Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nguy cơ ô nhiễm nặng
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nguy cơ ô nhiễm nặng
Dự án vệ sinh môi trường nước của TP.HCM tiếp tục xin “lùi đích” kéo theo lo ngại dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè sẽ ngày càng ô nhiễm.
Trễ hẹn 10 năm
Ban Quản lý dự án hạ tầng TP.HCM (chủ đầu tư) vừa có văn bản gửi UBND TP về việc gia hạn thời gian hoàn thành dự án vệ sinh môi trường (giai đoạn 2) thêm 3 năm.
Cụ thể, dự án hiện trong giai đoạn thi công, thời gian kết thúc theo hiệp định vay và hiệp định tín dụng giữa Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Thế giới (WB) là ngày 30.6.2021. Ngày 3.2, WB đã có thư chấp thuận gia hạn thời gian thực hiện dự án thêm 36 tháng (đến 30.6.2024) do dự án gặp một số khó khăn trong quá trình xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu dẫn đến chậm tiến độ.
Việc điều chỉnh thời gian này sẽ dẫn đến thay đổi thời gian dự án trong quyết định chủ trương đầu tư đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 2377 ngày 6.12.2013. Do đó, Ban quản lý kiến nghị UBND TP trình nội dung về gia hạn thời gian thực hiện dự án cho HĐND TP xem xét và lấy ý kiến thống nhất tại cuộc họp được tổ chức trong tháng 7.
Tiếp đó, UBND TP sẽ có văn bản trình Thủ tướng xem xét, điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư về thời gian thực hiện dự án. Trước đó, UBND TP.HCM đã gửi văn bản kiến nghị Bộ Kế hoạch – Đầu tư chủ trì xem xét, trình Thủ tướng phê duyệt điều chỉnh thời gian thực dự án từ năm 2014 – 2029. Theo đó, dự án sẽ hoàn tất thi công và vận hành thử nhà máy từ năm 2019 – 2024 và vận hành Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè từ năm 2024 – 2029.
Về lý do điều chỉnh, UBND TP.HCM cho biết trong quá trình xây dựng kế hoạch lựa chọn nhà thầu, WB đề nghị đối với gói thầu xây dựng nhà máy xử lý nước thải áp dụng hình thức Hợp đồng thiết kế – xây dựng – vận hành (hợp đồng DBO). Mặc dù hình thức hợp đồng này được WB áp dụng ở một số quốc gia nhưng lại khá mới ở Việt Nam. Bên cạnh đó, WB cũng quan ngại rằng với công nghệ vận hành hiện đại của Nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc – Thị Nghè trong tương lai thì TP.HCM chưa thể tiếp nhận để tự vận hành ngay được. Do đó, WB đề nghị ngoài thời gian xây lắp và vận hành thử nhà máy, nhà thầu xây lắp sẽ tiếp tục vận hành nhà máy trong 5 năm. Thời gian thực hiện hợp đồng DBO sẽ bao gồm thời gian thiết kế, thi công và thời gian vận hành nhà máy.
UBND TP.HCM cho biết hiện các gói thầu của dự án đã hoàn tất công tác lựa chọn nhà thầu và đã triển khai thi công. Riêng gói thầu XL-02 là gói thầu quan trọng nhất của dự án đã được chủ đầu tư ký kết hợp đồng với liên danh Acciona – Vinci vào tháng 3.2019. Dù vậy, đến đầu tháng 1.2020, chủ đầu tư mới có thể tạm ứng để hợp đồng chính thức có hiệu lực do có khiếu nại từ các nhà thầu khác. Dự kiến đến tháng 6.2024, dự án nhà máy xử lý nước thải mới hoàn thành. Như vậy, nếu kiến nghị gia hạn được thông qua, dự án vệ sinh môi trường TP sẽ trễ hẹn 10 năm so với thời gian ban đầu được Thủ tướng phê duyệt.
|
Vẫn tái ô nhiễm
Có tổng chiều dài 9.470 m, kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè bắt nguồn từ Q.Gò Vấp chảy qua các quận gồm Tân Bình, Phú Nhuận, 1, 3, 10 và đổ thẳng ra sông Sài Gòn thuộc địa phận Q.Bình Thạnh. Cùng với quá trình đô thị hóa hàng ngàn hộ gia đình đổ về đây sinh sống, hình thành nhiều khu ổ chuột. Nước thải sinh hoạt của người dân cùng rác thải, chất thải nguy hại từ sản xuất trực tiếp đổ thẳng ra dòng kênh khiến hàng chục năm liền, Nhiêu Lộc – Thị Nghè trở thành dòng kênh ô nhiễm nổi tiếng của TP.HCM.
Để cải thiện đời sống cho người dân, từ năm 2002, một dự án lớn mang tên “Dự án cải thiện môi trường TP” (chia làm 2 giai đoạn) đã được xây dựng nhằm tái sinh dòng kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Giai đoạn 1 của dự án (xây trạm bơm) được khởi công xây dựng từ năm 2003 với tổng vốn đầu tư 18 triệu USD, tương đương 8.600 tỉ đồng.
