24/12/2024

Vắcxin AZD 1222 hiệu quả trong thử nghiệm trên heo

Vắcxin AZD 1222 hiệu quả trong thử nghiệm trên heo

Thử nghiệm vắcxin AZD 1222 của Hãng dược Anh AstraZeneca trên heo cho thấy tiêm hai liều vắcxin sẽ tạo ra nhiều kháng thể hơn một liều.

 

Vắcxin AZD 1222 hiệu quả trong thử nghiệm trên heo - Ảnh 1.

Thế giới đang chạy đua phát triển vắcxin chống COVID-19 – Ảnh: REUTERS

Nghiên cứu do Viện Pirbright của Anh công bố ngày 23-6 phát hiện ra rằng việc tiêm thêm một liều bổ sung sau liều đầu tiên trên heo sẽ kích thích phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn việc chỉ tiêm một liều.

“Các nhà nghiên cứu thấy sự gia tăng rõ rệt lượng kháng thể có khả năng gắn kết với virus để ngăn chặn lây nhiễm”, Hãng tin Reuters dẫn tuyên bố của nhóm nghiên cứu cho biết.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thừa nhận chưa rõ mức phản ứng miễn dịch nào là đủ để bảo vệ cơ thể người khỏi COVID-19.

Vắcxin ChAdOx1 nCoV-19, còn được biết đến với tên AZD 1222, ban đầu do các nhà khoa học của Đại học Oxford phát triển và hiện có thêm sự phối hợp của Hãng dược AstraZeneca trong nghiên cứu, sản xuất.

“Các kết quả nhằm khuyến khích việc cung cấp hai mũi tiêm… để tăng cường phản ứng kháng thể nhằm vô hiệu virus. Nhưng phản ứng ở người mới là quan trọng”, ông Bryan Charleston, giám đốc Viện Pirbright, nói.

AZD 1222 hiện đã được thử nghiệm trên người và Hãng AstraZeneca cho biết dữ liệu thử nghiệm sẽ có trong cuối năm nay.

Trước đó, ông Pascal Soriot – giám đốc điều hành của AstraZeneca – xác nhận đã ký kết thỏa thuận cung cấp 400 triệu liều vắcxin cho châu Âu và sẽ giao trước cuối năm nay. Theo một thông báo gần đây, công ty này dưới danh nghĩa khác cũng đã ký kết các thỏa thuận tương tự với Vương quốc Anh và Mỹ.

Trước đó, Bộ Y tế liên bang Đức công bố nước này cùng với Pháp, Ý và Hà Lan đã thành lập liên minh vắcxin (có tên gọi là IVA), ký hợp đồng nguyên tắc với AstraZeneca nhằm cung cấp ít nhất 300 triệu liều vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 cho các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU).

Ngoài AZD 1222, các nhà khoa học thế giới hiện  phát triển hơn 100 loại vắcxin tiềm năng nhằm khống chế dịch COVID-19.

TRẦN PHƯƠNG
TTO