30/12/2024

Thánh lễ truyền chức linh mục và phó tế giữa mùa đại dịch

Thánh lễ truyền chức linh mục và phó tế giữa mùa đại dịch

Đức Hồng y Michael Czerny, Dòng Tên (AFP or licensors)

Trong Thánh lễ truyền chức linh mục và phó tế cho các tu sĩ Dòng Tên giữa mùa đại dịch, Đức Hồng y Michael Czerny mời gọi các tiến chức khiêm nhường và can đảm, đến gần với dân Chúa, đi đến những vùng ngoài biên của ngoại biên, để làm chứng cho Chúa và thi hành thừa tác vụ của Giáo hội.

Đức Hồng y Michael Czerny, dòng Tên, đã từng làm việc tại Canada, Châu Mỹ Latinh, Châu Phi và Roma, trong việc phục vụ đức tin và thăng tiến công lý. Từ năm 2017, ngài được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Phó Tổng Thư ký Phân bộ Di dân và Tị nạn của Toà Thánh và thăng làm hồng y năm 2019.

Hôm thứ Bảy 27/06, Đức Hồng y Czerny đã truyền chức cho 2 linh mục và 18 phó tế Dòng Tên tại Nhà thờ Chúa Giêsu ở Roma, trong một Thánh lễ mà như Đức Hồng y nói, khác với bình thường.

Các tân chức thuộc nhiều quốc gia như Ý, Czech, Hungary, Slovak, Ucraina, Áo, Rwanda-Burundi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Madagascar, Sri Lanka, Trung Quốc, Bangladesh và Ấn Độ, đeo khẩu trang và nối kết trực tuyến với cha mẹ, họ hàng, bạn bè và anh em trong dòng Tên. Những người này không thể hiện diện trực tiếp vì nước Ý đang dần dần phục hồi từ cuộc khủng hoảng sức khoẻ; các biên giới vẫn bị đóng và việc đi lại vẫn còn bị hạn chế.

Giảng trong Thánh lễ, Đức Hồng y Czerny suy tư về những điểm sau:

Hơi thở sự sống

Là các tiến chức linh mục hoặc phó tế, có thể anh em cảm thấy không được trọn vẹn lắm khi không thể chia sẻ giây phút rất quan trọng này với những người thân yêu của mình. Anh em có thể cũng cảm thấy lo lắng: chúng ta đang sống ở những vùng đất chưa được biết đến và trong những vùng đất chưa được khai phá cho Giáo hội, cho tất cả chúng ta. Và khi anh em chuẩn bị cho lễ truyền chức, có thể anh em đặt câu hỏi: điều này có ý nghĩa gì với tôi, ngay bây giờ và ngay tại đây?

Có lẽ câu trả lời có thể được tìm thấy vào buổi chiều Phục Sinh, khi các tông đồ ở trong phòng tiệc ly đóng kín cửa vì sợ những gì đang xảy ra “bên ngoài”. (Ngay cả ngày nay, Giáo hội của chúng ta đôi khi cảm thấy sợ hãi và tự mình khép kín.) Đột nhiên Chúa Giêsu trở nên hữu hình, có thể nghe thấy được, có thể sờ thấy được, đến giữa họ. “Shalom!” là từ đầu tiên Chúa nói, “Bình an cho anh em!” Chúa tỏ cho họ thấy bàn tay bị thương và cạnh sườn bị đâm thâu. Những dấu hiệu trường tồn về cuộc Thương khó của Chúa loan báo và chứng minh tình yêu kiên định của Thiên Chúa. Và sau đó, thật đáng kinh ngạc, Chúa Giêsu gửi họ đi vào chính thế giới mà họ rất sợ hãi.

Chúa làm điều này thế nào? Với cử chỉ phi thường này: Chúa thở hơi trên họ. Giống như lúc ban đầu: Thiên Chúa thở hơi sự sống vào Adam. Khi thở hơi trên các môn đệ và ban cho họ Thần Khí, Chúa Giêsu nâng họ lên một phẩm trật mới. Đó là, ngài phong chức cho họ trở thành những sứ giả của Tin Mừng “đến tận cùng trái đất”, như đã nói trong sách Công vụ.

