Dùng bụi để phát hiện sự sống ngoài Trái đất
Dùng bụi để phát hiện sự sống ngoài Trái đất
Sự sống ngoài hành tinh có lẽ phổ biến xuyên suốt vũ trụ hơn chúng ta vẫn tưởng, và có thể sinh sôi trên những thiên thể có khí quyển đầy bụi, theo giả thuyết mới của các nhà nghiên cứu.
Bụi trong không khí trên các hành tinh có vẻ như là một yếu tố chính để quyết định tình trạng khí hậu trên hành tinh đó, và liệu nơi này phù hợp để sự sống sinh sôi hay không.
Những hành tinh mà đội ngũ chuyên gia của Đại học Exeter (Anh) nghĩ đến giống như Tatooine, quê hương của nhân vật Luke Skywalker trong loạt phim bom tấn Chiến tranh giữa các vì sao.
Nói cách khác, các chuyên gia cho rằng những hành tinh có nhiều bụi không khí tạo điều kiện cho sự sống xuất hiện dù chúng ở xa sao trung tâm.
Điều này là do các màn bụi có công dụng ngăn cản nước rời khỏi hành tinh và giúp nhiệt độ không khí giảm xuống, theo báo cáo đăng trên chuyên san Nature Communications.
Làm dịu đi sự khắc nghiệt
Theo phân tích của nhóm chuyên gia Đại học Exeter, bụi thay đổi khí hậu trên các hành tinh theo hướng cho phép chúng có thể đối mặt với những điều kiện khắc nghiệt và ngặt nghèo vốn thường thấy khắp vũ trụ.
Giới thiên văn học Trái đất tìm được nhiều hành tinh xoay quanh các ngôi sao nhỏ hơn và nguội hơn mặt trời của chúng ta, chẳng hạn như các sao lùn M. Không những thế, chúng còn bị khóa chặt vào một bên với sao trung tâm, có nghĩa là một mặt hành tinh luôn là ban ngày và phần còn lại vĩnh viễn rơi vào đêm tối.
Trong trường hợp khí quyển chứa nhiều bụi, bên nóng hơn (ban ngày) sẽ dịu lại, và bên lạnh lẽo (ban đêm) sẽ ấm áp hơn.
Phát hiện mới cho phép tăng mạnh số lượng hành tinh có thể dung dưỡng sự sống và mở rộng khu vực Goldilock, chỉ khoảng cách phù hợp giữa hành tinh và sao trung tâm để sự sống có thể phát triển trên bề mặt hành tinh.
HẠO NHIÊN
TNO