23/01/2025

Dịch bớt căng, ô nhiễm không khí lập tức quay trở lại Trung Quốc, châu Âu

Dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) cho thấy ô nhiễm không khí ở Trung Quốc đã quay trở lại bằng mức trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Dịch bớt căng, ô nhiễm không khí lập tức quay trở lại Trung Quốc, châu Âu

Dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) cho thấy ô nhiễm không khí ở Trung Quốc đã quay trở lại bằng mức trước khi dịch COVID-19 bùng phát.

Dịch bớt căng, ô nhiễm không khí lập tức quay trở lại Trung Quốc, châu Âu - Ảnh 1.
Giao thông đông đúc ở Bắc Kinh, Trung Quốc – Ảnh: AFP
Khi dịch COVID-19 bùng phát và cả thế giới phải cách ly, phong tỏa, chất lượng không khí đã được cải thiện. Các chuyên gia kêu gọi hành động để giúp duy trì chất lượng không khí tốt như vậy khi các thành phố mở cửa trở lại.

Nhưng dữ liệu từ Trung tâm Nghiên cứu năng lượng và không khí sạch (CREA) cho thấy nồng độ bụi mịn (PM2.5) và NO2 trên khắp Trung Quốc đang trở lại mức bằng với trước khi bùng phát dịch.

Vào thời điểm dịch bệnh đang đỉnh điểm, nồng độ NO2 ở nước này đã giảm 38% so với năm 2019 và mức bụi mịn PM2.5 cũng giảm 34%.

Lauri Myllyvirta, nhà phân tích của CREA, cho biết công nghiệp nặng đã nhanh chóng phục hồi sau khủng hoảng so với phần còn lại của nền kinh tế. Nhưng các nhà hoạch định chính sách cần ưu tiên năng lượng sạch.

Tập đoàn năng lượng Wood Mackenzie dự đoán nhu cầu dầu của Trung Quốc sẽ phục hồi ở mức bình thường trong quý II-2020.

Tại Vũ Hán, thành phố trung tâm của dịch bệnh ở Trung Quốc, nồng độ NO2 từng giảm một nửa so với năm ngoái, nhưng hiện chỉ thấp hơn năm ngoái 14%. Nồng độ NO2 ở Thượng Hải thậm chí cao hơn năm ngoái 9%.

Ở châu Âu, dữ liệu từ Dịch vụ giám sát khí quyển Copernicus (CAMS) theo dõi ô nhiễm tại 50 thành phố châu Âu cho thấy 42 trong số đó ghi nhận mức NO2 dưới mức trung bình vào tháng 3. London và Paris giảm tới 30% NO2, một chất gây ô nhiễm chủ yếu sản sinh từ xe chạy dầu diesel.

Các thành phố ở châu Âu tuy trong lành hơn vào mùa dịch, nhưng được dự đoán có khả năng sớm ô nhiễm trở lại, theo báo Guardian.

Gary Fuller, chuyên gia về ô nhiễm không khí tại Kings College, London, kêu gọi Liên Hiệp Quốc và các nhà vận động môi trường kêu gọi các chính phủ đầu tư vào tương lai thay vì quá khứ để sự phục hồi của môi trường trong thời gian qua mang tính bền vững.

Ô nhiễm không khí liên quan đến tổn thương tim, phổi và nhiều bệnh khác, bao gồm tiểu đường. Nó có khả năng ảnh hưởng hầu như mọi cơ quan trong cơ thể.

Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy tiếp xúc với không khí bẩn mang lại nguy cơ tử vong cao hơn tiếp xúc với virus corona. Điều này khiến nhiều nước kêu gọi giữ ô nhiễm không khí ở mức thấp để tránh nguy cơ làn sóng COVID-19 thứ hai ập tới.

MINH KHÔI

Nguồn: TTO