Báo động ô nhiễm không khí đô thị

Vào tháng 2-2020, kết quả đo lường chất lượng không khí của AirVisual ghi nhận thủ đô Hà Nội lần đầu tiên vượt qua thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), trở thành một trong những thủ đô ô nhiễm nhất thế giới. Nồng độ bụi mịn PM 2.5 trung bình ở Hà Nội là 46,9 microgam/m3, cao gấp gần 5 lần khuyến cáo của WHO và gần 2 lần quy chuẩn Việt Nam.

Cùng thời điểm từ tháng 1, tháng 2 năm nay, số liệu quan trắc của Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và môi trường ghi nhận Hà Nội có khoảng 50% số ngày có chỉ số chất lượng không khí (AQI) trên 100, ở mức kém đến rất xấu; trong đó từ ngày 18-1 đến 21-2 tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội ở mức nghiêm trọng khi có nhiều giờ chất lượng không khí ở ngưỡng rất xấu, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân.

* PGS.TS Nguyễn Đình Hòe:

Cần có chiến lược dài hơi

Nền kinh tế hiện nay là nền kinh tế ăn vào môi trường, chỗ nào cũng thấy xả thải ô nhiễm không khí, nguồn nước nhưng chế tài không mạch lạc, rõ ràng. Muốn quản lý tốt môi trường đô thị, hạn chế ô nhiễm, cải thiện môi trường cần có những chiến lược dài hơi 5-10 năm hoặc lâu hơn nữa.

Muốn có một chiến lược bảo vệ môi trường tốt cần có sự tham gia của người dân đô thị, chiến lược này cần gắn với chiến lược quy hoạch công nghiệp, GTVT… Ví dụ các khu Đức Giang, khu bóng đèn phích nước Rạng Đông (Hà Nội) từng xảy ra cháy nổ, gây ô nhiễm nghiêm trọng, ảnh hưởng sức khỏe người dân là do không làm tốt quy hoạch, di dời nhà máy ra khỏi nội ô chậm trễ.

* Chuyên gia tư vấn môi trường Đào Nhật Đình:

Phải đồng bộ nhiều giải pháp

Tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội đã kéo dài từ năm 1998 đến nay. Dù chính quyền Hà Nội đã dời các nhà máy như điện Yên Phụ, thuốc lá Thăng Long, cao su Sao Vàng ra khỏi nội ô, đồng thời chuyển tiêu chuẩn khí thải ôtô từ Euro 0 lên Euro 4, xăng đang chuyển từ dùng xăng có chì sang dùng xăng không chì, đường phố đã sạch hơn…, tóm lại Hà Nội đã làm được nhiều việc để cải thiện môi trường nhưng ô nhiễm không khí không giảm.

Tất nhiên, cần tiếp tục sử dụng nhiên liệu thân thiện môi trường hơn, khuyến khích người dân sử dụng giao thông công cộng chạy bằng điện nhiều hơn, nhưng dường như rất khó giảm được ô nhiễm không khí. Chẳng hạn, hiện nay nguồn gây ô nhiễm không khí vẫn do các phương tiện cá nhân xả thải, phần lớn bụi PM 2.5 là bụi thứ cấp và thải ra tới một mức nào đó sẽ xuất hiện bụi PM 2.5.

Nếu chúng ta giảm khí thải xe cộ một nửa như Hà Nội giữa mùa COVID-19 thì mức độ ô nhiễm chưa giảm, lượng bụi PM 2.5 không giảm, phải giảm về 0 mới giảm được bụi PM 2.5.

Thêm vào đó, nhiều địa phương đã nỗ lực đưa công nghệ thân thiện với môi trường vào sản xuất tại các nhà máy nhiệt điện than, nhà máy ximăng quanh Hà Nội nhưng các cụm công nghiệp làng nghề như làm giấy tại Bắc Ninh thì mức độ phát thải gây ô nhiễm vẫn như 20 năm trước và vẫn có tác động xấu đến Hà Nội.

BẢO NGỌC
TTO