20/11/2024

ĐTC Phanxicô: Cầu nguyện và liên đới với người nghèo là hai điều không tách biệt nhau

ĐTC Phanxicô: Cầu nguyện và liên đới với người nghèo là hai điều không tách biệt nhau

(©paul – stock.adobe.com)

Trong Sứ điệp nhân Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ IV, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi quan tâm chú ý đến người nghèo, đặc biệt trong đại dịch Covid-19 và cảnh giác chống lại sự thờ ơ dửng dưng.

Ngày 13/06/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ban hành Sứ điệp Ngày Thế giới Người nghèo lần thứ IV, sẽ được cử hành vào Chúa Nhật XXXIII Thường niên, ngày 15/11 năm nay. Sứ điệp năm nay có chủ đề “Hãy rộng tay cứu giúp người nghèo khó” (x. Hc 7,32).

Mở đầu sứ điệp, Đức Thánh Cha nhận định rằng truyền thống khôn ngoan cổ xưa đã xem những lời này như quy tắc thánh thiêng để thực hành trong cuộc sống và nó vẫn còn hợp thời trong thời đại chúng ta. Chúng giúp chúng ta chú tâm vào những gì là thiết yếu và vượt qua những rào cản của sự thờ ơ.

Cầu nguyện và liên đới với người nghèo là hai điều không tách biệt nhau

Sách Huấn Ca dạy chúng ta cách hành động dưới ánh sáng của mối quan hệ mật thiết với Thiên Chúa nhưng không quên quan tâm đến con người. Đức Thánh Cha nói: “Cầu nguyện với Thiên Chúa và liên đới với người nghèo và người đau khổ không thể tách rời nhau.” Người nghèo giúp chúng ta chào đón Chúa Kitô vì Người hiện diện nơi người nghèo. Điều này đặt ra câu hỏi với chúng ta: “Làm thế nào chúng ta có thể giúp loại bỏ hoặc ít nhất là làm giảm bớt sự thiệt thòi và đau khổ của họ? Làm thế nào chúng ta có thể giúp họ trong nhu cầu tâm linh của họ?” Giáo hội phải đi đầu, luôn luôn và ở mọi nơi, trong việc bảo vệ và chia sẻ với họ. Giáo hội chắc chắn không có giải pháp toàn diện để đề nghị, nhưng nhờ ân sủng của Chúa Kitô, Giáo hội có thể đưa ra chứng tá và cử chỉ bác ái của mình.

Cơn lốc dửng dưng thờ ơ và các thánh ở “nhà bên cạnh”

Đức Thánh Cha nhận thấy sự thờ ơ vô cảm đang gia tăng. Chỉ khi điều gì đó xảy ra, mắt chúng ta mới mở ra và nhận ra điều tốt của những người xung quanh.

Trong thế giới mà sự ác dường như thống trị, dường như là các tin tức chính, thì vẫn còn những hành động tôn trọng và quảng đại, truyền cảm hứng cho chúng ta. Ngài nói đến những bàn tay đưa ra, dấu hiệu của sự gần gũi, liên đới và tình yêu. Bàn tay của các bác sĩ, y tá, tình nguyện viên, linh mục,… tiếp tục đưa ra và đại dịch không thể ngăn cản họ.

Tình huynh đệ và liên đới

Đại dịch cho chúng ta thấy mình mỏng manh và cần tình huynh đệ liên đới. Vì thế, Đức Thánh Cha “mời gọi trách nhiệm và sự dấn thân của những người nam nữ, những người là thành phần của gia đình nhân loại của chúng ta”. “Chủ đề của Sứ điệp khuyến khích chúng ta vác đỡ gánh nặng của những người yếu đuối nhất.” Và sách Huấn Ca đề nghị những cách cụ thể như: đừng ngoảnh mặt với người đang than khóc; đừng ngại thăm nom người đau yếu.

Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là tình yêu

Cuối cùng, Đức Thánh Cha nhắc lại lời sách Huấn Ca: “Trong mọi lời ăn tiếng nói, hãy nghĩ đến đời con chung cuộc thế nào.” (Hc 7,36). Nó vừa là lời nhắc nhở quan tâm đến người nghèo, vừa là lời mời gọi hướng đến mục tiêu của mọi hành động, là tình yêu. Tình yêu này là tình yêu chia sẻ, cống hiến và phục vụ, được nảy sinh từ nhận thức rằng chúng ta được yêu thương trước và được đánh thức để yêu thương. (CSR_4472_2020)

Hồng Thuỷ