25/12/2024

Báo cáo của Cơ quan Thông tin Tài chính Vatican trong năm 2019

Báo cáo của Cơ quan Thông tin Tài chính Vatican trong năm 2019
Trong năm 2019, Cơ quan Thông tin Tài chính (AIF), một tổ chức của Toà Thánh-Quốc gia Thành Vatican với chức năng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố đã nhận được 64 vụ trình báo, hơn 370 đối tượng bị tình nghi và bị điều tra; đã ban hành 4 biện pháp phòng ngừa và chặn 1 tài khoản ngân hàng.

Trên đây là nội dung của Báo cáo về hoạt động của Cơ quan Thông tin Tài chính, được công bố hôm thứ Sáu 03/7/2020.

Cộng tác với Văn phòng Tổng Kiểm sát của Vatican

Bản báo cáo cho biết, trong năm qua AIF đã thực hiện 4 biện pháp phòng ngừa, kể cả ngăn chặn 1 tài khoản ngân hàng, với tổng số tiền tương ứng là 240.000 euro, và một tài khoản khác gần 179.000 euro. Cơ quan cũng đã gửi 15 báo cáo đến Văn phòng của Tổng Kiểm sát Vatican để việc kiểm tra giám sát được đảm bảo.

Hoạt động trao đổi thông tin với nước ngoài

Đối với hoạt động quốc tế, báo cáo cho biết có hơn 370 đối tượng bị tình nghi và bị điều tra. Cơ quan AIF đã trao đổi với các cơ quan ngoài Vatican, để có thêm thông tin trong tiến trình điều tra. Sự hợp tác quốc tế cũng cho phép phân tích các chương trình tài chính phức tạp với các kết nối với các khu vực pháp lý khác nhau, dẫn đến các báo cáo về các vi phạm tiềm ẩn và hành vi bất hợp pháp.

Chống tài trợ khủng bố

Liên quan đến cuộc chiến chống tài trợ khủng bố, báo cáo cho biết trong năm 2019 chỉ có một báo cáo có liên quan đến vấn đề này. Ngoài ra, trong năm 2019, có ba bản cập nhật đã được thực hiện, theo đó thêm vào danh sách các quốc gia có rủi ro cao. Nhìn chung, Uỷ ban An ninh Tài chính (Cosifi) xác nhận mức độ rủi ro thấp trong bối cảnh chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Vấn đề trốn thuế

Năm 2019, làn sóng chuyển tiền xuyên biên giới giảm đáng kể. Báo cáo nhấn mạnh rằng việc phân tích các tuyên bố do AIF đưa ra không ghi nhận các bất thường hoặc chỉ số rủi ro đáng kể. Như thế, Toà Thánh đã cam kết mạnh mẽ đảm bảo sự hợp tác và trao đổi thông tin quốc tế nhằm ngăn chặn trốn thuế và tạo điều kiện thực hiện nghĩa vụ thuế của công dân nước ngoài và các pháp nhân.

Ngân hàng Vatican

Liên quan đến Ngân hàng Vatican (IOR), trong năm 2019, AIF đã thực hiện hai cuộc thanh tra. Lần thứ nhất vào tháng 6, mục đích để xem có phù hợp với khuôn khổ luật pháp và quy luật về các dịch vụ trả tiền, cũng như để xem Ngân hàng có đầy đủ các điều kiện để gia nhập hệ thống trả tiền của các nước Âu châu, gọi tắt là SEPA hay không, và thực tế Ngân hàng Vatican đã hội đủ điều kiện để tham gia hệ thống SEPA. Thanh tra có kết quả tốt. Lần thứ hai vào tháng 8, mục đích để xem Ngân hàng Vatican có phù hợp với các quy luật phòng ngừa và chống rửa tiền, chống tài trợ khủng bố hay không, và biện pháp được đề ra có tiến hành tốt hay không. Cả trong lĩnh vực này, Ngân hàng Vatican được nhìn nhận là hoạt động tốt, hợp quy luật.

Ngọc Yến