Trong đó, vốn ODA của WB là 5.252 tỉ đồng, vốn đối ứng từ ngân sách TP là 3.348 tỉ đồng. Trạm bơm này có công suất thiết kế đạt 480.000 m3/ngày, đã được đưa vào sử dụng từ tháng 7.2012 nhưng chỉ dừng lại ở việc thu gom (không xử lý) nước thải ở lưu vực kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, sau đó đổ ra sông Sài Gòn để giải quyết tình trạng ô nhiễm và ngập úng cho 7 quận trung tâm TP, bao gồm Q.1, Q.3, Q.10, Phú Nhuận, Bình Thạnh, Tân Bình, Gò Vấp.
Về mặt kỹ thuật, giai đoạn 1 của dự án này chỉ xây dựng bờ bao, nạo vét kênh, làm các tuyến cống thu gom nước thải. Toàn bộ hệ thống nước thải đô thị lâu nay vẫn thải trực tiếp ra kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè. Mặc dù đã được thu gom, nhưng nước thải chỉ xử lý sơ bộ, lược rác, sau đó bơm thẳng ra sông thông qua hệ thống cống ngầm dưới lòng kênh chứ chưa được xử lý theo đúng tiêu chuẩn.
Do đó, nhiều ý kiến cho rằng phía trên bề mặt dòng kênh nước vẫn trong xanh, cá tung tăng bơi lội được là nhờ nước sông vào ra theo thủy triều. Thực chất, dòng kênh đen trước đây vẫn còn “đang tồn tại” ở dạng cống ngầm phía dưới. Đó là lý do vì sao trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè thỉnh thoảng lại xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt, nổi lềnh bềnh giữa dòng kênh.
Thực tế, suốt nhiều năm qua, chính quyền TP đã phải chi rất nhiều tiền cho các giải pháp như khơi thông dòng chảy, lắp máy quạt tạo ô xy, quan trắc giám sát chất lượng nước, vớt rác thải, lục bình… để cải thiện môi trường nước, giảm thiểu ô nhiễm của tuyến kênh.
Chậm trễ ngày nào, thiệt hại ngày đó
Kỹ sư Lê Thành Công, Giám đốc Công ty TNHH thiết kế tư vấn xây dựng D&C, nhận định chưa hoàn thành xong giai đoạn 2, giai đoạn 1 của dự án không những không có tác dụng mà còn kéo theo rất nhiều hệ lụy. Cụ thể, giai đoạn 1 của dự án chủ yếu mới chỉ hoàn thiện hệ thống cống thu gom và làm bờ kè 2 bên đường Hoàng Sa, Trường Sa. Không có nhà máy xử lý nước thải thì không có ý nghĩa, lòng sông vẫn liên tục bị bồi lắng, ô nhiễm.
Chưa kể, khối lượng bùn nạo vét được dưới lòng kênh phải mang đi là rất lớn, ảnh hưởng tới môi trường. Trong khi đó, nếu xử lý tại nhà máy, nước thải nén lại, lượng bùn thu gom chỉ còn khoảng 20% so với lượng đi vét ngoài kênh. Bên cạnh đó, ông Công lo ngại các thiết bị, công trình của giai đoạn 1 như cống bao, hệ thống máy bơm đã hoàn thiện… nằm ngập trong bùn đất, nước thải hàng chục năm qua có thể đã gỉ sét, không thể hoạt động hoặc nếu có sẽ phải tốn rất nhiều tiền để nạo vét.
“Nguyên tắc của xây dựng là làm đến đâu, nghiệm thu đến đó, chạy thử toàn hệ thống, liên động toàn mạng để kiểm soát tính đồng bộ. Rất nhiều dự án hoàn thiện từng phần xong đến khi chạy thử kết hợp chung lại nảy sinh rất nhiều vấn đề. Một dự án mà 2 giai đoạn liên quan mật thiết lại cách nhau hàng chục năm thế này, khi hoàn thiện rất dễ gặp phải lỗi cục bộ và rất khó để giải quyết. Rồi vốn vay, càng kéo dài càng tăng. Rồi ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đời sống người dân, cản trở du lịch, kinh tế phát triển… Nói tóm lại, dự án chậm trễ ngày nào, TP thiệt hại thêm ngày đó”, vị này nhấn mạnh.
Dự án Vệ sinh môi trường TP – giai đoạn 2 được Thủ tướng phê duyệt năm 2013 với thời gian thực hiện dự án từ năm 2014 – 2019, tổng vốn dự án khoảng 524 triệu USD, trong đó có 450 triệu USD vốn vay ODA, phần còn lại là vốn đối ứng. Dự án được kỳ vọng sẽ xử lý nước thải chuẩn loại A trước khi đổ ra sông Sài Gòn với công suất ban đầu 480.000 m3/ngày đêm, và có khả năng nâng lên tối đa 850.000 m3/ngày đêm trong tương lai.
HÀ MAI – NGUYỄN ĐIỀN
TNO