24/12/2024

Các Giám mục Colombia tố cáo bạo lực, đe dọa các lãnh đạo xã hội và người dân bản địa

Các Giám mục Colombia tố cáo bạo lực, đe dọa các lãnh đạo xã hội và người dân bản địa

Các Giám mục Colombia tố cáo bạo lực (AFP or licensors)

Trong những ngày vừa qua, trước tình hình căng thẳng của đất nước do những vụ tấn công bạo lực vào các lãnh đạo xã hội và người dân bản địa, qua một tài liệu về mục vụ xã hội, Hội đồng Giám mục Colombia đã lên tiếng tố cáo và yêu cầu chấm dứt ngay các hành động phi pháp này.

Gia tăng các vụ giết người

Trong tài liệu, các Giám mục chỉ cho thấy chỉ trong 4 tháng đầu năm 2020, con số vụ giết người liên quan đến nhóm người này đã gia tăng. Thực tế, đã có 8 cựu chiến binh Farc và 3 phụ nữ lãnh đạo xã hội và người bản địa của các vùng Meta và Vichada đã bị giết. Ngoài các vụ giết người, báo cáo còn tố cáo những vụ khủng bố liên tục nhắm đến các nhà lãnh đạo xã hội và các cộng đồng. Ở các đô thị, tác động của tình trạng này có liên quan đến thoả thuận hoà bình với các nhóm du kích Farc.

Đàn áp trong các cuộc biểu tình

Hình sự hoá phản kháng xã hội là một trong những mối quan tâm chính được báo cáo nhấn mạnh. Có ít nhất 5 cuộc biểu tình của công nhân chống lại các công ty dầu mỏ của Meta trong quý đầu của năm nay. Các cuộc biểu tình bùng nổ vì trong các biện pháp cách ly xã hội để ngăn chặn Covid-19, các công ty tiếp tục thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu và các hoạt động khác, khiến dân chúng bị lây nhiễm.

Tài liệu tố cáo, trong các cuộc biểu tình này, có một hành vi thái quá của lực lượng an ninh nhà nước. Các nhân viên an ninh này bắt giữ và kỳ thị các nhà lãnh đạo cộng đồng, buộc tội họ làm hư hại tài sản tư nhân, chặn đường công cộng và kích động phá hoại và khủng bố.

Người dân bản địa bị tổn thương

Tiếp theo, báo cáo cho thấy hoàn cảnh dễ bị tổn thương của người dân bản địa Amazon gia tăng, có nguy cơ bị diệt chủng, do thiếu các dịch vụ y tế hiệu quả, lãnh thổ không được công nhận, các vụ tấn công trực tiếp chống lại các quyền tập thể đối với lãnh thổ, tự chủ như các dân tộc và an ninh.

Hoà giải bao hàm công bằng xã hội

Tài liệu nhấn mạnh: “Chúng tôi ý thức rằng hoà giải không chỉ giới hạn trong thực hành tha thứ và tìm kiếm hoà bình, nhưng trái lại, hoà giải bao hàm sự tiến triển ổn định cho tất cả những ai tham gia vào cuộc sống của các lãnh thổ này và trong công bằng xã hội.” HĐGM kêu gọi chính quyền và xã hội dân sự “từ bỏ thái độ dửng dưng trước các mối đe doạ các nhà lãnh đạo xã hội” và chú ý đến nhu cầu của người dân bản địa đang trong tình trạng bị bỏ rơi và dễ bị tổn thương, không chỉ đối với mối đe dọa của đại dịch Covid-19 mà còn vì “các áp lực, bạo lực và đe dọa đến từ các lĩnh vực khác”.

Ngọc Yến