Sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp ô nhiễm không khí?
Sẽ ban bố tình trạng khẩn cấp ô nhiễm không khí?
Nếu được thông qua, luật Môi trường (sửa đổi) quy định xác lập và triển khai quản lý chất lượng không khí trên từng địa bàn, từng vùng lãnh thổ.
Chạm màu nâu là ban bố tình trạng khẩn cấp
Ra đời trong bối cảnh ô nhiễm không khí, ô nhiễm môi trường đang ngày càng diễn biến tiêu cực, dự thảo luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) do Bộ Tài nguyên – Môi trường (TN-MT) vừa ban hành đã bổ sung nhiều điểm mới nhằm tăng cường trách nhiệm cơ quan quản lý và siết chặt hơn các biện pháp nhằm giảm ô nhiễm. Đáng chú ý, bộ này đề xuất cần công bố tình trạng khẩn cấp nếu xảy ra ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
|
Trao đổi với Thanh Niên, ông Lê Hoài Nam, Vụ trưởng Quản lý chất lượng môi trường (Tổng cục Môi trường), cho biết dự thảo luật bổ sung quy định xác lập và triển khai quản lý chất lượng không khí trong địa bàn, vùng lãnh thổ. Theo đó, đối với tình trạng ô nhiễm không khí ở cấp địa phương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, TP có trách nhiệm chủ động triển khai các biện pháp khẩn cấp, lập kế hoạch bảo vệ môi trường không khí. Với trường hợp ô nhiễm mang tính liên tỉnh, liên vùng, Bộ đề xuất Thủ tướng Chính phủ sẽ là người trực tiếp chỉ đạo xử lý. Kế hoạch bao gồm việc đánh giá chất lượng và hiện trạng không khí trên địa bàn; kiểm kê nguồn đóng góp khí thải trên vùng lãnh thổ và xây dựng giải pháp.
Theo ông Lê Hoài Nam, Tổng cục Môi trường đang đề xuất đánh giá mức độ ô nhiễm dựa trên tiêu chuẩn kỹ thuật về chất lượng môi trường đã được Chính phủ ban hành. Đơn cử, một số thông số vượt quy chuẩn bao nhiêu lần hoặc chỉ số chất lượng không khí (AQI) vượt trên 300 thì được coi là ô nhiễm ở mức nguy hại. Về biện pháp khẩn cấp, Thủ tướng Chính phủ hoặc Chủ tịch UBND tỉnh, TP cần xây dựng dựa trên đánh giá về thời gian, nguyên nhân ô nhiễm mang tính chất thường xuyên, liên tục hay chỉ là sự cố.
“Cụ thể, nếu nguồn gây ô nhiễm mang tính chất sự cố từ các nhà máy, khu công nghiệp như trường hợp cháy Công ty CP bóng đèn phích nước Rạng Đông tại Hà Nội vào tháng 9.2019, có thể lập tức yêu cầu đơn vị ngưng sản xuất hoặc hạn chế sản xuất để giảm phát thải. Trong giai đoạn đó, cũng có thể điều chỉnh thời gian đi làm của người lao động, thậm chí cho học sinh nghỉ học nếu không khí ô nhiễm quá mức. Đối với các nguyên nhân như phát thải của phương tiện giao thông, cần có các giải pháp hạn chế giao thông cá nhân hoặc giảm các phương tiện lớn như xe tải, xe container ra vào nội đô khu vực đang chịu ô nhiễm… Các nước trên thế giới cũng tiếp cận theo hướng này”, ông Nam nói.
Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều sử dụng bảng đo AQI chia thành 6 bậc, tương ứng với 6 màu, từ màu xanh – tốt (AQI từ 0 – 50) đến màu nâu – nguy hại (301 – 500). Như vậy, theo đề xuất của Tổng cục Môi trường, có thể khi chỉ số AQI tại một địa phương, vùng lãnh thổ chạm ngưỡng màu nâu thì cần công bố tình trạng khẩn cấp và tiến hành ngay các biện pháp giảm ô nhiễm.
Chưa có chiến lược chống ô nhiễm
Một chuyên gia có nhiều năm theo dõi vấn đề môi trường nhận định: Tình trạng ô nhiễm bụi mịn, ô nhiễm không khí tại Việt Nam thực tế đã diễn ra trong nhiều năm nhưng đến nay người dân mới thực sự chú ý nhờ vào các thông tin từ nhiều đơn vị độc lập quan trắc. Đáng nói, các cơ quan quản lý về môi trường nắm rất rõ thực trạng này nhưng trong hàng thập niên vẫn không đưa ra được một chiến lược chống ô nhiễm không khí bài bản, quyết liệt nào. Chính vì thế, các chính sách, chiến lược nhằm giảm thiểu ô nhiễm cũng chỉ dừng lại ở mức chung chung, đến khi triển khai thì chồng chéo, ô nhiễm trở thành vấn đề “cha chung không ai khóc”.