Anh em sắp lãnh nhận hơi thở tràn đầy nội lực và và có sức biến đổi này, Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con. Anh em sẽ có thể lặp lại lời Ngôn sứ Isaia – “Thần Khí Chúa ngự trên tôi” – để chữa lành và an ủi, giải thoát và hoà giải, để nâng dậy và làm cho vui mừng. Và để là sứ giả của Tin Mừng, một thừa tác viên hòa giải và giải phóng, trong thế giới hôm nay và ngày mai, nơi mọi thứ dường như liên tục và nhanh chóng đổi mới.

Anh em sắp được phong chức trong giây lát nữa thôi. Xin cho phép tôi nhắc anh em rằng lúc này tất cả chúng ta đang chứng kiến một khoảnh khắc quan trọng hơn, khi cả Giáo hội và gia đình và bạn bè của anh em đang khuyến khích anh em chọn con đường khó khăn của “cái mới” thay vì con đường đi xuống dốc của sự “an toàn”.

Canh tân không phải là điều gì mới

Giáo hội của chúng ta có một lịch sử lâu dài và ngay từ thời sơ khai, Giáo hội đã phải đương đầu với những hoàn cảnh mới, ví dụ như qua các Công đồng. Công đồng Vatican II đã tuyên bố rằng Giáo hội phải đón nhận thế giới cách có ý thức. Chúng ta phải phân định và “xem xét kỹ các dấu hiệu của thời đại”. Nhưng trong khi phân định là một phần của đời sống, phong cách và đào tạo của Dòng Tên, nó không là tài sản riêng của Dòng Tên, cũng không phải là một đặc quyền của những người được thụ phong.

Tại sao lại như thế? Vì Bí tích Rửa Tội. Theo Vatican II, mọi người trong Giáo hội đều có phẩm giá của người được rửa tội và do đó chia sẻ vào sứ vụ và thừa tác vụ của Giáo hội. Thừa tác vụ của thiên chức này không làm thừa tác vụ của Giáo hội bị cạn kiệt hoặc độc quyền thừa tác vụ này, vì toàn thể Giáo hội là “thi hành thừa tác vụ” và “truyền giáo”. Tất cả các thành viên của Giáo hội chia sẻ trách nhiệm đó. Các thừa tác viên được thụ phong hôm nay để thúc đẩy sự hòa nhập tích cực của Dân Chúa vào cuộc sống, sứ mệnh và trách nhiệm của Giáo hội.

Công đồng Vatican II xem thế giới như là nơi đặc quyền của việc công bố Tin Mừng. Khi làm như vậy, Công đồng đưa các linh mục trở về lại với thế giới, mời gọi họ rời khỏi vùng an toàn là “phòng thánh”, giống như các môn đệ vào buổi chiều đầu tiên của Lễ Phục Sinh, họ đã im lặng vì sợ những gì đang xảy ra “bên ngoài”. Bây giờ, thế giới, với những vấn đề và các cuộc chiến đấu, với những mâu thuẫn và giá trị của nó, với những cơ hội và trở ngại của nó, là điều cần thiết cho việc phục vụ của những người sẽ được thụ phong hôm nay.

Can đảm làm chứng tá

Đừng mong đợi một bản đồ của vùng đất anh em chưa biết đến, nơi anh em sẽ được gửi đến. Đi vào các vùng lãnh thổ chưa được khám phá là một viễn cảnh khó khăn. Như tôi đã nói trước đó, các thừa tác viên của Giáo hội cần phải có can đảm làm chứng tá, chọn con đường khó khăn của “cái mới” và không đi theo con đường đi xuống dốc của “an toàn”. Chớ gì anh em luôn có những người bạn và gia đình và bạn đồng hành trong Giáo hội không ngừng khuyến khích anh em, ngay cả như thế, họ cũng chỉ có thể ở bên anh em trong tinh thần.

