23/01/2025

Chúa Nhật XI TN A 2020: Chúa Giêsu Thánh Thể giúp ta vượt qua cơn thử thách

Chúng ta mừng lễ Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu trong khi thế giới đang chịu dịch bệnh Covid-19 như gợi ý về những thử thách trên đường đời mà mỗi người chúng ta phải chịu. Giống như người Do Thái đi 40 năm trong hoang địa và cần đến manna thế nào, thì chúng ta cũng cần đến Mình Máu Thánh Chúa như vậy.

Chúa Nhật XI TN A 2020: Lễ Mình Máu Thánh Chúa

Chúa Giêsu Thánh Thể
giúp ta vượt qua cơn thử thách

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Chúng ta mừng lễ Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu trong khi thế giới đang chịu dịch bệnh Covid-19 như gợi ý về những thử thách trên đường đời mà mỗi người chúng ta phải chịu. Giống như người Do Thái đi 40 năm trong hoang địa và cần đến manna thế nào, thì chúng ta cũng cần đến Mình Máu Thánh Chúa như vậy.

1. Thử thách trên đường đời

Đời là một quảng đường rất dài mà mỗi người chúng ta đi với nhiều thử thách. Người Do Thái không phải chỉ đi trong hoang địa một vài ngày, mà suốt 40 năm với những thử thách như đói khát, nắng nóng, rắn lửa, bọ cạp… (x. Đnl 8,2-3.14-16). Tất cả những thử thách ấy như gợi ý cho chúng ta nhìn lại cuộc đời của mỗi người: chắc chắn không có bình yên, không có bằng phẳng và chúng ta được mời gọi vững bước trong thử thách:

Ví thử đường đời bằng phẳng cả

Anh hùng hào kiệt có hơn ai!

Càng gặp thử thách bao nhiêu, chúng ta càng cần phải tin tưởng vào sự che chở, bảo vệ, nâng đỡ của Thiên Chúa bấy nhiêu. Người Do Thái đã cảm nghiệm được điều đó khi họ nhận được manna từ trời rơi xuống, được dòng nước trong lành từ tảng đá chảy ra, được bóng mây che mát ban ngày và cột lửa soi sáng ban đêm.

Chúa luôn luôn đồng hành với ta mỗi bước trên đường đời, nhưng hình như ta không cảm nhận điều đó. Chúng ta rất may mắn: vì sau một vài tháng căng thẳng, Việt Nam đã trở lại cuộc sống hầu như bình thường. Nhưng thế giới còn đang hết sức căng thẳng: tính đến chiều hôm qua, 13/6/2020, toàn thế giới có hơn 7.700.000 người bị nhiễm và 428.000 người đã chết. Trong nửa tháng nay, cứ mỗi ngày có hơn 100.000 người nhiễm bệnh và vài ba ngàn người chết. Việt Nam chúng ta cho đến nay, chỉ có 334 người nhiễm và không có người chết. Đó là ơn lành của Chúa ban cho dân tộc chúng ta. Giáo phận Xuân Lộc, trong mấy ngày này, dâng toàn thể giáo phận để cảm tạ Chúa, cảm tạ Đức Mẹ, nhất là vào chiều ngày 17 tháng 6, cùng tụ họp tại Núi Cúi để dâng lễ tạ ơn.

Chúng ta chưa thể nói dịch bệnh đã chấm dứt, nhưng lời tạ ơn cần phải vang lên mỗi ngày để thay cho biết bao con người không thiết tha đến Chúa, không cảm nhận được sự che chở của Chúa trong cuộc đời của mình.

Rất nhiều người chúng ta không cảm nghiệm được những thử thách trong cuộc đời, nhất là những thử thách trong thời gian vừa qua. Chúng ta phải ở nhà, không thể làm việc vì giãn cách xã hội. Thậm chí trong Tuần Thánh và lễ Phục Sinh chúng ta cũng không đến nhà thờ dự lễ, không đến với bí tích Mình Máu Thánh Chúa được. Có nhiều người cảm thấy buồn buồn, khát khao được rước Mình Máu Thánh Chúa, nhưng rất nhiều người, với thánh lễ online, với những cuốn hút trong đời sống thường nhật nhàn nhã, người ta quên mất Chúa.

Cha ông ta nói: “nhàn cư vi bất thiện”. Không phải làm gì, cho nên hầu như suốt ngày chúng ta mở tivi xem hết phim này đến phim khác. Các bạn trẻ thì mở ipad, điện thoại ra để xem phim, nghe nhạc, mà rất nhiều khi đó là những phim đồi truỵ, ma quái hay bạo lực. Tinh thần chúng ta, thay vì được bổ dưỡng bởi những của ăn trong lành, lại bị nhét vào những bộ phim đồi truỵ, hình ảnh dâm đãng. Chúa Giêsu cũng là lương thực thiêng liêng cho tinh thần của chúng ta, nhưng Người lại bị đẩy ra ngoài! Như thế, làm sao chúng ta đủ sức đi trọn đường trần!

2. Dấu hiệu của Thánh Thể trong đời sống

Sau mùa dịch, người ta thấy cũng chẳng cần phải đi lễ, chẳng cần phải rước Mình Máu Thánh Chúa, nên ta thấy các nhà thờ cũng vắng đi một ít. Đó là vì chúng ta, cũng như rất nhiều người, chưa cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu Thánh Thể như là một bí tích. là nhiệm mầu, bí mật, tích là dấu hiệu, vết tích. Mình Thánh Chúa chỉ là một hình bánh tròn tròn. Đó là dấu hiệu. Nhiều khi ta không cảm nghiệm được ý nghĩa hay nội dung của dấu hiệu ấy, vì không có ơn Chúa Thánh Thần để soi sáng tâm trí mù tối của ta và nhận ra rằng miếng bánh ấy chính là Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu.

