24/12/2024

6 đánh giá sai bét về COVID-19

6 đánh giá sai bét về COVID-19

Virus SARS-CoV-2 là chủng virus corona mới, nên các nhà khoa học vẫn chưa hiểu rõ hoàn toàn. Có 6 đánh giá sai bét về COVID-19 được các chuyên gia đưa ra từ đầu dịch đến nay.

 

6 đánh giá sai bét về COVID-19 - Ảnh 1.

Đội ngũ nghiên cứu ở Viện Virus học Vũ Hán (Trung Quốc) – Ảnh: AFP

Virus corona không vượt khỏi biên giới Trung Quốc?

Tại cuộc họp báo hôm 21-1, Bộ trưởng Đoàn kết và y tế Pháp Agnès Buzyn – giáo sư về huyết học, miễn dịch học về ung thư và cấy ghép – đưa ra đánh giá “nguy cơ virus corona xâm nhập vào Pháp là thấp nhưng không thể loại trừ”, đồng thời khẳng định “hệ thống y tế của chúng ta được chuẩn bị tốt”.

Bốn tháng sau, Pháp là quốc gia thứ năm có số ca tử vong nhiều hơn hết trên thế giới (29.111 ca tử vong tính đến chiều 6-6).

Virus corona không lây từ người sang người?

Đầu đại dịch, không ai chắc chắn về khả năng virus SARS-CoV-2 lây nhiễm giữa người với người.

Trong bản tin ngày 12-1, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra nhận định: “Theo điều tra dịch tễ học sơ bộ, hầu hết các trường hợp nhiễm là người buôn bán, người giao hàng hoặc người thường xuyên đến chợ bán sỉ hải sản Hoa Nam (Vũ Hán). Chính phủ Trung Quốc cho biết không có bằng chứng rõ ràng về vấn đề lây nhiễm từ người sang người”.

Đến ngày 28-1, Đức chính thức thông báo ca nhiễm từ người sang người đầu tiên ở châu Âu.

COVID-19 chỉ là cúm nhẹ?

Đầu tháng 2-2020, giáo sư Didier Raoult – giám đốc Viện nghiên cứu Bệnh viện đại học (IHU) – bệnh truyền nhiễm Địa Trung Hải ở Marseille (Pháp) – giải thích trên kênh truyền hình BFM-TV rằng “không có lý do gì để sợ” virus SARS-CoV-2 vì virus này “không quá dữ dằn”.

Giáo sư Didier Raoult là một nhà chuyên môn đang gây nhiều tranh cãi ở Pháp dù nhiều người cũng nhận định ông là một trong những chuyên gia giỏi.

Đến ngày 10-3, trên các mạng xã hội vẫn lan truyền thông tin COVID-19 chỉ là đợt cảm cúm bộc phát mạnh.

Giáo sư Gilles Pialoux – trưởng khoa các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới tại Bệnh viện Tenon (Paris) – kể với báo Libération: “Khi bệnh nhân Trung Quốc đầu tiên được chẩn đoán dương tính với virus corona, một đồng nghiệp đã nói với tôi rằng đừng quên nói với các cô y tá đây là bệnh cúm nhẹ! Bây giờ anh ta là một trong những người lo lắng nhất”.

6 đánh giá sai bét về COVID-19 - Ảnh 2.

Chỉ đến khi nhiều bệnh nhân bị trở bệnh nặng nhanh chóng và phổi bị “phá nát” thì các nhà chuyên môn mới nhận ra mình đối mặt với chủng virus không đơn giản – Ảnh: REUTERS

Không cần thiết phải mang khẩu trang?

Ngày 26-2, Bộ trưởng Đoàn kết và y tế Pháp Olivier Véran (tiến sĩ thần kinh học) đánh giá: “Hôm nay cũng như ngày mai, một người không có triệu chứng đi đến nơi công cộng hay đi lại bằng phương tiện giao thông công cộng thì không cần mang khẩu trang. Điều đó không cần thiết”.

