23/01/2025

Chúa Nhật XIII TN A 2020: Lòng hiếu khách

Các bài Thánh Kinh của tuần XIII Thường niên A đề nghị chúng ta hãy có lòng hiếu khách giống như người phụ nữ trong Bài đọc I tiếp đón tiên tri Elisê, hay trong bài Tin Mừng Đức Giêsu nhắc đến 4 lần từ “đón tiếp” này. Lòng hiếu khách là một đức tính đặc biệt của Kitô hữu, nhưng hầu như đã bị bỏ quên trong thời đại chúng ta.

Chúa Nhật XIII TN A 2020:

Lòng hiếu khách

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Thánh Kinh của tuần XIII Thường niên A đề nghị chúng ta hãy có lòng hiếu khách giống như người phụ nữ trong Bài đọc I (x. 2V 4,8-11.14-16) tiếp đón tiên tri Elisê, hay trong bài Tin Mừng (x. Mt 10,37-42) Đức Giêsu nhắc đến 4 lần từ “đón tiếp” này. Lòng hiếu khách là một đức tính đặc biệt của Kitô hữu, nhưng hầu như đã bị bỏ quên trong thời đại chúng ta.

1. Bài học về lòng hiếu khách trong Thánh Kinh

Bài đọc I kể chuyện một bà giàu có đã giúp đỡ tiên tri Elisê. Bà mời ông ăn cơm, dành cho ông một phòng trên lầu để cho ông có thể nghỉ lại khi đến địa phương đó, vì ông là “người của Thiên Chúa” và bà đã được khen thưởng. Chúa đã cho bà có con trai. Nếu đọc tiếp câu chuyện (x. 2V 4,18-27), ta thấy đứa con trai đó bị chết và vị tiên tri đã cầu nguyện, nằm ấp lên nó và nó đã sống lại. Đó là phần thưởng lớn lao cho lòng hiếu khách.

Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu còn nói rõ ràng hơn: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy. Ai đón tiếp một tiên tri vì người ấy là tiên tri, thì sẽ lãnh phần thưởng dành cho bậc tiên tri. Ai đón tiếp một người công chính vì người ấy là người công chính, thì sẽ lãnh phần thưởng dành cho bậc công chính. Và ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.

Việc tiếp đón vồn vã và kính trọng của tổ phụ Abraham đối với ba người khách lạ (x. St 18,2-8) và của ông Giob (x. Jb 31,31-33) được Đức Giêsu công nhận trong cuộc phán xét chung: “Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước” (Mt 25,35-43). Điều đó như muốn nói lên lòng hiếu khách chính là đức ái huynh đệ mà mọi Kitô hữu phải thể hiện cho tất cả mọi người (x. Rm 12,13; 13,8) đồng thời cũng là điều kiện để được cứu độ (x. Mt 25,31-46).

Người khách lạ không thể bị đối xử như một của nợ, đồ ăn bám (Hc 29,24-28), một kẻ quấy rối đáng nghi ngờ (Hc 11,34), dù người đón tiếp có nguy cơ bị thiệt hại, bị lừa dối. Họ cần phải được nhìn nhận là hình ảnh của Đức Giêsu: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,40).

ĐGH Bênêđictô XVI, trong Thông điệp Caritas in Veritate (Bác ái trong chân lý), số 36-39 và sách Docat ở các số 165, 181 và 299 đã nhiều lần nhắc đến “nguyên tắc cho không” và tạo thành “logic quà tặng”. Nguyên tắc này mời gọi chúng ta, thay vì thói quen mua bán, trao đổi kiểu “tiền trao cháo múc” theo luật công bằng, hãy thể hiện việc trao tặng cho nhau miếng cơm, manh áo, viên thuốc, nụ cười, sự tiếp đón và giúp đỡ như một quà tặng cho không vì tình yêu đối với Cha Trên Trời và đối với anh chị em trong cùng một đại gia đình.

Mẹ thánh Têrêsa Calcutta cũng nhắc nhở ta rằng: “Người nghèo của chúng ta không cần cảm thông suông. Họ không cần chúng ta thương hại họ, nhưng họ cần tình yêu và lòng nhân từ”. Chúng ta phải biết rằng họ là những người xứng đáng được yêu thương, đáng được trân trọng. Và điều hiểu biết này sẽ làm chúng ta yêu thương họ và thích phục vụ họ. Người nghèo là niềm hy vọng cứu rỗi của nhân loại, vì chúng ta sẽ bị xét xử vào giờ chết về những gì mà chúng ta đối xử với họ và những gì chúng ta đã làm cho họ (x. Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, Bạn là lời cứu độ, tr.107).

Trong ngày phán xét chung toàn thế giới, Thiên Chúa không hỏi ta kiếm được bao nhiêu tiền, có được bằng cấp gì, đạt được địa vị nào trong xã hội, con cái chúng ta thành đạt ra sao… Ngài chỉ nói với ta rằng: “Nào những kẻ Cha ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (Mt 25,34-36). Như thế, Thiên Chúa chỉ xét xử ta về lòng hiếu khách và tình bác ái chúng ta đối với nhau.