Người Do Thái cũng nhận được dấu hiệu bánh qua manna, nước qua tảng đá, mây che, cột lửa. Nhưng họ không nhận ra được tình yêu và sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống của mỗi người cũng như của dân tộc. Vì thế, tất cả đều đã chết như Chúa Giêsu cảnh báo qua bài Tin Mừng (x. Ga 6,51-58).

Chúng ta cũng vậy, hình như ta không nhận ra dấu hiệu của Thánh Thể trong cuộc đời của mình. Mỗi ngày, khi dâng lễ, chúng ta thấy có bánh, có rượu, có nước. Đó là tượng trưng cho lao công vất vả của chúng ta, tượng trưng cho những giọt mồ hôi, nước mắt và cả máu đào của ta trong cuộc sống thường ngày, tượng trưng cho thử thách, gian lao, vất vả của ta trên đoạn đường dương thế… Ta phải góp vào thì chúng mới kết hợp thành một với Chúa Giêsu, qua lời truyền phép của vị linh mục, thành Mình và Máu Thánh Chúa.

Chúng ta ngồi ở đây, tham dự thánh lễ như xem một vở kịch mà chẳng góp gì cả, đến lúc dâng của lễ thì nghe ca đoàn hát hay mà không đóng góp gì. Ngay trong dịch bệnh, chúng ta không biết rằng những công việc rất nhỏ bé thường ngày của mình: như ăn uống, ngủ nghỉ, thậm chí tắm giặt, vệ sinh… tất cả đều là chất liệu Thánh Thể. Khi ta góp với Chúa Giêsu trong bất cứ bàn thờ nào trên thế giới, chúng đều trở thành Mình và Máu Thánh Người.

Thánh Phaolô trong Bài đọc II (x. 1Cr 10,16-17) nhắc nhở chúng ta rằng: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, đó không phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư?”. Máu đó đã đổ ra trên thập giá. Dù chỉ là một miếng bánh nhỏ, nhưng đó chính là Mình Chúa và chứa sẵn Máu Chúa để tẩy rửa tội lỗi của ta, tội lỗi của trần thế. “Và khi cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao?” Tấm bánh ấy chính là Chúa Giêsu. “nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể”. Toàn thể nhân loại chúng ta làm thành một tấm bánh Thánh Thể.

Việt Nam chúng ta may mắn thoát khỏi dịch bệnh, nhưng cả thế giới này đang căng thẳng trong cơn dịch, chúng ta phải dùng Mình và Máu Chúa Giêsu trong cuộc đời của ta, trong thánh lễ hằng ngày của ta để cầu nguyện cho thế giới, để nâng đỡ anh chị em chúng ta trên toàn thế giới. Có như thế, phép lạ Thánh Thể mới thực hiện cho ta và cho mọi người.

Hôm nay Chúa Giêsu nhắc nhở chúng ta: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống, ai ăn thịt và uống máu Tôi sẽ được sống muôn đời”. Người Do Thái không thể tưởng tượng được có những con người uống máu và ăn thịt người. Nhưng đấy là dấu hiệu của bí tích Thánh Thể. Họ không hiểu được Chúa Giêsu dùng bánh và rượu để biến đổi thành Mình và Máu Người, để chuyển thông cho ta sức mạnh kỳ diệu của Thánh Thể, để ta có thể vượt qua tất cả những thử thách trên đường đời và có thể phát huy những ân sủng siêu việt của Thánh Thể cho mọi người trên thế giới.

Với ân sủng của Thánh Thần truyền qua bí tích Thánh Thể, chúng ta lại tiếp tục công trình cứu độ của Chúa Giêsu, để ta gặp gỡ ai là họ nhận được niềm vui và hy vọng, ta đụng chạm đến ai là họ được chữa lành, tiếp xúc với ai là họ được giải thoát khỏi cám dỗ của quỷ dữ tà ma, khỏi đam mê nghiện ngập như phim sex, game online và đủ những thử thách khác. Có như thế ta mới thấy phép lạ Thánh Thể đang diễn ra từng giây phút trên đường đời của ta và ta bước vào đó bằng những hành động thường ngày. Nhờ tình yêu đối với Chúa Giêsu Thánh Thể, ta biến tất cả thành Mình Máu Thánh Người.

Lời kết

Hôm nay, Chúa Giêsu mời gọi ta nhìn lại cuộc sống của mình. Trong cơn dịch bệnh chúng ta không cần phải đến nhà thờ để rước Mình Máu Thánh Chúa. Nhưng từ nay, chúng ta sẽ tăng cường đến nhà thờ nhiều hơn để thay cho phần thế giới đang chịu những cơn thử thách. Khi không đến nhà thờ được, ta hãy rước Mình Máu Thánh Chúa cách thiêng liêng bằng lời nguyện nhỏ như: “Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con yêu mến Chúa, xin Chúa ngự vào lòng con, xin Chúa cứu chữa anh chị em con trên toàn thế giới”. Đó là sứ điệp mà Chúa Giêsu Thánh Thể gửi đến cho chúng ta hôm nay.

HKK