Một tháng sau, người phát ngôn Chính phủ Pháp Sibeth Ndiaye tuyên bố: “Không cần phải mang khẩu trang khi tôn trọng khoảng cách bảo vệ với những người khác”.

Những tuyên bố như thế xuất hiện vào thời điểm Chính phủ Pháp đang đối phó với tình trạng thiếu khẩu trang và ưu tiên phân phối khẩu trang cho các nhân viên y tế.

Sau đó thì chính phủ đã quay ngoắt 180 độ. Đầu tháng 4, Tổng cục trưởng Tổng cục Y tế Pháp (Bộ Đoàn kết và Y tế) Jérôme Salomon nhấn mạnh: “Chúng tôi khuyến khích công chúng, nếu họ muốn nên mang… luân phiên khẩu trang đang được sản xuất”.

Từ đó, mang khẩu trang trở thành yêu cầu bắt buộc trên các phương tiện giao thông công cộng và một số địa điểm.

6 đánh giá sai bét về COVID-19 - Ảnh 3.

Tại Pháp, bắt buộc phải mang khẩu trang khi đi trên các phương tiện giao thông công cộng – Ảnh: AFP

Trẻ em là nguồn lây nhiễm tiềm năng?

Giữa tháng 4, giáo sư Robert Cohen – chuyên gia bệnh truyền nhiễm trẻ em – trao đổi với báo Ouest-France: “Là bác sĩ đa khoa hoặc nhi khoa, tất cả chúng tôi đều nghĩ rằng COVID-19 chủ yếu do trẻ em nhiễm và lây truyền ngay cả khi các em không mắc bệnh như nhiều chủng virus đường hô hấp khác. Với giả thuyết như thế, đóng cửa trường là điều đương nhiên để ngăn chặn virus lây nhiễm”.

Đến ngày 4-6, giáo sư Robert Cohen công bố nghiên cứu trên 605 trẻ em ở vùng Île-de-France (Pháp) do ông cùng 26 bác sĩ nhi thực hiện. Nghiên cứu cho thấy trẻ em ít lây nhiễm COVID-19 hơn người lớn.

Ở Île-de-France (vùng bị nhiễm COVID-19 nhiều nhất của Pháp), chỉ có 0,6% trẻ em bị nhiễm. 90% trường hợp là người lớn lây cho trẻ em.

Theo giáo sư Robert Cohen, trẻ em được bảo vệ nhiều hơn người lớn vì nhiễm nhiều loại virus corona khác (miễn dịch chéo) và trên niêm mạc mũi có ít thụ thể virus hơn.

Do các em còn nhỏ, những giọt bắn không đến được người lớn. Các em cũng khó nhiễm hơn vì sổ mũi thường xuyên hơn.

Ibuprofen nguy hiểm với virus corona?

“Thuốc giảm đau chống viêm Ibuprofen có thể là tác nhân làm tăng nặng tình trạng nhiễm trùng” ở bệnh nhân COVID-19. Ngày 14-3, Bộ trưởng Đoàn kết và y tế Olivier Véran lại cảnh báo như thế trên tài khoản Twitter.

Trong khi đó, các nhà khoa học Anh đang thử nghiệm xem liệu thuốc Ibuprofen có thể giúp bệnh nhân nhiễm COVID-19 hay không. Họ tin rằng Ibuprofen vừa chống viêm và giảm đau vừa  có thể điều trị bệnh hô hấp.

Trong khi đó, Ủy ban Dược phẩm dành cho người của Anh (CHM) đã nghiên cứu và kết luận: tương tự như paracetamol, thuốc Ibuprofen không gây nguy hiểm đối với người nhiễm COVID-19. Hai loại thuốc này đều hạ sốt và giảm triệu chứng cúm.

HOÀNG DUY LONG
TTO