28/12/2024

Một số linh mục Indonesia kêu gọi chấm dứt phân biệt chủng tộc

Một số linh mục Indonesia kêu gọi chấm dứt phân biệt chủng tộc

Biểu tình chống phân biệt chủng tộc ở Papua (ANSA)

Hôm 08/6, một nhóm linh mục thuộc tỉnh Papua đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt mọi hình thức phân biệt chủng tộc, bất công và bạo lực đối với công dân có nguồn gốc Papua.

Được khích lệ từ những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc lên án vụ giết người gần đây đối với ông George Floyd tại Hoa Kỳ, các linh mục của 5 giáo phận thuộc tỉnh Papua đã mạnh mẽ lên tiếng cho số phận của người dân bị phân biệt đối xử trong mọi lĩnh vực.

Kể từ khi chủ quyền của đất nước được chuyển từ Hà Lan sang Indonesia vào năm 1962, Tây Papua đã trải qua những căng thẳng liên quan đến độc lập, người dân địa phương luôn cảm thấy bị chính quyền Jakarta kỳ thị.

Trên cơ sở của “Tuyên ngôn về Tình huynh đệ nhân loại vì hoà bình thế giới và sự sống chung” đã được Đức Thánh Cha và Đại Iman Ahmad al Tayyeb của Đền thờ và Đại học Al Azhar ký ngày 4/2/2019, các linh mục Papua yêu cầu các nhà lãnh đạo trung ương và địa phương quảng bá văn hoá khoan dung và cuộc sống hoà bình giữa các cộng đồng quốc gia khác nhau, và khuyến khích hòa nhập xã hội và sự phát triển của người dân Papua thông qua đối thoại và giáo dục. Các linh mục cũng kêu gọi chính phủ có các biện pháp chống lại các vi phạm nhân quyền đối với người dân ở Papua và hình sự hoá các hành vi này.

Các tác giả của tài liệu cũng bày tỏ lo ngại về số phận của Buchtar Tabuni, lãnh đạo Phong trào Thống nhất Giải phóng Tây Papua. Cùng với các nhà hoạt động khác, ông Tabuni đã bị bắt vào 9/2019 vì đã tổ chức một loạt các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc, sau đó dẫn đến các cuộc bạo loạn.

Theo các linh mục, các cuộc biểu tình do ông Tabuni lãnh đạo là ôn hoà, nhưng sau đó có các nhóm độc lập và những kẻ khiêu khích xâm nhập, tấn công các công dân không thuộc Papua và phá phách đường phố. Vì thế, các linh mục Papua yêu cầu chính quyền trả tự do cho Tabuni và sáu tù nhân chính trị khác. Các linh mục cũng cho rằng không công bằng khi những nhà hoạt động này phải đối mặt với các hình phạt từ 5 đến 17 năm, trong khi những người chịu trách nhiệm về hành vi phân biệt chủng tộc ở Surabaya chỉ lãnh án với 5 tháng tù. (Asia News 09/6/2020)

Ngọc Yến