23/01/2025

Giám mục Wisconsin lên án lời kêu gọi phá huỷ các tượng Chúa Giêsu

Giám mục Wisconsin lên án lời kêu gọi phá huỷ các tượng Chúa Giêsu

Tượng Thánh Junipero Serra ở San Francisco bị kéo đổ bởi những người biểu tình

Hôm 24/06, Đức cha Donald J. Hying của Giáo phận Madison, Wisconsin, Hoa Kỳ, đã lên án những ý kiến của một nhà hoạt động của Phong trào Black Lives Matter, người nói rằng các tượng Chúa Giêsu Kitô mô tả Ngài “với các đặc điểm Châu Âu” cần phải bị hạ xuống “vì các tượng này ủng hộ quyền thượng tôn của người da trắng”.

Ngày 22/06, Shaun King, một nhà hoạt động và một nhà văn, đã đăng một tweet về “các tượng người Châu Âu da trắng mà họ cho là Chúa Giêsu”. Đáp lại tweet này, Đức cha Hying nói rằng là một mục tử trong Giáo hội, “tôi không thể im lặng. Tôi cần tố cáo lời kêu gọi bạo lực và phá hoại như thế”.

Giải quyết vấn đề bằng đối thoại chứ không bằng phá hoại

Trong lá thư mở đăng trên trang web của báo Giáo phận Catholic Herald, Đức cha nói về vấn đề rộng lớn hơn, về việc đất nước cần đối phó với những thất bại đạo đức trong lịch sử của nó, nhưng phải làm như vậy với một nỗ lực giáo dục quốc gia và thảo luận tôn trọng, chứ không bằng việc phá huỷ và bạo lực nhằm vào các bức tượng và đài tưởng niệm.

Đức cha Hying viết: “Các bức tượng, tranh ảnh, cửa sổ kính màu, nhà thờ, biểu tượng và sự sùng kính là những điều thánh thiêng đối với chúng ta. Đó là các ảnh tượng đã được làm phép và thánh thiêng, những biểu hiện hữu hình của tình yêu của Thiên Chúa, tuôn tràn trong sự sống, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu, và được biểu lộ nơi các thánh.”

Con Thiên Chúa nhập thể làm người, mọi chủng tộc và ngôn ngữ đều mô tả Chúa qua lăng kính văn hoá của mình

Liên quan đến lời kêu gọi của ông King phá huỷ các tượng mô tả Chúa Giêsu là người da trắng, Đức cha Hying nói: “Nguyên tắc hội nhập văn hoá đáng cho chúng ta suy tư.” Và ngài giải thích: “Trong Giáo hội Công giáo, mọi nền văn hoá, quốc gia, sắc tộc và chủng tộc đã tuyên bố Chúa Giêsu và Đức Trinh Nữ Maria như của riêng mình. Đức Mẹ Guadalupe hiện ra với Thánh Juan Diego như một mestiza, nghệ thuật Châu Phi mô tả Chúa Giêsu là người da đen, miêu tả Châu Á về Đức Mẹ cũng vậy, mang những nét tương đồng về cả ngoại hình và thường là trang phục văn hoá.” Theo Đức cha, việc diễn tả Chúa Giêsu và Mẹ Maria là người da trắng không có ý nói về sự thượng tôn của người da trắng. “Con Thiên Chúa nhập thể trong thân xác con người, vậy không phải toàn nhân loại – mọi chủng tộc, bộ lạc, ngôn ngữ – có khả năng thiêng liêng mô tả Chúa qua lăng kính đặc biệt của văn hoá của họ sao?”

Tự do tôn giáo cho phép chúng ta đặt tượng và Thánh giá tại nơi sở hữu của mình

Đức cha Hying cũng nhận định về những vết thương trong lịch sử về phân biệt chủng tộc nhưng ngài kêu gọi các tín hữu Công giáo “không được đầu hàng trước các lời kêu gọi tìm cách huỷ diệt sự hiện diện của chúng ta ở nơi công cộng”. Ngài nói: “Tự do tôn giáo, được Thiên Chúa ban cho con người và được Hiến pháp bảo đảm, cho phép người Công giáo chúng ta thực hành đức tin, xây dựng nhà thờ, cầu nguyện nơi công cộng, đặt tượng và Thánh giá tại nơi sở hữu của chúng ta, và phục vụ lợi ích chung thông qua một mạng lưới chăm sóc sức khỏe, trường học và dịch vụ xã hội xuất sắc.” (CNS 30/06/2020)

Hồng Thuỷ