ĐTC Phanxicô: Không thể im lặng khi trái đất bị cướp phá
Trong sứ điệp nhân Ngày Môi trường Thế giới gửi đến Tổng thống Ivan Duque Marquez của Colombia ngày 05/06, Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng chúng ta không nên im lặng khi sự đa dạng sinh học đang bị đe dọa bởi sự huỷ diệt và khai thác.
Colombia được chọn là nước chủ nhà tổ chức Ngày Môi trường Thế giới năm 2020, nhưng do đại dịch virus corona, sự kiện được tổ chức online. Chủ đề năm nay là sự đa dạng sinh học.
Đức Thánh Cha viết: “Chăm sóc cho các hệ sinh thái đòi hỏi nhìn về tương lai, một điều không chỉ liên quan đến thời điểm trước mắt hoặc tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng và dễ dàng, mà là quan tâm đến cuộc sống và tìm kiếm sự bảo tồn của nó vì lợi ích của tất cả.”
Vì thế, Đức Thánh Cha kêu gọi: “Chúng ta không thể im lặng khi nhận ra cái giá rất cao của việc phá huỷ và khai thác hệ sinh thái. Đây không phải là lúc tiếp tục quay nhìn theo hướng khác, thờ ơ với những dấu hiệu cho thấy hành tinh của chúng ta đang bị cướp bóc và bị xâm phạm bởi lòng tham lợi nhuận, thường nhân danh sự tiến bộ.”
Chúng ta không thể giả vờ khoẻ mạnh trong một thế giới bị bệnh
Ngài khẳng định: “Việc bảo vệ môi trường và tôn trọng sự đa dạng sinh học của trái đất là những vấn đề ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Chúng ta không thể giả vờ khỏe mạnh trong một thế giới bị bệnh. Những vết thương giáng xuống đất mẹ là những vết thương cũng chảy máu trong chúng ta.”
Xây dựng một thế giới lành mạnh và tốt hơn
Cuối cùng, Đức Thánh Cha mời gọi các tham dự viên tham gia Năm Laudato Si’ và nói rằng việc xây dựng một thế giới lành mạnh và tốt hơn để trao lại cho các thế hệ tương lai hoàn toàn là do chúng ta, nếu chúng ta muốn.
Colombia được biết đến như một quốc gia vô cùng đa dạng, chứa gần 10% sự đa dạng sinh học Trái đất. Với cả rừng mưa nhiệt đới Amazon và khu vực địa sinh học Chocó, Colombia là nơi có số lượng loài chim và phong lan nhiều nhất trên thế giới. Tuy nhiên, phá rừng đã đe doạ hệ sinh thái đa dạng của Colombia trong những năm gần đây khi ngành công nghiệp dầu cọ và ca cao của nước này được mở rộng. Theo Bộ Môi trường của Colombia, từ năm 1990, nước này đã mất hơn 37.000 km2 rừng.(CSR_4340_2020)