19/11/2024

Chúa Nhật XIV TN A 2020: Học với Người Thầy tuyệt vời

Mỗi người chúng ta thường dành 10 hay 20 năm đầu tiên trong cuộc đời để học hành. Chúng ta tốn rất nhiều công sức, thời giờ, tiền của cho hoạt động giáo dục và đào tạo này, nhưng rất ít người tự hỏi: Học để làm gì? Học thế nào cho hiệu quả nhất? Học với ai cho xứng đáng nhất?

Chúa Nhật XIV TN A 2020

Học với người Thầy tuyệt vời

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

 

Lời mở

Mỗi người chúng ta thường dành 10 hay 20 năm đầu tiên trong cuộc đời để học hành. Chúng ta tốn rất nhiều công sức, thời giờ, tiền của cho hoạt động giáo dục và đào tạo này, nhưng rất ít người tự hỏi: Học để làm gì? Học thế nào cho hiệu quả nhất? Học với ai cho xứng đáng nhất?

Các bài Thánh Kinh hôm nay sẽ giải đáp cho chúng ta các câu hỏi đó.

1. Tình trạng giáo dục hiện nay

Trong hơn 10 thế kỷ bị người Trung Quốc đô hộ (111 TCN – 938) và 10 thế kỷ độc lập (939-1945), người Việt học để làm quan, vì đó là cách tiến thân và khẳng định chính mình nhanh nhất trong một xã hội phong kiến với nền quân chủ chuyên chế. Nội dung học là bộ Tứ Thư, Ngũ Kinh của Trung Quốc, và một số kỹ năng làm thơ phú vì nền giáo dục nước ta bị ảnh hưởng nặng nề của văn hoá Trung Quốc. Phương pháp học tập, cách thi cử cũng vì nội dung này mà bị hạn hẹp rất nhiều.

Bước vào thời kỳ dân chủ cộng hoà cho cả hai miền Nam Bắc (1945-nay), dù nội dung học là những kiến thức thiết thực hơn, nhưng phương pháp học, cách thi cử cũng không khác xưa bao nhiêu. Gần đây người ta mới nhận ra những hạn chế của nền giáo dục này và đang quyết liệt đòi phải “đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục và đào tạo để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong nền kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế”[1].

Lý do là vì nền giáo dục hiện nay quá chú trọng vào việc truyền đạt kiến thức, mang nặng tính cách nhồi nhét, trong khi lại coi thường việc vận dụng kiến thức để giải quyết những vấn đề mà công việc và cuộc sống đặt ra. Thật ra, khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh, kho tàng kiến thức mỗi ngày một lớn, nên một số hiểu biết ta thu nhận từ việc học cũng nhanh chóng trở thành lạc hậu.

Vì thế, tham vọng muốn trang bị cho học sinh, sinh viên đầy đủ kiến thức cơ bản của nhân loại trong chương trình giáo dục là không thể, không cần thiết và không hiệu quả. Người học có thể tự đào tạo các kỹ năng và phẩm chất nhờ các phương tiện truyền thông và có thể tự học suốt đời.

Cũng vì tham vọng này nên nội dung giáo dục hiện nay mang nặng tính lý thuyết, không phù hợp với tâm sinh lý và khả năng tiếp thu của học sinh, nhất là học sinh tiểu học và trung học cơ sở. Chương trình quá rộng, chế độ kiểm tra bằng số điểm và thi cử nặng nề, bệnh thành tích và gian lận trong việc cho điểm thi cử, không có thời giờ để suy tư, tìm hiểu nên người học chỉ còn một cách duy nhất là học thuộc lòng để làm bài, để thi. Hơn nữa, chế độ dành chỉ tiêu đào tạo cổ vài trường đại học công cho những “con ông, cháu cha” gọi là “đền ơn đáp nghĩa” những người có công, có chức, có quyền… đã làm mất đi ý nghĩa cao quý, vô tư, công bằng của nền giáo dục chân chính.

Kết quả là học sinh miệt mài học tập, mất đi tuổi thơ, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tâm sinh lý khiến cho năng suất làm việc của người Việt Nam gần như thấp nhất khu vực Đông Nam Á. Lớp sinh viên vừa học vừa tìm cách đối phó cho đạt điểm số, hơn là thu nhận kiến thức đầy đủ. Do đó, thay vì đào tạo được những con người năng động, sáng tạo, biết phát hiện các vấn đề nảy sinh và giải quyết được chúng, thì nền giáo dục lại tạo ra những con người ham học vị, nhạy cảm với lợi ích của bản thân và tập thể nhỏ, hơn là quan tâm đến lợi ích lâu dài của dân tộc và nhân loại[2].

2. Học để làm gì?

Nếu chúng ta có dịp hỏi các học sinh, sinh viên, thậm chí cả phụ huynh: “học để làm gì”, nhiều người sẽ trả lời rằng không biết học để làm gì, vì họ học theo mọi người, đến tuổi thì đi học; học để có công ăn việc làm, để sau này giúp đỡ gia đình. Chỉ có một số rất ít nói học để mở mang kiến thức hay để hoàn thiện chính mình.

Năm 1997, Tổ chức Giáo dục Khoa học Văn hoá (Unesco) của Liên Hợp Quốc đã công bố thông điệp mang tên: “Học tập – một kho báu tiềm ẩn” để xây dựng bốn trụ cột cho việc học và định hướng cho việc giáo dục của thế kỷ XXI: “Học để biết, học để làm, học để sống, học để khẳng định mình” (Learning to know, to do, to live together and to be).