2. Thể hiện lòng hiếu khách và tình bác ái trong đời sống

Trong hoàn cảnh xã hội bị phân hoá, giàu nghèo quá cách biệt nhau như hiện nay, chúng ta được mời gọi để tìm hiểu xem mình phải thể hiện lòng hiếu khách như thế nào cho đúng đắn và hiệu quả thiết thực.

Trước hết, điều cần phân biệt trong đời sống hiện nay: có rất nhiều người đói khát, rách rưới, đau yếu, tật bệnh, lỡ độ đường hay bị tù đày, nhưng cũng không thiếu những kẻ lười biếng, lợi dụng lòng thương xót và hiếu khách của người khác để lừa bịp và gây thiệt hại cho người đã giúp đỡ mình.

Hai tuần trước đây, tôi gặp một chị phụ nữ khoảng 30 tuổi đến khóc lóc nói rằng đứa con trai bị chết ở Bệnh viện Chợ Rẫy, xin tiền thuê xe chở xác về quê ở An Giang. Tôi đã giúp đỡ. Sáng hôm sau chị lại đến xin thêm tiền hòm và tiền liệm xác. Vì Chủ Nhật bệnh nhân rất đông, nên tôi cũng vội vàng giúp cho chị mà không hỏi thêm nhiều. Sau đó vài ngày, chị lại đến và tôi mới nhận ra mình bị lừa bịp. Nhưng tôi chỉ từ chối và khuyên chị cố gắng sống trung thực để được hạnh phúc lâu dài. Sáng thứ Năm trong tuần vừa qua, có người gọi điện thoại nói tôi tới nhận bưu phẩm đã gửi đến mấy lần mà không có người nhận. Bưu phẩm đề tên tôi, nội dung là tôi phải thanh toán ngay cho một ngân hàng ở Hà Nội mười mấy triệu đồng, nếu không sẽ bị đóng các tài khoản và truy tố trước pháp luật.

Những vụ lừa bịp như thế này diễn ra hằng ngày ở nhiều nơi trên thế giới, khiến người ta không còn tin tưởng nhau nữa. Vậy chúng ta nên có thái độ nào?

Thời xưa, các giáo xứ và những tu viện đều sẵn lòng tiếp đón những khách lạ lỡ độ đường và những người nghèo khổ. Nhưng rồi rất nhiều người đã lợi dụng lòng tốt gây thiệt hại nặng nề khiến cho những người tín hữu không còn dám đón nhận họ. Cách đây vài năm, tôi tiếp xúc với một em thanh niên đến xin giúp đỡ. Sau khi nói chuyện, tôi lui vào phòng trong thì ở bên ngoài, em đã lấy chiếc đồng hồ của tôi đặt trên bàn và bỏ đi. Rất nhiều vụ tương tự đã xảy ra trong các xứ đạo khiến cho lòng hiếu khách không còn được thể hiện dễ dàng. Chúng ta biết từ hiếu khách (hospitality) bắt nguồn từ từ hospital trong tiếng Anh và tiếng Pháp, nghĩa là bệnh viện, và cũng dẫn đến từ hotel (khách sạn). Nhiều tín hữu ngày nay không dám đến xin trú ngụ tại các xứ đạo và tu viện mà tìm đến các khách sạn cũng vì lòng hiếu khách không được thể hiện như trong thời Giáo Hội sơ khai (x. 1Pr 4,9; Rm 12,13) và là đức tính căn bản của những vị lãnh đạo trong Giáo Hội (x. 1Tm 3,2; Tt 1,8).

Vì thế, chúng ta tự hỏi cần phải thể hiện tình bác ái và lòng hiếu khách như thế nào trong thời đại hiện nay?

Trước hết, chúng ta luôn giữ tình bác ái yêu thương mọi người, như Chúa Giêsu, để tha thứ cho cả những ai muốn lợi dụng lòng tốt và lừa dối ta. Tiếp theo, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần soi sáng để ta đủ khôn ngoan tìm ra những anh chị em thật sự bất hạnh cần ta cứu giúp. Kế nữa, chúng ta xin Cha Trên Trời ban cho ta phương tiện và nguồn lực để ta giúp họ một cách thiết thực. Không phải ta cho họ con cá để ăn xong rồi họ lại đến xin tiếp. Cũng không phải chỉ cho họ cái cần câu, mà còn dạy cho họ cả kỹ năng câu như cách đính mồi, biết cá ăn sâu hay ăn nong…, nghĩa là giúp cho họ những hiểu biết để có thể tự kiếm sống.

Lời kết

Vì thế, hôm nay chúng ta hãy xin Chúa ban cho chúng ta có một lòng hiếu khách và tình bác ái chân thành để làm chứng về một đời sống mới khi chúng ta đã cùng chết với Chúa Giêsu và cùng sống lại với Người (x. Rm 6,3-11).

 

HKK