Ngay cả khi việc ô nhiễm trở thành khủng hoảng, cũng không ai đứng ra xử lý. Điển hình, những ngày cuối tháng 9.2019, TP.HCM bỗng chìm trong lớp sương mù dày đặc, được nhận định là lớp không khí ô nhiễm nghiêm trọng với lượng bụi mịn đo được đã đạt mức 2.5 – mức nguy hại đối với sức khỏe con người. Cùng thời điểm đó, rất nhiều người già, trẻ em và thậm chí cả thanh niên cũng đồng loạt gặp phải các chứng bệnh liên quan đến hô hấp.
Thế nhưng các cơ quan chuyên môn như Sở TN-MT, Sở Y tế TP.HCM gần như hoàn toàn bị động. Hiện tượng sương mù bắt đầu diễn ra từ ngày 18.9 nhưng đến ngày 20.9, khi người dân lên tiếng thắc mắc, trên trang web của Sở TN-MT, Sở Y tế cũng không có bản tin thông báo nêu rõ nguyên nhân hay đưa ra những khuyến cáo về tình trạng “sương mù bẩn” này. Sau đó, Tổng cục Môi trường có tổ chức họp báo để thông tin về tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP.HCM, nhưng tất cả biện pháp cũng chỉ dừng lại ở việc khuyến cáo người dân hạn chế ra đường.
Ông Lê Hoài Nam thừa nhận thời gian qua cơ quan chức năng còn khá bị động trong việc quản lý và xử lý những sự cố liên quan ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí. Nếu được thông qua, quy định xác lập và triển khai quản lý chất lượng không khí trong địa bàn, vùng lãnh thổ sẽ được luật hóa một cách rõ ràng, chỉ rõ trách nhiệm của người thực hiện chỉ đạo, giúp việc triển khai các biện pháp khẩn cấp nhanh chóng và chủ động hơn.
Phòng bệnh hơn chữa bệnh
Ông Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam, khẳng định: Ô nhiễm không khí nghiêm trọng tại Hà Nội và TP.HCM thời gian qua là kết quả sau quá trình dài tích tụ các nguồn thải gây ô nhiễm không khí từ chính các hoạt động sinh hoạt, sản xuất hằng ngày của con người. Trong khi đó, kế hoạch phòng ngừa, ứng phó ô nhiễm chưa được chú trọng.
Theo ông Sơn, việc xác định rõ trách nhiệm của các lực lượng chức năng, các cấp từ ủy ban quốc gia, lãnh đạo cấp tỉnh, thành trong việc bảo vệ không khí, bảo vệ môi trường là cần thiết nhưng không phải chỉ ra ai có trách nhiệm thông báo mà phải giải quyết vấn đề tận gốc là phòng ngừa. Hiện nay, nguyên nhân gây ô nhiễm đã được nhận diện. Vấn đề quan trọng nhất là phải làm sao ngăn chặn, giảm thiểu, kiểm soát để những trường hợp khẩn cấp về ô nhiễm không khí không xảy ra.
“Cần có một chiến lược rõ ràng trong công tác ứng phó, phòng chống ô nhiễm không khí tại Việt Nam, phân rõ trách nhiệm từng ban, ngành, cấp lãnh đạo. Trường hợp khẩn cấp, cơ quan quản lý cần nhanh chóng xây dựng cơ sở dữ liệu đáng tin cậy, thông báo cho người dân biết phải làm gì để giảm thiểu khả năng nhiễm không khí độc. Trong thời gian tới, Bộ TN-MT cần sớm hoàn thiện hệ thống quan trắc để có đủ cơ sở đưa ra những cảnh báo sớm, phát ngôn chính thức về ô nhiễm không khí. Về lâu dài, cần một chiến lược tổng thể với sự góp sức của tất cả các bộ ngành để kiểm soát, xử lý tận gốc các nguồn phát thải gây ô nhiễm”, ông Phạm Văn Sơn đề xuất.
Ô nhiễm gây thiệt hại kinh tế 10,8 – 13,2 tỉ USD
Theo PGS-TS Đinh Đức Trường, Trưởng khoa Môi trường, biến đổi khí hậu và đô thị, ĐH Kinh tế Quốc dân, đo theo chi phí phúc lợi xã hội, mức độ sẵn sàng chi trả của người dân để giảm rủi ro chết do ô nhiễm không khí, theo thời giá 2018, ô nhiễm không khí tại Việt Nam gây ra tổn thất, thiệt hại về kinh tế khoảng 10,8 – 13,2 tỉ USD.
HÀ MAI
TNO