+ Học để biết là nắm được những kiến thức chuyên môn cần thiết.

+ Học để làm là có khả năng tác động vào môi trường sống của mình.

+ Học để sống chung là hợp tác với người khác trong mọi hoạt động.

+ Học để khẳng định mình là phát triển được hết năng lực, phẩm chất của mình để làm chủ được cuộc đời, trở thành một con người cao quý, độc đáo trong cộng đồng nhân loại.

Bốn trụ cột này phải nối kết với nhau mới tạo nên “một con người có giáo dục, có văn hoá”. Thiếu một trụ cột nào hay yếu kém một trụ cột nào thì nền giáo dục không toàn vẹn và hoàn hảo.

Công đồng Vaticanô II, ngày 28/10/1965 đã ra tuyên ngôn “Gravissimum Educationis”, nhấn mạnh: việc giáo dục hết sức hệ trọng, để nhắc nhở ta rằng học không phải để biết, để làm, để sống, để khẳng định mình như một người tự nhiên mà còn như người con cao quý của Chúa, vì ta có thể hiểu biết vô cùng, hành động phi thường, tồn tại mãi mãi và hạnh phúc vô biên.

3. Học với ai cho xứng đáng nhất?

Trong đời sống, chúng ta được học với nhiều thầy cô và cảm nghiệm rằng người nào càng yêu mến ta, càng dạy ta những điều tốt đẹp, thì ta càng quý trọng, biết ơn. Thầy cô nào càng ảnh hưởng và làm thay đổi đời người, thì càng được tôn vinh. Tuy nhiên, ta cũng nên hiểu rằng mọi tư tưởng tốt đẹp, sự khôn ngoan, tình yêu, ân huệ và những gì thuộc về tinh thần đều bắt nguồn từ Thiên Chúa, Đấng tạo thành con người giống hình ảnh Ngài và ban cho con người có tinh thần vượt ra khỏi những giới hạn của vật chất, không gian và thời gian.

Khi nhận ra Thiên Chúa là vị thầy tối cao (x. Mt 23,8-9), là nguồn của mọi tri thức, con người mới sẵn lòng chia sẻ cách quảng đại và vô vị lợi những gì mình khám phá được cho mọi người thay vì giấu nghề, giữ bí mật, đòi tác quyền, đòi lương thật cao như hiện nay.

Khi nhận ra Đức Giêsu là vị Thiên Chúa cụ thể, là Người Thầy tuyệt vời[3], con người mới cảm thấy tự hào được làm môn đệ của Người và cũng là vị Chúa của mình (x. Ga 13,13-14). Chúa Giêsu không chỉ dạy ta những mảnh sự thật nhưng là một sự thật toàn diện, hoàn hảo: về Thiên Chúa, về con người, về vạn vật, về chính mình. Người nói với ta: “Không ai biết Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mạc khải cho”. Sự thật, là chính Chúa Giêsu, sẽ giải phóng (x. Ga 8,32) ta khỏi mọi u mê lầm lạc, cho ta tự do thật sự của con cái Thiên Chúa. Vì thế, Người mời gọi ta: “Hãy học với tôi” (Mt 11,29).

Học với Đức Giêsu, không phải để chỉ biết một số kiến thức, nhưng đạt tới nguồn khôn ngoan. Lúc đó ta có khả năng vô tận để khám phá ra vạn vật vì tất cả thụ tạo được dựng nên nhờ Người và cho Người. Đọc tiểu sử của hai trăm nhà bác học nổi tiếng nhất thế giới, chúng ta thấy tất cả đều là Kitô hữu. Nhờ gắn bó với Chúa, họ mới tìm ra những phát minh phi thường.

Học với Đức Giêsu để hành động như Người, vì Người đã yêu thương cho đến chết và sống lại vì tất cả chúng ta. Khi gắn bó với Người, Người mới chuyển thông cho ta quyền năng hành động để nói cho gió im, biển lặng, bánh cá hoá nhiều, chữa lành bệnh tật và cho cả kẻ chết được sống lại.

Học với Đức Giêsu bài học sống với tha nhân cách quảng đại và cao thượng như Người đã yêu cầu chúng ta rằng: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13,34). Lúc đó ta mới làm cho đất nước cũng như nhân loại bình an, hạnh phúc và phát triển vững bền, thay vì căng thẳng và chiến tranh như hiện nay.

Học với Đức Giêsu để khẳng định mình, làm chủ được mình và tìm ra ý nghĩa cuộc đời mình, không phải chỉ như một người sống tạm bợ ở thế trần, nhưng còn là con cái vĩnh hằng của Cha Trên Trời. Lúc bấy giờ ta mới cùng Người xây dựng Nước Trời trong thế giới hôm nay (x. Lc 11,20; 17,20-21).

Lời kết

Đến với Chúa Giêsu chúng ta mới tìm được cho mình người Thầy xứng đáng nhất để có thể trở thành người học trò xuất sắc trong lớp học tình thương của Người.

  1. x. Hội nghị Trung ương 8, Đảng Cộng sản Việt Nam, khoá XI, ngày 4/11/2013.
  2. x. Ts Giáp Văn Dương, Học để làm gì? Tuổi Trẻ Online, 12/11/2013.
  3. x. Cẩm nang Tân Phúc Âm hoá, tr. 236-272 HKK