27/12/2024

Các dòng tu Philippines phản đối luật chống khủng bố

Các dòng tu Philippines phản đối luật chống khủng bố

Nhận thấy tính “hà khắc và vi hiến” của luật chống khủng bố đã được Nghị viện phê chuẩn và Tổng thống Duterte ký và sẽ có hiện lực vào ngày 18/7, các dòng tu ở Philippines đã lên tiếng phản đối và gửi một bản kiến nghị khẩn cấp đến Toà án Tối cao để phản đối luật mới này.

Trong một thông cáo báo chí, Hiệp hội các Bề trên Thượng cấp các Dòng tu nhấn mạnh: “Dưới ánh sáng đức tin và lương tâm, chúng tôi không thể chấp nhận một luật có thể xâm hại đến nhân phẩm và nhân quyền.”

Các vị bề trên viết tiếp: “Trong lúc mọi người đang phải gồng mình chống ảnh hưởng của Covid-19, chúng tôi không thấy có một lý do nào để tổng thống có thể thông qua một luật không giúp giảm tình trạng khốn khổ của người dân. Trong lúc này, những điều chính phủ cần phải quan tâm cấp bách là tình trạng thất nghiệp, các công ty phải đóng cửa, virus lây lan, thiếu trợ giúp cho người lao động.”

Các bề trên cùng với một số luật sư và các nhà lãnh đạo dân sự đã gửi một bản kiến nghị khẩn cấp đến Toà án Tối cao để phản đối quyết định này. Theo các bề trên, luật mới này “hà khắc và vi hiến” và lấy làm tiếc vì Luật đã được Nghị viện phê chuẩn và Tổng thống Duterte ký. Luật sẽ có hiện lực vào ngày 18/07.

Trong thông cáo báo chí nói trên, các bề trên viết: “Chúng tôi cầu nguyện để Toà án Tối cao sẽ phê chuẩn một Lệnh đình chỉ tạm thời. Chúng tôi tin các vị đang nắm quyền ở Toà án Tối cao sẽ được công ích và Hiến pháp hướng dẫn. Chúng tôi xin tất cả mọi người thiện chí, tất cả những ai quan tâm đến quyền tự do hãy bảo vệ người nghèo và người bị áp bức. Sự thật, công lý và hoà bình sẽ chiến thắng.”

Cùng đồng lòng với các bề trên thượng cấp, Đức Tổng Giám mục Socrates Villegas cũng tuyên bố “lấy làm tiếc về quyết định của tổng thống” và cho rằng Giáo hội chống khủng bố; tuy nhiên, không thể đối phó với bạo lực và sự tức giận mù quáng với một bạo lực mạnh mẽ hơn. Theo Đức Tổng Giám mục, để đối phó với bạo lực, thay vì dùng bạo lực mạnh hơn, cần xây dựng một nền văn hoá lắng nghe không bỏ sót ai, đón nhận sự khác biệt. Văn hoá này sẽ sớm loại bỏ thành phần cực đoan. (Fides 07/7/2020)

Ngọc Yến