Bí ẩn ngôi sao sáng hơn 2,5 triệu lần Mặt trời bỗng biến mất
Bí ẩn ngôi sao sáng hơn 2,5 triệu lần Mặt trời bỗng biến mất
Các nhà khoa học đang kinh ngạc không hiểu vì sao, bằng cách nào mà một ngôi sao sáng hơn 2,5 triệu lần Mặt trời bỗng nhiên biến mất một cách bí ẩn.
Ngôi sao kỳ lạ này nằm cách chúng ta khoảng 75 triệu năm ánh sáng, trong Thiên hà lùn Kinman, thuộc chòm sao Bảo Bình, vốn được các nhà khoa học quan sát nghiên cứu từ năm 2001-2011.
Các nhà khoa học chỉ phát hiện ra sự biến mất kỳ lạ của nó trong thời gian gần đây, khi quay lại tìm kiếm ngôi sao này để tìm hiểu thêm về việc những ngôi sao lớn chết như thế nào. Nhưng khi hướng Kính thiên văn cực lớn (VLT) của Đài thiên văn Nam châu Âu (Eso) vào đó, họ không còn thấy ngôi sao.
Không ai giải thích được lý do tại sao và bằng cách nào mà ngôi sao này biến mất.
Andrew Allan – trưởng nhóm nghiên cứu của Trường cao đẳng Trinity (Dublin, Ireland) cho biết có thể ngôi sao đã mất độ sáng và bị bụi vũ trụ che khuất, nhưng cũng có thể nó đã chết.
Nếu giả thuyết rằng ngôi sao này đã chết thì đó là điều bất thường nhất, bởi lẽ các ngôi sao thường nổ tung thành siêu tân tinh chứ không lặng lẽ “biến mất” hoặc sụp đổ thành một lỗ đen.
Điều này càng trở nên kỳ lạ hơn khi ngôi sao này sáng hơn Mặt trời của chúng ta tới 2,5 triệu lần, biến mất mà không để lại một tín hiệu nào.
Các nhà khoa học thậm chí dùng nhiều thiết bị quan sát khác nhau để tìm kiếm ngôi sao nhưng vẫn không tìm ra dấu vết nào.
Phát hiện mới này có thể thay đổi sự hiểu biết của loài người về việc các ngôi sao khổng lồ chết như thế nào. Những gì mà con người biết cho đến nay là một ngôi sao sẽ nổ tung, vụt sáng chói và biến thành các siêu tân tinh trong vũ trụ.
“Điều đó cũng có nghĩa rằng đây sẽ là phát hiện trực tiếp đầu tiên về một ngôi sao ‘quái vật’ như vậy kết thúc cuộc đời theo cách kỳ lạ nhất”, nhà nghiên cứu Andrew Allan nói.