Hãy nhớ rằng phân định ý nghĩa của tiếng Chúa Kitô mời gọi chúng ta hôm nay là một nhiệm vụ của toàn Giáo hội, không phải của một số ít người được chọn. Đừng cố gắng thống trị hoặc sở hữu sự phân định này; thay vào đó, hãy đồng hành với những người khác và phục vụ cho sự phân định của toàn Giáo hội.

Khi làm như vậy, anh em sẽ được tham gia vào việc thực hành sự hiệp hành mà Giáo hội đang dần phát triển trong Giáo hội. Chúng ta hãy cố gắng đồng hành với nhau cách nhiệt tình hơn bao giờ hết. Đóng góp to lớn của anh em phụ thuộc vào việc nhìn một cách trung thực và lắng nghe chân thành, mà không nghĩ rằng anh em đã có câu trả lời tốt nhất hoặc có tất cả các câu trả lời. Hãy cố gắng gần gũi với nhiều người và lắng nghe nhiều tiếng nói. Dù cho lưới của enh em nhỏ hay lớn, anh em sẽ thấy rằng nó đòi hỏi cả sự khiêm tốn và can đảm để nhận ra rằng một người không thể tự mình làm hết mọi sự.

Đừng chờ nó sẽ dễ dàng, đừng mong nó sẽ không gây tranh cãi, đừng đợi được khen thưởng, đừng trông được người khác thích, đừng hy vọng rằng các nhà phê bình sẽ thừa nhận những cuộc đấu tranh khó khăn của anh em, đừng mong đợi thành công nhanh chóng. Nhưng hãy tin chắc rằng anh em sẽ không đơn độc một mình nếu anh em để người khác đi cùng mình.

Đây là điều cần cầu nguyện, hôm nay và luôn luôn. Hãy cầu xin Chúa giúp chúng ta nhìn thế giới như Chúa Giêsu, đặc biệt là trong thời điểm rất khó khăn này.

Đại dịch Covid-19 đang cho chúng ta thấy sự phức tạp và mâu thuẫn của các hệ thống kinh tế và xã hội của chúng ta, nơi khoảng cách giàu nghèo đang tăng lên, và rất nhiều người cảm thấy bị bỏ rơi và bị vứt bỏ, bị loại trừ và không mong muốn.

Lẽ nào Chúa Giêsu không khóc cho những người tị nạn và người di cư không được chăm sóc y tế bởi vì họ là “người ngoại quốc”, nhiều người trong số họ đã đến các khu định cư bất hợp pháp, những người đã mất đi những gì ít ỏi họ đã có và hôm nay sống trong tuyệt vọng? Lẽ nào Chúa Giêsu không nhìn thấy những người dân bản địa bị phân biệt đối xử vì viện trợ lương thực, những tù nhân bị bỏ rơi cho sự thương xót của virus và hơn 3 tỷ người nghèo trên toàn thế giới?

Tôi không thể tưởng tượng Chúa Giêsu đang chờ đợi ở Phòng Tiệc Ly hay Phòng Thánh; Chúa sẽ thúc giục chúng ta đi cùng Người đến những vùng ngoại biên của ngoại biên, nơi mà sự can đảm của cuộc sống và hy vọng là điều cần thiết nhất.

Chớ gì chúng ta có thể soi sáng thế giới bằng chân lý của Tin Mừng và đề ra các giải pháp hữu hiệu và xuất sắc, không chỉ cho tình trạng khẩn cấp hiện tại, mà cho những đau khổ to lớn của Dân Chúa và ngôi nhà chung của chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô thường nói về niềm vui: Niềm vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium) và Hãy Vui mừng và Hân hoan (Gaudete et Exsultate) và Niềm vui của Tình yêu (Amoris Laetitia). Xin cho anh em trải nghiệm dạt dào ân sủng, sự an ủi và niềm vui khi thực hiện trách nhiệm mà anh em sắp lãnh nhận trong lễ thụ phong của anh em. Bình an của Chúa ở cùng anh em!

Hồng Thuỷ