26/12/2024

Hoàn cảnh khốn cùng của những người di cư trong các trại tị nạn ở Lybia

Hoàn cảnh khốn cùng của những người di cư trong các trại tị nạn ở Lybia

Lybia (ANSA)

“Người Châu Phi đang bị khủng bố. Hoàn cảnh của những người di cư ở Lybia ngày càng trở nên bi thảm: đói, bệnh, bạo lực. Cuộc sống của họ không được bảo đảm.” Cha Mussie Zerai, linh mục của Giáo hội Công giáo Đông phương thuộc Giáo phận Asmara, đang chăm sóc cho người nhập cư đã cho Hãng tin Fides biết như trên.

Thực vậy, trong 22 trại tị nạn do chính quyền Tripoli quản lý, tình hình ngày càng trở nên tồi tệ: các sĩ quan chỉ huy thường thông đồng với những kẻ buôn người, các chính trị gia thì vắng mặt, quân đội thì bạo lực. Chỉ riêng tại trung tâm của Tripoli có khoảng 5.000 người đang bị giam giữ. Họ là những người đến từ Eritrea, Ethiopia, Somalia, Sudan. Những người đang bị giam giữ là những người tìm cách thoát nghèo bằng cách tìm kiếm một tương lai tốt hơn ở Châu Âu nhưng trên đường đi họ bị mắc kẹt ở Lybia, nơi cuộc nội chiến đang diễn ra trong nhiều tháng qua.

Trong những tháng gần đây, cuộc đụng độ, đặc biệt là ở ngoại ô Tripoli, rất căng thẳng. Và tình hình trở nên tồi tệ hơn với sự tham gia của các diễn viên quốc tế: Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất và Ai Cập. Trong lĩnh vực này, các vũ khí mới giết người đã được thử nghiệm, như máy bay không người lái kamikaze được dân quân Tripoli sử dụng để ngăn chặn bước tiến của phe đối lập.

Cha Mussie cho biết: “Các lực lượng chiến đấu cũng ngăn chặn sự kiểm soát của Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi đã yêu cầu Cao uỷ Tị nạn của Liên Hiệp Quốc kiểm tra các điều kiện của người di cư trong các trại. Các viên chức của toà nhà kính đã không đến được hoặc không thể vào bất kỳ trung tâm nào. Chúng tôi không rõ điều gì xảy ra trong các cấu trúc này. Chúng tôi cũng không thể liên lạc được với những người ở bên trong vì điện thoại của họ bị kiểm soát gắt gao.”

Cha Mussie lo sợ vấn đề vệ sinh trong các trại này. Họ không có hỗ trợ y tế; và các bệnh về phổi và da đã lan rộng. Mọi người sống chen chúc nhau, không thể giữ khoảng cách. Cũng không có nguồn cung cấp y tế nào được phân phối, đây là môi trường virus corona lây lan nhanh chóng.

Trong hoàn cảnh này, Giáo hội Công giáo địa phương cũng đang gặp khó khăn trong việc can thiệp hỗ trợ người di cư. Cha kết luận: “Cuộc chiến và bạo lực lan rộng làm cho việc di chuyển rất khó khăn. Mọi người không thể đến nhà thờ. Vì khi di chuyển, họ sẽ bị đánh và cướp. Tình hình rất khó khăn. Cuộc xung đột phải dừng lại. Các tổ chức nhân đạo phải can thiệp càng sớm càng tốt để trợ giúp những người di cư sống trong địa ngục này.”

Trước hoàn cảnh đau thương này, hôm Chúa Nhật 14/6, Đức Thánh Cha đã kêu gọi cầu nguyện cho hàng ngàn người di cư, tị nạn, người xin tị nạn và người di cư nội địa ở Lybia. Đức Thánh Cha mời cộng đồng quốc tế chú ý đến hoàn cảnh của họ, bằng cách xác định các cách thế và cung cấp các phương tiện để đảm bảo cho họ sự bảo vệ mà họ cần, một điều kiện sống xứng đáng và một tương lai của hy vọng. (Fides 15/6/2020)

Ngọc Yến