23/01/2025

Thứ Hai, 29.06.2020
Thánh Tông Đồ Phêrô Và Phaolô

“Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18)

Thứ Hai, 29.06.2020
Thánh Tông Đồ Phêrô Và Phaolô

Lễ Thánh Phêrô Và Phaolô, Tông Đồ – Lễ trọng

Cv 12,1-11 • Tv 33,2-3.4-5.6-7.8-9 • 2Tm 4,6-8.17-18 • Mt 16,13-19

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu đến địa hạt thành Cêsarêa Philipphê, và hỏi các môn đệ rằng: “Người ta bảo Con Người là ai?” Các ông thưa: “Người thì bảo là Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là Êlia, kẻ khác lại bảo là Giêrêmia hay một tiên tri nào đó”. Chúa Giêsu nói với các ông: “Phần các con, các con bảo Thầy là ai?” Simon Phêrô thưa rằng: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Chúa Giêsu trả lời rằng: “Hỡi Simon con ông Giona, con có phúc, vì chẳng phải xác thịt hay máu huyết mạc khải cho con, nhưng là Cha Thầy, Ðấng ngự trên trời. Vậy Thầy bảo cho con biết: Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được. Thầy sẽ trao cho con chìa khoá nước trời. Sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”.

Nghe suy niệm Lời Chúa

Nguồn: chanlyviet.net – Đài Chân Lý Á Châu

Sống Lời Chúa:

“Con là Ðá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy” (Mt 16,18)

Thánh Tông Đồ Phêrô Và Phaolô

Nơi hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô mà Giáo hội mừng kính trọng thể hôm nay, chúng ta xác tín hơn vào kinh nghiệm rằng: thánh nhân nào cũng có quá khứ và tội nhân nào cũng có tương lai!

  1. Phêrô và Phaolô – hai con người lầm lỗi: Sau mẻ cá lạ, Phêrô nhận mình là kẻ tội lỗi! cũng vì yếu tin, Phêrô hoảng sợ xin Chúa cứu vì biết mình sắp chìm. Không hiểu gì về Bánh Hằng Sống, Phêrô vẫn ra oai theo Chúa đến cùng. Khác người thanh niên giàu có, Phêrô quyết bỏ mọi sự để theo Chúa. Sau khi được Chúa rửa chân, Phêrô nhất mực thí mạng vì Người. Nhưng rồi, ông chối Chúa ba lần như Người đã tiên báo… Cũng thế, sau biến cố Damas, Phaolô thú nhận rằng mình từng bách hại Đạo Chúa: bắt trói và bỏ tù đàn ông lẫn đàn bà; bắt giam và đánh đòn những ai tin Chúa trong các hội đường; giết hại những kẻ theo Đạo này; lùng sục bắt trói tín hữu ở Damas, rồi giải về Giêrusalem để trừng trị; diện kiến, tán thành và giữ áo choàng cho kẻ sát hại Thánh Stêphanô…
  2. Phêrô và Phaolô – hai tông đồ của Đức Giêsu Kitô: Simon, anh của Andrê, là dân chài chất phát tại biển Galilê. Vốn là môn đệ của Gioan Tẩy Giả, Simon theo “Chiên Thiên Chúa” với tên mới là “Phêrô”. Được chọn gọi và huấn luyện như vị Tông đồ trưởng, nhất là sau khi diện kiến Đấng Phục Sinh và nhận lấy Thánh Thần, Phêrô hăng say loan báo Tin Mừng Cứu Độ cho Dân riêng và gắn bó suốt đời với tín hữu gốc Do Thái, cho đến lúc bị bắt bớ, tù đày và bị đóng đinh ngược trên thập giá. Cũng thế, sinh tại Tarse (Tiểu Á), trong một gia đình thế giá Rôma, Phaolô được bậc thầy Gamaliên đào tạo thành một biệt phái đúng nghĩa. Trung thành với Do Thái giáo, Phaolô điên cuồng bách hại Đạo Chúa. Trên đường hành đạo Damas, Phaolô ngã ngựa, được diện kiến Đấng Phục Sinh và được Người thu phục. Sau khi được sáng mắt, chịu phép Rửa và thanh tẩy tội lỗi, Phaolô được mời gọi ra khỏi Giêrusalem để trở thành vị “Tông đồ Dân ngoại”. Tung gieo Tin Mừng khắp nơi, ngài bị ghen ghét, đấu tố, tù đày, ném đá, đánh đập, đắm tàu, yếu đau, thất vọng… và cuối cùng, bị chém đầu vì Danh Đức Kitô.
  3. Phêrô và Phaolô – hai trụ cột Giáo hội: Sau lời tuyên xưng: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống!”, Phêrô được chọn làm “Đá” xây Giáo hội, với chìa khoá Nước Trời và quyền Cầm-Cởi. Sau Phục Sinh, Phêrô thay mặt Chúa chăn dắt cả chiên con lẫn chiên mẹ. Với cương vị Giáo hoàng tiên khởi, Phêrô chèo lái con thuyền Giáo hội: bổ sung nhân sự, loan báo Tin Mừng, làm phép lạ, chủ toạ công đồng, gầy dựng giáo đoàn, biến Rôma thành Giáo đô… Cũng vậy, nhờ ơn Chúa và với khôn ngoan của mình, Phaolô đã bắc thành công cầu nối giữa Do Thái giáo và Kitô giáo, giữa dân riêng và dân ngoại. Việc loan báo Tin Mừng cho dân ngoại cách hệ thống được Phaolô khởi sự từ Antiôkia. Bỏ Maria mặc lấy Mattha, học giả chiêm niệm Phaolô trở thành thầy dạy và nhà giảng thuyết: trích dẫn Thánh Kinh nơi hội đường và trưng dụng thơ văn cổ nơi công trường. Nhờ thế, các trung tâm Kitô giáo được khai sinh; cộng đoàn Kitô nhỏ đã trở thành bào thai của tôn giáo hoàn cầu. Với trách nhiệm  của một tông đố và là gương mẫu chứng nhân, Phaolô là trụ vững đỡ nâng toà nhà Giáo hội; với nền tảng vững chắc về tri thức Giáo hội, Phaolô giúp con thuyền của ngư phủ Phêrô đương đầu với bão tố cuộc đời.

Để kết thúc, xin mượn lời Thánh Âu Tinh: “Chúng ta mừng lễ tử đạo của hai Thánh Tông đồ trong một ngày vì hai vị cũng chỉ là một. Dù chịu khổ nạn trong hai ngày khác nhau, nhưng các ngài cũng chỉ là một: Thánh Phêrô đi trước, Thánh Phaolô theo sau. Hôm nay, mừng lễ hai Thánh nhân, chúng ta được tưới gội bằng máu của các ngài. Chúng ta hãy yêu mến Đức Tin, đời sống, khổ đau, cùng những điều các ngài tuyên xưng và giảng dạy”.

Lm. Anthony Leluong

Lạy Chúa, xin cho con biết noi gương hai thánh Tông đồ, can đảm sống và làm chứng cho Chúa giữa dòng đời nhiều biến động.

Quyết tâm: Cầu nguyện cho những Kitô hữu bị bách hại vì dám sống chứng ta.

Nguồn: Sống Lời Chúa – Bayard Việt Nam