28/12/2024

ĐTC Phanxicô: Đừng lên án nhưng hãy cầu nguyện, ngay cả cho người tội lỗi nhất

ĐTC Phanxicô: Đừng lên án nhưng hãy cầu nguyện, ngay cả cho người tội lỗi nhất

Trong bài giáo lý tại buổi tiếp kiến chung trực tuyến vào sáng thứ Tư 17/06, Đức Thánh Cha suy tư về cách cầu nguyện của ông Môsê. Đức Thánh Cha nhận định rằng ông Môsê là gương mẫu cho các mục tử, những người không bao giờ bỏ rơi dân mình, nhưng phải luôn gắn bó và cầu nguyện cho họ. Ngài cũng mời gọi các Kitô hữu không lên án, nhưng cầu nguyện, khẩn cầu cho những người cần sự trợ giúp của Thiên Chúa, ngay cả những người tội lỗi nhất, và cầu xin cho ơn cứu độ của toàn thế giới.

Sách Xuất hành miêu tả ông Môsê như một người thất bại, theo cái nhìn của con người. Nhưng ông được Thiên Chúa gọi để đưa Dân Người khỏi ách nô lệ, đến sự tự do. Ông từ chối trách nhiệm này với lý do mình không xứng đáng. Tuy nhiên, Thiên Chúa uỷ thác cho ông trách nhiệm thông truyền lề luật Chúa cho dân Israel và ông đã trở thành người cầu thay nguyện giúp cho dân, đặc biệt khi họ gặp thử thách và phạm tội. Ông trở thành trung gian, cầu nối giữa đất và trời, cầu khẩn cho dân khi họ gặp khốn khó. Theo cách này, ông là hình ảnh báo trước của Chúa Giêsu, Đấng chuyển cầu vĩ đại và là thượng tế của chúng ta.

Bài giáo lý của Đức Thánh Cha

Bắt đầu bài giáo lý, Đức Thánh Cha nhận xét: “Thiên Chúa không bao giờ thích liên lạc với những người cầu nguyện cách ‘dễ dàng’. Và ngay cả ông Môsê cũng không phải là một người đối thoại ‘yếu đuối’, ngay từ những ngày đầu trong ơn gọi của ông.”

Thiên Chúa gọi ông Môsê, con người “thất bại”, cho sứ vụ giải thoát dân Israel

Đức Thánh Cha giải thích: Khi Thiên Chúa gọi ông Môsê, ông đang là người “thất bại”. Sách Xuất hành mô tả ông ở vùng đất Midian như một kẻ chạy trốn. Khi còn trẻ, ông đã cảm thấy thương xót người dân của mình, và ông cũng đã chọn lựa bảo vệ những người bị áp bức. Nhưng chẳng bao lâu sau, ông phát hiện ra rằng, mặc dù có ý tốt, từ đôi bàn tay ông không nảy sinh công lý mà chỉ có bạo lực. Giấc mơ vinh quang của ông tan vỡ như thế: ông không còn là một quan chức đầy triển vọng, được định sẵn cho một sự nghiệp thăng tiến nhanh chóng, mà là một người đã tận dụng các cơ hội, và giờ đây chăm sóc một đàn vật thậm chí không phải là của mình. Và chính trong sự thinh lặng của hoang địa Midian, Thiên Chúa gọi ông Môsê đến mặc khải của bụi gai cháy đỏ: “Ta là Thiên Chúa của cha ngươi, Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaac, Thiên Chúa của Giacóp. Ông Môsê che mặt đi, vì sợ nhìn phải Thiên Chúa.” (Xh 3,6).

