Quốc gia Vatican “xanh” đến mức độ nào?
Quốc gia Thành Vatican đang chứng tỏ mình thực thi giáo huấn của các vị Giáo hoàng về nghĩa vụ bảo vệ môi trường.
Công bố Văn kiện liên bộ
Thông điệp “Laudato Sì” được ĐTC Phanxicô ban hành cách đây 5 năm bảo vệ trái đất như căn nhà chung của nhân loại, được liệt vào hàng những văn kiện có âm vang lớn nhất của ngài. Nhân kỷ niệm 5 năm Thông điệp, Toà Thánh đã công bố một văn kiện liên bộ tái khẳng định quyết tâm bảo vệ môi trường theo đường hướng ĐTC đã đề ra, đồng thời đưa ra những đề nghị cụ thể để đẩy mạnh công trình này.
Họp báo giới thiệu
Văn kiện dài hơn 200 trang đã được giới thiệu trong cuộc họp báo ngày 18-6-2020 tại Vatican do các vị đại diện các cơ quan Tòa Thánh. Văn kiện nhấn mạnh sự cần thiết phải thay đổi não trạng, để tiến tới sự chăm sóc cuộc sống và công trình tạo dựng, đối thoại và ý thức về mối liên hệ mật thiết giữa các vấn đề của thế giới với nhau. Cụ thể là Văn kiện đề nghị củng cố các sáng kiến nhắm gây ý thức nơi dư luận quần chúng về vấn đề bảo vệ môi trường, cũng như biến đổi cuộc sống theo chiều sâu. Kitô giáo đã có sẵn những phương thế thực hành qua các truyền thống đan tu, dạy về sự chiêm niệm, cầu nguyện, lao tác và phục vụ.
Đức TGM Tổng Thư ký Phủ Thống đốc Vatican
Hiện diện trong cuộc họp báo, cũng có Đức cha Fernando Vérgez Alzaga, người Tây Ban Nha, thuộc Dòng Đạo binh Chúa Kitô, Tổng Thư ký Phủ Thống đốc Quốc gia Thành Vatican. Ngài cho biết các biện pháp cụ thể được áp dụng tại Vatican trong nhiều lĩnh vực theo đường hướng bảo vệ môi trường. Những áp dụng này chứng tỏ Vatican thực thi đường hướng do ĐTC cổ vũ, và đồng thời cũng có thể là một khích lệ cho các tín hữu trong công trình này.
Bắt đầu từ Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI
Đức cha Vergèz cho biết từ lâu trước khi có Thông điệp Laudato sì, ngay từ thời ĐGH Bênêđictô XVI, Vatican đã cố gắng góp phần bảo vệ môi trường, hợp với sinh thái hơn, qua các biện pháp như dùng năng lượng mặt trời, thu rác phân loại, tái chế nước, xe hơi chạy điện, các đèn tiết kiệm năng lượng. Đức Bênêđictô XVI đã từng được báo chí gọi là “Giáo hoàng xanh”.
Trước tiên là các biện pháp gắn các bảng dùng năng lượng mặt trời trên mái Đại Thính đường Phaolô VI. Hệ thống này bắt đầu hoạt động từ tháng 11 năm 2008 như một quà của hãng Solarworld ở Đức tặng cho ĐGH người Đức. Bấy giờ hãng này là một trong những hãng lớn trong công nghiệp quang điện.
Đức cha Vérgez Alzaga nói: “Các pin mặt trời sản xuất năng lượng mà không làm ô nhiễm. Điều này phù hợp với các mục tiêu chúng tôi đề ra là giảm tiêu thụ tài nguyên. Đó là lý do tại sao pin mặt trời trên mái Đại Thính đường Phaolô VI chỉ là bước đầu tiên trong một loạt các biện pháp được áp dụng. Biện pháp dùng năng lượng mặt trời cũng được áp dụng từ lâu tại Đài Thiên văn Vatican ở trên núi gần Tucson, bang Arizona, Hoa Kỳ, rồi tại Dinh thự Giáo hoàng ở Castel Gandolfo, nhờ đó Vatican tiết kiệm đáng kể chi phí năng lượng và giảm bớt lượng thán khí.”
Tại Vatican, từ năm 2009, có một hệ thống điều hòa không khí được thiết lập cho nhà ăn cho các công nhân viên.
Thay hệ thống đèn điện cổ điển
Vatican vốn tiêu thụ nhiều năng lượng điện để thắp sáng, và để cải tiến trong lĩnh vực này, từ lâu có chương trình thay đổi hệ thống đèn, thường bằng đèn LED, đèn hoàng hôn và các máy cảm biến mới nhất, để điều chỉnh cường độ ánh sáng thích ứng với sự dao động của ánh sáng tự nhiên. Thí dụ điển hình về việc này là trần Nhà nguyện Sistina trong Dinh Tông Toà. Nhờ hệ thống mới, Vatican giảm được 60% tiền điện và thán khí. Giảm 80% tốn phí điện cho Đền thờ và Quảng trường Thánh Phêrô. Ngoài ra, vào cuối ngày làm việc, các đèn tự động tắt đi. Cả trong lĩnh vực này một công ty của Đức là hãng đèn Osram đã thường xuyên gửi các chuyên gia ánh sáng đến Vatican.
