ĐTC Phanxicô: Chúa Giêsu thiết lập Giáo hội bằng sự tha thứ
Do đại dịch, từ Chúa nhật 08/3, buổi đọc Kinh Truyền Tin của Đức Thánh Cha với các tín hữu và du khách hành hương không diễn ra tại cửa sổ Dinh Tông Toà như thường lệ, nhưng được chuyển vào Thư viện cũng của Dinh Tông Toà. Và hôm Chúa Nhật 31/5, Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Đức Thánh Cha đã xuất hiện tại cửa sổ để đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với các tín hữu. Cũng như mọi lần, trước khi đọc kinh, Đức Thánh Cha có bài huấn dụ ngắn.
Lời chào “Bình an cho anh em” biểu lộ sự tha thứ
Đức Thánh Cha bắt đầu như sau: “Hôm nay chúng ta cử hành Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, tưởng nhớ sự tuôn tràn của Chúa Thánh Thần xuống trên Cộng đoàn Kitô tiên khởi. Tin Mừng hôm nay (Ga 20,19-23) đưa chúng ta trở lại buổi chiều Phục Sinh và tỏ cho chúng ta thấy Chúa Giêsu sống lại hiện ra với các môn đệ trong lúc các ông đang tụ họp trong một căn phòng cửa đóng kín vì sợ người Do Thái. Chúa Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói ‘Bình an cho anh em!’ (c. 19). Những lời loan báo đầu tiên ‘Bình an cho anh em’ của Đấng Phục Sinh không chỉ là một lời chào đơn giản nhưng biểu lộ sự tha thứ vì các môn đệ đã từ bỏ Chúa trong Cuộc Khổ nạn. Đây là những lời hoà giải và tha thứ. Chúa Giêsu trao ban chính bình an của Người cho các môn đệ đang sợ hãi, cảm thấy khó tin về những gì đã thấy về ngôi mộ trống, về những lời của bà Maria Madalêna và của những phụ nữ khác. Chúa Giêsu tha thứ và ban bình an cho những người bạn của Người.”
Chúa Giêsu thiết lập Giáo hội bằng sự tha thứ
Đức Thánh Cha nói tiếp: “Chúa Giêsu thiết lập Giáo hội bằng sự tha thứ và tập hợp các môn đệ xung quanh Ngài. Đó là một cộng đoàn được hòa giải và sẵn sàng cho sứ vụ. Cuộc gặp gỡ với Chúa Phục Sinh đã làm đảo lộn cuộc sống các Tông đồ và biến đổi các ông trở thành những chứng nhân can đảm. Thực tế, Chúa nói ngay lập tức sau đó: ‘Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.’ (c. 21). Những lời này giúp chúng ta hiểu rằng các Tông đồ được sai đi mở rộng sứ vụ mà Chúa Cha đã giao phó cho Chúa Giêsu.”
Niềm vui Phục Sinh mở ra với mọi người
Theo Đức Thánh Cha khi Chúa Giêsu nói “Thầy sai anh em”, Chúa muốn nhắn nhủ rằng: Giờ đây không phải là lúc để đóng kín cõi lòng, cũng không phải là lúc hối tiếc “những tháng ngày đẹp” đã qua với Thầy. Niềm vui vĩ đại Phục Sinh là một niềm vui không giữ cho riêng mình nhưng mở ra với mọi người. Trong các Chúa Nhật Phục Sinh, chúng ta đã nghe tường thuật bài Tin Mừng của ngày hôm nay, tiếp theo là cuộc gặp gỡ của Đấng Phục Sinh với hai môn đệ Emmaus, rồi Mục Tử Nhân Lành, các bài diễn văn tạm biệt và lời hứa ban Thánh Thần: Tất cả nhằm củng cố đức tin cho các môn đệ và cho chúng ta trong sứ vụ.
Đức Thánh Cha giải thích tiếp: “Chính vì sự sống động trong công cuộc loan báo Tin Mừng, Chúa Giêsu đã ban Thánh Thần cho các Tông đồ: Người thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.’ (c. 22). Chúa Thánh Thần là ngọn lửa đốt cháy tội lỗi và tạo ra những con người mới; với ngọn lửa tình yêu này, các môn đệ sẽ ‘đốt cháy’ thế giới.”
Ơn Kính Sợ: tin vào sự hiện diện và nâng đỡ của Chúa
Tới đây, Đức Thánh Cha nói về Bảy ơn Chúa Thánh Thần: “Trong Bí tích Thánh Tẩy và Thêm Sức chúng ta đã lãnh nhận Chúa Thánh Thần cùng với các ơn của Người: Ơn Khôn Ngoan, Ơn Hiểu Biết, Ơn Biết Lo Liệu, Ơn Sức Mạnh, Ơn Thông Minh, Ơn Đạo Đức, Ơn Kính Sợ Thiên Chúa.” Đức Thánh Cha nhấn mạnh về Ơn Kính Sợ Chúa: Ơn Kính Sợ này hoàn toàn trái ngược với sự sợ hãi đã làm cho các môn đệ tê liệt trước kia. Đây là tình yêu dành cho Thiên Chúa, tin chắc vào lòng thương xót và sự tốt lành của Thiên Chúa, là niềm tin tưởng phó thác đi theo sự chỉ dẫn của Chúa, tin vào sự hiện diện và nâng đỡ của Chúa.
Lễ Chúa Thánh Thần làm mới lại trong chúng ta, ý thức sự hiện diện sống động của Thánh Thần. Thánh Thần ban cho chúng ta can đảm để ra khỏi những bức tường bảo vệ của những căn phòng đóng kín, không ở yên trong một cuộc sống yên tĩnh hoặc giam mình trong những thói quen khô cằn.
Đức Thánh Cha kết thúc với lời cầu nguyện, xin Đức Maria rất Thánh, nhân vật chính của Cộng đoàn Tiên khởi, Cộng đoàn của sự trải nghiệm tuyệt vời của Lễ Ngũ Tuần, và chúng ta cùng cầu nguyện để Giáo hội luôn khát khao cho sứ vụ loan báo Tin Mừng.