Ông Môsê từ chối vì thiếu tin tưởng vào Chúa

Một lần nữa, ông Môsê đáp lời Thiên Chúa, Đấng đang nói, Đấng mời gọi ông chăm sóc dân Israel, bằng sự sợ hãi. Ông đưa ra vấn nạn: ông không xứng đáng với sứ mệnh đó, không biết tên của Thiên Chúa, sẽ không được dân Israel tin tưởng, có tật nói lắp bắp… Từ ngữ thường xuyên xuất hiện trên môi của ông Môsê nhất, trong mỗi lời ông cầu nguyện với Thiên Chúa, là câu hỏi: “Tại sao?” Tại sao Chúa sai con đi? Tại sao Chúa muốn giải thoát dân tộc này? Trong Bộ Ngũ thư, thậm chí còn có một đoạn sách kịch tính, khi Thiên Chúa quở trách ông Môsê vì ​​ông thiếu tin tưởng; sự thiếu lòng tin này sẽ khiến ông không được vào đất hứa (x. Ds 20,12).

Dù yếu đuối, ông Môsê không bao giờ bỏ rơi dân của mình

Với những nỗi sợ hãi này, với trái tim thường xuyên dao động này, làm thế nào ông Môsê có thể cầu nguyện? Thật ra, ông Môsê cũng là người phàm như chúng ta. Chúng ta cũng có những nghi ngờ, làm thế nào chúng ta có thể cầu nguyện? Chúng ta có ấn tượng mạnh không chỉ vì sự mạnh mẽ của ông nhưng cả vì sự yếu đuối này. Được Thiên Chúa trao trách nhiệm thông truyền Lề luật cho dân Chúa, là người thành lập việc phụng tự Thiên Chúa, là trung gian của các mầu nhiệm cao cả nhất, nhưng không vì lý do này mà ông sẽ không còn mối liên kết chặt chẽ với dân của mình, nhất  là khi họ bị cám dỗ và phạm tội. Ông luôn gắn bó với dân. Ông không bao giờ quên dân. Đây là sự vĩ đại của các mục tử: không bao giờ quên dân, không bao giờ quên nguồn cội. Như thánh Phaolô nói với môn đệ Timôthê thân yêu của ngài: “Hãy nhớ mẹ và bà của con, nhớ nguồn cội và dân tộc của con.” Ông Môsê gần gũi với Thiên Chúa đến nỗi ông có thể nói chuyện trực tiếp với Người (x. Xh 33,11); và ông sẽ vẫn gần gũi với con người đến mức cảm thấy xót xa cho tội lỗi của họ, cho những cám dỗ của họ, cho nỗi nhớ bất chợt về quá khứ của những người lưu vong, nhớ lại khi họ ở Ai Cập.

Ông Môsê là người có tinh thần nghèo khó

Ông Môsê không chối từ Thiên Chúa, cũng không chối từ dân tộc của mình. Do đó, ông Môsê không phải là một nhà lãnh đạo độc tài và chuyên chế; trái lại, sách Dân số định nghĩa ông “khiêm tốn và hiền lành hơn mọi người trên trái đất” (x. 12,3). Bất chấp điều kiện đặc quyền của mình, ông Môsê vẫn thuộc về nhóm người nghèo khó trong tinh thần, những người sống bằng cách biến niềm tin tưởng vào Thiên Chúa thành lương thực trong cuộc hành trình của họ.

Cách cầu nguyện của ông Môsê: chuyển cầu cho dân

Cách cầu nguyện thích hợp nhất của ông Môsê sẽ là sự chuyển cầu (x. Giáo lý Hội thánh Công giáo, 2574). Niềm tin vào Thiên Chúa của ông trở nên một với cảm thức ông là một người cha của dân tộc mình. Kinh Thánh thường mô tả ông với đôi bàn tay vươn lên, hướng về Thiên Chúa, bằng chính con người mình, ông trở thành chiếc cầu nối giữa trời và đất. Ngay cả trong những thời khắc khó khăn nhất, ngay cả vào ngày mà mọi người chối từ Thiên Chúa và từ chối xem ông như một người lãnh đạo, và tạc cho họ một con bò vàng, ông Môsê không cảm thấy muốn bỏ dân của ông. Đó là dân của con. Đó là dân của Chúa. Ông không chối bỏ Thiên Chúa và cũng không chối từ dân của mình. Và ông thưa với Chúa: “Dân này đã phạm một tội lớn! Họ đã làm cho mình một tượng thần bằng vàng! Nhưng giờ đây, ước gì Chúa miễn chấp tội họ… Bằng không, nếu Chúa không tha thứ cho tội lỗi này, thì xin Chúa xoá tên con khỏi cuốn sách Ngài đã viết.” (Xh 32,31-32). Ông Môsê không thương lượng với dân chúng. Ông là cây cầu, là người cầu khẩn. Ông là người đứng giữa dân Chúa và Chúa. Ông không bán đứng dân mình vì sự nghiệp. Ông không phải là người tìm cách leo thang danh vọng, ông là người chuyển cầu: vì dân của mình, vì máu thịt của mình, vì lịch sử của dân, vì dân tộc và vì Thiên Chúa Đấng đã gọi ông. Ông là cây cầu nối.