Vườn Vatcian
Về Vườn Vatican thì sao? Cả về phương diện này, Vatican cũng phản ánh mục đích ĐTC Phanxicô cổ võ, đó là bảo vệ căn nhà chung của nhân loại. Đức Cha Vérgez nói: ”với dự án Vườn cây hợp sinh thái, từ 3 năm nay, chúng tôi đã từ bỏ việc sử dụng các thuốc sát trùng trong việc diệt cỏ dại; chúng tôi dành chỗ cho chủ trương đa dạng sinh học và đang sử dụng những sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên để loại bỏ cỏ dại và đồng thời dùng phân bón hữu cơ… Ngoài ra, chúng tôi thi hành chương trình trồng 250 cây lớn để thay những cây đã bị đốn đi trong quá khứ, đồng thời đổi mới 2.300 cây cho các hàng vào vườn Vatican.”
Tiết kiệm nước
Về vấn đề nước tại Vatican, một đề tài được ĐTC Phanxicô đặc biệt quan tâm trong Thông điệp “Laudato Sì”, khẩu hiệu được theo đuổi là: “tiết kiệm nước”. Hiện nay một hệ thống dẫn nước đang được thực hiện để xử lý nước từ 100 giếng trong các vườn Vatican. Đó cũng là nước được dùng cho việc chữa lửa trong nội thành Vatican. Hiện nay các kỹ sư cũng đang đổi mới hệ thống tưới vườn Vatican, hệ thống này đã có từ 81 năm nay rồi (1929). Trong lĩnh vực này, kỹ thuật mới cũng được tận dụng để tự động hoá và tiết kiệm được 60% các nguồn nước.
Canh nông “xanh”
Đức cha Vergèz cũng nói về nền canh nông “xanh” ở Castel Gandolfo, lãnh thổ ngoại địa của Vatican, cách Roma khoảng 25 cây số, nơi có dinh thự mùa hè của ĐGH. Tại đây, ĐGH Piô XI cũng cho xây một nông trại trong thập niên 1930 để cung cấp thực phẩm an toàn cho giáo triều trong trường hợp khẩn cấp. “Trong việc trồng cấy cũng như nuôi bò tại đây, người ta sử dụng các hệ thống và kỹ thuật tôn trọng đất đai và đồng thời bảo đảm chất lượng cao của sản phẩm.”
Giảm bớt xe cộ và dùng xe điện
Trở lại nội thành Vatican, về các xe cộ. Chỉ tiêu sinh thái cũng được quan tâm. Từ năm 2014, xe cộ của các nhân viên Phủ Thống đốc Vatican bị giới hạn. Từ nay, chỉ những người sống xa quá 2 cây số mới được đậu xe ở trong nội thành Vatican. Và cũng như nhiều nước tân tiến khác, Vatican dần dần chuyển sang xe chạy điện và các xe vừa chạy xăng vừa chạy điện. Cách đây 2 năm (2018), các trạm xạc bình điện xe đã bắt đầu được thiết lập và nay đó có 20 trạm xạc trong Vatican. Các xe tại đây cũng dần dần được nâng cấp với 2 loại xe vừa nói.
Sưởi và điều hoà không khí
Vấn đề sưởi và điều hoà không khí các tòa nhà trong nội thành Vatican cũng được quan tâm, với các máy móc theo các tiêu chuẩn quốc tế nghiêm ngặt: nhà máy nhiệt điện cũ đã được hiện đại hoá và hệ thống cũ điều hoà không khí có hại cho môi trường đã được thay thế.
Phân loại đồ phế thải
Việc phân loại các rác rưởi cũng được tiến hành, theo tiêu chuẩn “rác rưởi không phải chỉ là đồ phế thải, nhưng là vật liệu có thể tái chế, có giá trị”: giấy, thủy tinh, nhựa, chất thải hữu cơ, chất thải còn lại… Vì thế, Vatican đã tổ chức lại khu xử lý các chất phế thải. Kết quả thật khả quan. Ngay cả chất thải đặc biệt, nguy hiểm hoặc không nguy hiểm, nay có thể được phân loại tới 99%. Ngoài ra khoảng 600 tấn rác hữu cơ được trả lại thiên nhiên dưới dạng đất. Đó là một tỷ lệ cao gấp đôi so với tỷ lệ 45% ở bên ngoài. (katholisch.de 16/6/2020)