Nồng độ khí thải nhiều nơi tăng kỷ lục trở lại
Nồng độ khí thải nhiều nơi tăng kỷ lục trở lại
Ngày môi trường thế giới (5-6) năm nay đến giữa lúc các quốc gia đang ‘căng mình’ chống dịch COVID-19. Dịch bệnh phức tạp khiến nhiều người không để ý môi trường đang chịu nhiều áp lực.
Theo số liệu từ Chính phủ Mỹ, nồng độ khí thải CO2 trên khí quyển Trái đất tại nhiều nơi vẫn tăng cao kỷ lục trong tháng 5.
Con số này khiến nhiều người ngạc nhiên khi đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp ở nhiều nơi, trong khi không ít quốc gia đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp giãn cách để phục hồi kinh tế.
Nghiên cứu được Cơ quan Khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) và Viện Hải dương học Scripps của Đại học California San Diego đồng thực hiện.
Theo đó, nồng độ CO2 tại Đài quan sát Mauna Loa ở Hawaii (Mỹ) trong tháng 5 là 417ppm, cao hơn mức kỷ lục 414,8ppm năm 2019. Nhóm cũng cho biết, phải mất tới 6 – 12 tháng giãn cách xã hội, nồng độ CO2 tại đây mới có thể giảm từ 20 – 30%.
Trước đó, nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Climate Change ước tính khí thải trên toàn cầu có thể giảm tới 7% năm 2020. Tuy nhiên theo TS Pieter Tans – phòng giám sát khí thải gây hiệu ứng nhà kính của NOAA, dù lượng khí thải có thể giảm nhẹ, mật độ CO2 vẫn tăng.
Nhóm nghiên cứu lý giải dù lượng khí thải toàn cầu đã giảm 26% trong giai đoạn cao điểm dịch COVID-19, nhưng không thể bù được cho lượng carbon mà cây trồng và đất thải ra khi phản ứng với nhiệt độ, độ ẩm và nhiều yếu tố khác.
Năm 2020, Ngày môi trường thế giới được Liên Hiệp Quốc lựa chọn chủ đề là “Hành động vì thiên nhiên”. Theo đó, Liên Hiệp Quốc khuyến khích các quốc gia cam kết bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, thông qua các hoạt động nhằm phục hồi những hệ sinh thái đang bị tác động nghiêm trọng.
Một số nhiệm vụ khác mà Liên Hiệp Quốc đặt ra như ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, bảo vệ tài nguyên nước. Liên Hiệp Quốc kêu gọi sự đoàn kết của nhiều các quốc gia trong giải quyết vấn đề môi trường vì tương lai chung của Trái đất.
Theo Independent, Ngày môi trường thế giới năm nay đến giữa lúc nhiều nơi trên Trái đất đang “căng mình” chống dịch COVID-19. Tình hình dịch bệnh phức tạp khiến nhiều người không để ý môi trường đang chịu nhiều áp lực: những trận cháy rừng kinh hoàng tại Mỹ, Brazil, Úc; những đàn châu chấu khổng lồ phá hoại hoa màu châu Phi; những vùng san hô chết hàng loạt tại bờ biển nước Úc…
Liên Hiệp Quốc ước tính khoảng 1 triệu loài động thực vật đang bên bờ vực tuyệt chủng. Tốc độ tuyệt chủng không đồng nhất ở nhiều nơi nhưng ngày càng có xu hướng gia tăng.