23/01/2025

Cha Massimiliano Rosito, vị linh mục đã cứu Thánh Giá Chúa ở Cimabue

Cha Massimiliano Rosito, vị linh mục đã cứu Thánh Giá Chúa ở Cimabue

Thánh Giá ở Cimabue

Chiều hôm qua, ngày 9 tháng 6, tại Vương cung Thánh Đường Thánh Giá (Basilica di Santa Croce), Firenze, Thánh lễ tiễn biệt Cha Massimiliano Rosito đã được cử hành. Cha Rosito là một trong những nhân chứng cuối cùng của những ngày lụt lội đầy bi kịch vào năm 1966 tại đây. Trận lũ năm ấy đã làm hư hại rất nhiều tác phẩm nghệ thuật quý giá của khu phức hợp hoành tráng, điểm quy chiếu trong đời sống tinh thần cũng như văn hóa của thành phố Firenze và người dân nơi đây vẫn luôn tỏ lòng biết ơn sâu sắc với Cha Rosito, vị tu sĩ Phanxicô đã bất chấp dòng nước như muốn nhấn chìm mọi thứ để cứu lấy Thánh Giá Chúa.

Gặp gỡ Thiên Chúa thông qua văn hoá nghệ thuật

“Cha Massimiliano Rosito đã dành cả đời mình để gặp gỡ và giúp anh chị em mình gặp gỡ Thiên Chúa thông qua nghệ thuật và văn hoá.” Đó chính là những lời nhắc nhớ về người anh em của mình trong Thánh lễ An táng Cha Rosito của Cha Franco Buonamano, Bề trên Tỉnh dòng của Dòng Anh Em Hèn Mọn Viện Tu.

Cha Massimiliano Rosito sinh ngày 1 tháng 12 năm 1928, tại Ferrrandina, thuộc tỉnh Matera. Cha gia nhập và trở thành tu sĩ ở tuổi 21 trong Dòng Thánh Phanxicô Viện Tu, sau đó cha được thụ phong linh mục tại Roma và được thuyên chuyển đến Firenze và phục vụ tại Vương cung Thánh đường Thánh Giá. Cha đã qua đời ở tuổi 92 vào đầu giờ chiều Chúa Nhật vừa qua, tại Firenze, thành phố gắn liền với tên tuổi của cha, đặc biệt là tại Vương cung Thánh đường Thánh Giá, nơi có sự hiện hữu của cây Thánh Giá mà cha đã bất chấp dòng nước lũ để cứu lấy.

Cha Massimialiano Rosito đã làm việc tích cực để bảo tồn và phát triển những di sản văn hoá nghệ thuật của Vương cung Thánh đường. Trong những giờ phút bi thảm vào buổi sáng ngày 5 tháng 11 năm 1966, Cha là người đầu tiên đã tìm thấy Thánh Giá Chúa Kitô ở Cimabue bị xé nát bởi sự thô bạo của dòng nước lũ và cha đã cùng với những người anh em của mình làm việc cật lực để cứu những gì còn sót lại sau trận lụt đó. Tháng 12 năm 2008, Cha Rosito đã được Thị trưởng Thành phố Firenze trao tặng huân chương “Fiorino d’oro”, danh hiệu cao quý nhất của thành phố, vì những đóng góp quý giá của cha trong việc bảo tồn và phát triển di sản văn hoá, và vì những hoạt động tích cực trong việc theo dõi và xuất bản Tạp chí Città di Vita. Cuốn tạp chí vừa trở thành nơi đối thoại giữa tư tưởng triết học và thần học theo tinh thần Thánh Phanxicô và văn hoá đương đại, vừa trở thành một tài liệu tham khảo mang tính liên tục của dân cư trong thành phố, nơi chia sẻ những hoạt động và diễn giải, so sánh và đối chiếu mang tính liên văn hoá những giá trị nhân văn thông qua việc giới thiệu những tác giả – tác phẩm.

Cha Massimiliano Rosito từng là tổng biên tập và sau đó là biên tập viên của Tạp chí Città di Vita suốt từ tháng 9 năm 1964. Cha cũng chịu trách nhiệm chính cho việc thành lập bảo tàng mang tên Pietro Parigi, một người bạn lớn và một nghệ sĩ quan trọng trong làng nghề điêu khắc gỗ ở Firenze.

Hoài Thương