Ông Môsê là gương mẫu cho các mục tử

Theo Đức Thánh Cha, ông Môsê là một gương mẫu cho tất cả các mục tử, những người phải là “cầu nối”. Vì thế, họ được gọi là pontifex, những cây cầu. Mục tử là cầu nối giữa những người mà họ thuộc về với Thiên Chúa, Đấng mà theo ơn gọi, họ thuộc về. Ông Môsê cũng vậy. “Xin Chúa tha thứ cho tội lỗi của họ, nếu Chúa không tha thứ, xin hãy xoá con khỏi cuốn sách mà Chúa đã viết. Con không muốn dùng dân của mình để tiến thân.”

Không lên án nhưng cầu nguyện cho người thiếu sót, tội lỗi

Đây là lời kinh nguyện mà các tín hữu chân chính cũng phải thực hiện trong đời sống tâm linh của họ. Ngay cả khi họ nhìn thấy những thiếu sót và sự xa cách của con người với Thiên Chúa, khi cầu nguyện, họ không lên án những người này, không từ chối họ. Thái độ cầu thay nguyện giúp là thái độ của các vị thánh, những người, khi bắt chước Chúa Giêsu, trở thành những “cầu nối” giữa Thiên Chúa và dân của Người. Theo nghĩa này, ông Môsê là vị ngôn sứ vĩ đại nhất của Chúa Giêsu, người bênh vực và khẩn cầu của chúng ta (x. Giáo lý Giáo hội Công giáo, 2577).

Ngay cả ngày nay, Chúa Giêsu là cầu nối giữa chúng ta và Chúa Cha. Và Chúa Giêsu khẩn cầu cho chúng ta, cho Chúa Cha thấy các vết thương, cái giá Người chịu vì ơn cứu độ chúng ta và khẩn cầu cho chúng ta. Và ông Môsê là hình ảnh của Chúa Giêsu Đấng khẩn cầu ngày nay, cầu nguyện cho chúng ta và chuyển cầu cho chúng ta.

Khi tức giận ai, hãy cầu nguyện cho họ

Ông Mô-sê kêu gọi chúng ta cầu nguyện nhiệt thành như Chúa Giêsu, cầu xin cho thế giới, nhớ rằng bất chấp mọi yếu đuối của nó, thế giới luôn thuộc về Thiên Chúa. Tất cả thuộc về Thiên Chúa. Đức Thánh Cha giải thích: Những người tội lỗi xấu xa nhất, những người gian ác nhất, những lãnh đạo tham nhũng nhất, những người con của Thiên Chúa và Chúa Giêsu cảm thấy điều này và cầu nguyện cho tất cả. Và thế giới sống và phát triển nhờ phúc lành của người công chính, nhờ lời cầu xin lòng thương xót mà thánh nhân, người công chính, người chuyển cầu, linh mục, giám mục, Đức Giáo hoàng, giáo dân, bất cứ ai đã được rửa tội, không ngừng dâng lên vì con người, ở mọi nơi và mọi thời điểm trong lịch sử. Chúng ta hãy nghĩ đến ông Môsê, người chuyển cầu. Và khi chúng ta có ý muốn kết án ai và chúng ta cảm thấy tức giận trong lòng… Bạn phải làm gì khi tức giận? Hãy đi cầu nguyện cho người đó. Điều này giúp chúng ta rất nhiều.

Hồng Thuỷ