Cháy rừng bất thường ở Bắc Cực, lo khí nhà kính tăng vọt
Cháy rừng bất thường ở Bắc Cực, lo khí nhà kính tăng vọt
Nền nhiệt cao làm bùng phát các vụ cháy rừng bất thường ở khắp những khu rừng hẻo lánh và vùng đồng bằng lạnh lẽo. Lửa sau đó đã lan rộng ra vùng đất than bùn vốn ngập nước ở điều kiện bình thường.
Rừng thông chìm trong biển lửa. Những vùng đất than bùn biến thành mồi ngon cho “giặc lửa”. Cảnh tượng gợi nhớ đến thảm họa cháy rừng Australia năm nào đang xảy ra ở nơi ít ai ngờ – ngôi làng Verkhoyansk thuộc tỉnh Siberia của nước Nga, vùng đất nằm ở phía Bắc vòng Bắc Cực, vốn nổi tiếng vì mùa Đông khắc nghiệt với nhiệt độ xuống tới âm 50 độ C.
Tổ chức Khí tượng Thế giới đang xác minh báo cáo nhiệt độ tại ngôi làng này đã lên mức kỷ lục 38 độ C vào ngày 20-6 vừa qua. Dù thông tin này có được xác nhận hay không, các chuyên gia của cơ quan này đã bày tỏ lo ngại về hình ảnh vệ tinh cho thấy phần lớn lãnh thổ Nga ở cực Bắc đang nằm trong vùng báo động đỏ.
Nền nhiệt cao làm bùng phát các vụ cháy rừng bất thường ở khắp những khu rừng hẻo lánh và vùng đồng bằng lạnh lẽo. Lửa sau đó đã lan rộng ra vùng đất than bùn vốn ngập nước ở điều kiện bình thường.
Đáng lưu ý là dù chỉ chiếm 3% diện tích bề mặt đất liền trên Trái Đất, lượng carbon tập trung ở “bể than cổ đại” này nhiều gấp đôi tổng lượng nhiên liệu hóa thạch của các cánh rừng trên thế giới.
Các nhà khoa học lo ngại đám cháy là dấu hiệu báo trước tình hình thời tiết tại đây trở nên hanh khô hơn, dẫn đến các vụ cháy rừng xảy ra với tần suất thường xuyên hơn, đốt cháy than bùn và cây cối, qua đó giải phóng lượng lớn khí thải gây hiệu ứng nhà kính – yếu tố làm Trái Đất ấm lên.
Theo nhà địa lý học môi trường Thomas Smith, thuộc Trường Kinh tế London (Anh), nhiệt độ cao không chỉ biến thảm thực vật mà cả đất đai thành nhiên liệu cho đám cháy. Đây là một trong những vòng luẩn quẩn đang xảy ra tại Bắc Cực làm gia tăng tình trạng biến đổi khí hậu.
Theo ông Smith, dữ liệu vệ tinh về khu vực thu thập từ năm 2003 cho thấy lượng khí nhà kính do các đám cháy ở Bắc Cực trong tháng 6-2019 và tháng 6-2020 đã vượt tổng lượng khí thải ghi nhận trong các tháng 6 từ năm 2003-2018.
Dữ liệu ghi từ hơn 100 năm trước đến nay cũng cho thấy nhiệt độ Bắc Cực đã đạt những kỷ lục mới trong vài năm gần đây. Ông Smith cho rằng quy mô những vụ hỏa hoạn trong tương lai có thể lên mức chưa từng có.
Ông nhấn mạnh các hiện tượng ngày nay là hậu quả của phát thải công nghiệp trong quá khứ, do đó những gì con người làm trong hiện tại định sẵn tương lai 40 năm tới.
Nắng nóng ở Siberia là một trong những bằng chứng chứng minh xu hướng biến đổi khí hậu làm nhiệt độ ở Bắc Cực tăng nhanh gấp đôi so với phần còn lại của Trái Đất. Chuyên gia cao cấp Walt Meier, thuộc Trung tâm dữ liệu băng tuyết quốc gia của Đại học Colorado (Mỹ), cho rằng nắng nóng cực đoan đang dần trở thành một hiện tượng thường thấy.
Khi Bắc Cực nóng lên khiến băng tan, nhiều vùng sẽ tối hơn và hấp thụ nhiệt nhanh hơn. Từ những năm 1970 đến nay, diện tích của biển băng Bắc Cực đã bị thu nhỏ 70% và giảm xuống mức thấp nhất vào năm ngoái.
Những đám cháy ở Siberia một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tầm quan trọng của việc cắt giảm khí thải do hoạt động của con người gây ra. Theo các nhà khoa học, mọi thay đổi lớn hơn ở Bắc Cực đều có thể gây ra những tác động nghiêm trọng hơn đối với hệ thống khí hậu toàn cầu.
Các nhà khoa học cũng cho rằng hiện tượng khí hậu ấm lên khiến mùa cháy rừng ở Bắc Cực kéo dài hơn. Mọi năm mùa cháy rừng ở Bắc Cực diễn vào tháng 7 và tháng 8, trong khi năm nay hỏa hoạn đã xuất hiện từ tháng 5.