25/12/2024

ĐHY Angelo Scola lên tiếng bảo vệ ĐTC trước những chống đối từ bên trong Giáo hội

ĐHY Angelo Scola lên tiếng bảo vệ ĐTC trước những chống đối từ bên trong Giáo hội

Nhà thờ Chính tòa Milano (ANSA)

Trong một cuốn sách được xuất bản trong những ngày gần đây, Đức Hồng y Angelo Scola, nguyên Tổng Giám mục Milano, lên tiếng bảo vệ Đức Thánh Cha trước những thái độ chống đối quá đáng của một số người trong Giáo hội.

Ở những trang đầu của cuốn sách nội dung nói về “tương lai của Kitô giáo”, Đức Hồng y Angelo Scola viết: “Tín hữu phải yêu mến, tôn trọng, và tuân phục Đức Thánh Cha như một dấu hiệu hữu hình và bảo đảm sự hiệp nhất của Giáo hội. Và do không thực hiện những điều này, đã nảy sinh những chống đối và tấn công chống lại Đức Thánh Cha ngày càng trở nên quá đáng, đặc biệt những cuộc tấn công đến từ bên trong Giáo hội, những người này đã sai lầm.”

Theo những gì được trình bày trong cuốn sách, Đức Hồng y không lo lắng về các mối đe doạ của một cuộc ly giáo, nhưng lấy làm tiếc vì sự tái bùng nổ “cuộc đấu tranh giữa những người bảo thủ và cấp tiến trong các Toà nhà Thánh thiêng và giữa những người Công giáo”. Đức Hồng y khẳng định “đây là một bước lùi”.

Nguyên Tổng Giám mục Milano đưa ra những nhận định của các nhà quan sát và các học giả. Như học giả Jean François Colosimo chuyên nghiên cứu về các tôn giáo chỉ cho thấy, đặc điểm chung của các cuộc khủng hoảng thường đi theo một sự xáo trộn về mặt đạo đức luân lý: Khủng hoảng dị giáo vào thế kỷ IV, khủng hoảng về thần quyền và giáo quyền vào thế kỷ XI, khủng hoảng về ân xá của thế kỷ XV. Mỗi thảm hoạ không đến từ bên ngoài mà từ bên trong Giáo hội. Và mỗi lần khủng hoảng đều gây ảnh hưởng mạnh đến thể chế và lần này, điều chưa bao giờ xảy ra, nó tập trung vào giáo triều và giáo sĩ.

Thực tế, khủng hoảng hiện nay đó là một sự “trần tục hoá”. Có nguồn gốc từ các vụ bê bối, tội ác, hành vi lệch lạc, như lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên của những người đã được thánh hiến. Thực tế, nếu một Kitô hữu ít quan tâm và sống với Ân Sủng như thể Thiên Chúa không hiện hữu, thì chắc chắn từng bước người này sẽ sụp đổ và đạo đức cá nhân cũng bị quên lãng.

Đức Hồng y cho rằng, Đức Thánh Cha cũng đã tập trung vào việc “làm lay động lương tâm, đưa ra bàn luận những hành vi thói quen đã cố hữu trong Giáo hội”. Đức Hồng y nhìn nhận: “Điều này có thể tạo ra hoang mang và thậm trí xáo trộn. Nhưng điều này không biện minh cho các cuộc tấn công ngày càng khắc nghiệt và quá đáng chống lại cá nhân Đức Thánh Cha, đặc biệt những cuộc tấn công phát sinh từ bên trong Giáo hội. Đây là một sai lầm.”

Đức Hồng y khẳng định: “Hiệp thông với đấng kế vị Thánh Phêrô không phải là vấn đề của văn hoá, cảm thông, tình cảm, nhưng liên quan đến chính bản chất của Giáo hội.” (La Satampa 13/6/2020)

Ngọc Yến