23/12/2024

ĐTC quan tâm và cầu nguyện cho các nạn nhân lạm dụng tính dục trong Giáo hội Ba Lan

ĐTC quan tâm và cầu nguyện cho các nạn nhân lạm dụng tính dục trong Giáo hội Ba Lan

“Đức Thánh Cha đã được thông tin việc tố cáo của một nhóm tín hữu Ba Lan, và ngài cầu nguyện cho các nạn nhân. Giáo hội phải làm mọi cách để phát hiện kịp thời các vụ lạm dụng, và cần phải áp dụng triệt để Giáo luật để trừng phạt những ai phạm tội trong những trường hợp nghiêm trọng.”

Với những lời này, ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh, đã trả lời các nhà báo khi họ yêu cầu ông bình luận về việc tố cáo của 635 người Ba Lan trên tờ báo “La Repubblica” vào sáng thứ Hai 29/6/2020.

Tựa đề của đơn tố cáo “Xin Đức Thánh Cha chỉnh đốn lại Giáo hội chúng con!”. Những người ký tên trong đơn nói: “Chúng con xin Đức Thánh Cha hãy quan tâm đến Giáo hội Ba Lan, nơi đã xảy ra các vụ ấu dâm nhưng các tổ chức giả câm giả điếc, và nhất là xin quan tâm đến quyền lợi của các nạn nhân.” Những người này phàn nàn về phản ứng thiếu quyết liệt của các vị chủ chăn trong Giáo hội và nhấn mạnh rằng thái độ này ảnh hưởng đến sự hiệp nhất của Giáo hội, vì nó tạo ra chia rẽ giữa những người quan tâm đến hình ảnh của Giáo hội và quan tâm đến quyền lợi của các nạn nhân.

Điều Giám đốc Phòng Báo chí Toà Thánh khẳng định cũng đã được Giáo sư Dy-Liacco, thành viên của Uỷ ban Giáo hoàng Bảo vệ Trẻ vị thành niên, nói đến trong cuộc hội thảo trực tuyến lần thứ ba hôm 30/6 về việc bảo vệ trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương. Trong cuộc hội thảo có chủ đề “Nạn nhân và mô hình an toàn trong tương quan”, Giáo sư Dy-Liacco nhắc lại nhiều lần rằng “Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh về điều này: Bảo vệ trẻ vị thành niên và những người dễ bị tổn thương là một nhiệm vụ trọng tâm trong Giáo hội, đó là điều Tin Mừng đòi hỏi. Nó không chỉ là mối bận tâm của các giáo sĩ mà của cả các gia đình và tất cả mọi tín hữu”.

Bên cạnh đó có nhiều phản kháng trong Giáo hội và trong xã hội tại các quốc gia và các nền văn hóa khác nhau làm ngăn cản sự hoán cải thực sự của con tim, một con tim dũng cảm dám đối diện với xu hướng của thời đại. Do đó, vẫn còn rất nhiều nỗi sợ hãi không dám hành động để bảo vệ những người bị lạm dụng, không chỉ trong phạm vi Giáo hội mà còn cả trong gia đình và xã hội.

Liên quan đến việc xử lý những người phạm tội, Giáo sư cũng khẳng định mạnh mẽ rằng, biện pháp cô lập những người lạm dụng và bắt họ phải suy nghĩ lại về hành động của mình, rồi sau đó trao lại chức vụ, như vậy là không đủ. Nếu giải quyết đơn giản như vậy thì nguy cơ sẽ có nhiều người vi phạm ở mọi cấp độ.

Ngọc Yến