23/01/2025

Giới khoa học hoảng hốt trước khả năng tàn phá của virus corona

Giới khoa học hoảng hốt trước khả năng tàn phá của virus corona

Nhà dịch tễ trưởng của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc thú nhận sự lạc quan của ông tan biến theo từng ngày khi chứng kiến cấu trúc phức tạp và sự biến đổi khôn lường của virus corona chủng mới.

 

Giới khoa học hoảng hốt trước khả năng tàn phá của virus corona - Ảnh 1.

Một bệnh nhân COVID-19 phải nằm phòng chăm sóc tích cực ở Santiago, Chile ngày 18-6 – Ảnh: REUTERS

Hơn nửa năm trôi qua từ ngày dịch COVID-19 bùng phát, các nhà khoa học chỉ mới bắt đầu hiểu thêm về tác động khủng khiếp của virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) trên cơ thể người.

Đây không phải là một đại dịch “thoáng đến rồi lại đi” như Hội chứng Viêm hô hấp cấp nặng (SARS) năm nào, bệnh nhân COVID-19 dù đã khỏi vẫn có thể mang những biến chứng nghiêm trọng suốt phần đời còn lại, tạo gánh nặng cho hệ thống y tế toàn cầu trong nhiều năm về sau.

Căn bệnh bất thường

“Chúng tôi cứ nghĩ đó là virus đường hô hấp. Hóa ra nó tấn công cả lá lách, tim, gan, não, thận và nhiều cơ quan khác. Ban đầu chúng tôi không ngờ đến khả năng này”, bác sĩ Eric Topol, chuyên gia về tim mạch ở California (Mỹ), trao đổi với Hãng tin Reuters.

Đến nay thì người ta đã biết ngoài tổn thương hệ hô hấp, COVID-19 có thể gây biến chứng tắc mạch máu dẫn đến đột quỵ hoặc hội chứng viêm cấp làm suy đa phủ tạng.

Con virus còn gây ra một loạt triệu chứng thần kinh như đau đầu, chóng mặt, mất cảm giác mùi vị, co giật…

Quá trình phục hồi thường mất nhiều thời gian, tốn kém và đặc biệt làm giảm chất lượng cuộc sống cho dù bệnh nhân có thoát khỏi tử thần.

Bác sĩ Sadiya Khan, chuyên gia tim mạch thuộc Bệnh viện Northwestern Medicine (Chicago, Mỹ), nhận xét biểu hiện bệnh rộng của COVID-19 là điều đặc biệt.

Thông thường với bệnh cúm người có bệnh nền tim mạch gặp rủi ro cao hơn, còn với COVID-19 thì phạm vi biến chứng quá rộng vượt xa khỏi hệ hô hấp.

Vị chuyên gia tin rằng những người may mắn sống sót qua COVID-19 sẽ tiếp tục mang gánh nặng sức khỏe đi kèm với chi phí y tế tốn kém về lâu dài.

“Cứ mỗi ngày nằm viện bạn sẽ cần 7 ngày để phục hồi. Càng lớn tuổi khả năng vượt qua càng thấp, bạn có thể không bao giờ trở lại trạng thái như trước khi bệnh”, bác sĩ Khan giải thích.

Giới khoa học hoảng hốt trước khả năng tàn phá của virus corona - Ảnh 2.

Virus Sars-CoV-2 (màu vàng) được phân lập trong phòng thí nghiệm từ một bệnh nhân người Mỹ – Ảnh: REUTERS

Mất sức khoẻ vĩnh viễn

Gần đây, các bác sĩ của Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC) bắt đầu chú ý đến nhóm bệnh nhân COVID-19 không cần nhập viện nhưng bệnh tình cứ kéo dài suốt nhiều tháng.

“Chúng tôi nhận được báo cáo ghi nhận bệnh nhân COVID-19 bị tình trạng mệt mỏi kéo dài, khó thở… và không rõ triệu chứng sẽ kéo dài trong bao lâu”, ông Jay Butler – phó giám đốc CDC Mỹ – cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ năm (25-6).

Các nghiên cứu về hệ quả lâu dài của bệnh COVID-19 đang được tiến hành ở Mỹ, ông bổ sung.

Hiện tượng này cũng được ghi nhận ở các nước khác. Trong báo cáo đăng trên Tạp chí Y khoa Anh, bác sĩ Helen Salisbury của Đại học Oxford mô tả nhiều bệnh nhân COVID-19 dù phim X-quang cho thấy phổi bình thường, không có dấu hiệu viêm nhưng họ vẫn không bình phục.

“Nếu trước đây bạn chạy bộ 5km mỗi tuần 3 lần mà nay thấy khó thở khi leo vài bậc thang, hoặc bạn ho không ngừng, cảm thấy không đủ sức làm việc, có nguy cơ bạn không bao giờ lấy lại được sức khoẻ như trước nữa”, bác sĩ Helen viết trong báo cáo.

Giới khoa học hoảng hốt trước khả năng tàn phá của virus corona - Ảnh 3.

Ông Wu Zunyou, nhà dịch tễ trưởng của CDC Trung Quốc – Ảnh: FACEBOOK

Hi vọng mong manh

Các bác sĩ Trung Quốc cũng cảm thấy căng thẳng không kém các đồng nghiệp phương Tây.

Trong cuộc họp báo ngày 26-6 mới đây, ông Wu Zunyou, nhà dịch tễ trưởng của CDC Trung Quốc, cảnh báo rằng vắcxin có thể không phải là “giải pháp toàn diện” cho đại dịch COVID-19 như nhiều người mong đợi.

Trả lời báo China Youth Daily, vị chuyên gia cho biết càng nghiên cứu sâu về cấu trúc bất thường và tỉ lệ đột biến cao của COVID-19, ông càng thấy bớt lạc quan về tình hình.

Ông Wu giải thích các bệnh SARS và MERS đều do họ virus corona gây ra, nhưng đến nay khoa học vẫn chưa tìm ra vắcxin.

Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây lại phát hiện kháng thể COVID-19 trong máu bệnh nhân hồi phục có thể biến mất trong vòng 2-3 tháng nên những loại vắcxin kích kháng thể có thể không hiệu quả.

Ông cũng lưu ý rằng hiện khoa học chưa rõ kháng thể có giúp bảo vệ con người khỏi nguy cơ tái nhiễm không trong khi chúng chỉ tồn tại được một thời gian ngắn – đồng nghĩa việc tiêm chủng phải diễn ra thường xuyên.

PHÚC LONG
TTO