19/11/2024

Cần tính toán sức chứa để giữ tài nguyên bền vững

Cần tính toán sức chứa để giữ tài nguyên bền vững

Theo TS Nguyễn Thu Thuỷ (ảnh, Khoa Du lịch Trường ĐH KHXH-NV, ĐH Quốc gia Hà Nội), đã đến lúc cần tính đến sức chứa tại các điểm du lịch di sản để giữ tài nguyên bền vững.
Hang Sửng Sốt trong vịnh Hạ Long, nơi có nhiều thạch nhũ độc lạ
Hang Sửng Sốt trong vịnh Hạ Long, nơi có nhiều thạch nhũ độc lạ
Cần tính toán sức chứa để giữ tài nguyên bền vững - ảnh 1

Ảnh: NVCC

Tại hội nghị về kích cầu du lịch vừa qua do Tổng cục Du lịch tổ chức, các chuyên gia có nói đến việc xây dựng một nền du lịch mới hậu Covid-19. Theo bà, nền du lịch mới này có nên tính đến sức chứa của các khu di sản làm du lịch không?
Thực ra, các nhà nghiên cứu vẫn đều đặn nói về vấn đề sức chứa. Chỉ có điều, các ban quản lý, các điểm du lịch lại không quan tâm nhiều lắm, nhất là những điểm du lịch để cho tư nhân đấu thầu. Chẳng hạn, điểm Tràng An (Ninh Bình) có thể coi như tư nhân đấu thầu. Hướng dẫn viên du lịch theo quy định được miễn phí vé tham quan các điểm du lịch, nhưng riêng Tràng An, họ một mình một kiểu, không miễn phí…
Trong khi đó, việc tính đến sức chứa lại giữ sức bền cho tài nguyên du lịch phải không, thưa bà?
Cũng có những điểm du lịch lại rất chú trọng vấn đề về sức chứa như Công ty Oxalis Adventure – đơn vị khai thác Sơn Đoòng (Quảng Bình). Những đơn vị làm du lịch lớn thường có tư duy về trách nhiệm, do đó sẽ rất quan tâm đến vấn đề sức chứa. Họ chỉ bán ra một lượng vé nhất định trong năm.
Hoặc điểm du lịch Machu Picchu ở Peru chẳng hạn, họ lại có quy định vé theo giờ. Chẳng hạn, họ bán vé từ 9 – 11 giờ, có nghĩa khách du lịch vào điểm đó sau 9 giờ và ra trước 11 giờ. Vé bán đến lượng nhất định thì dừng lại. Khách mua sau sẽ phải mua sang khung giờ khác. Điều này đảm bảo trên đỉnh Machu Picchu chỉ có từng đó con người, không nhiều hơn. Nhiều đơn vị trên thế giới có biện pháp quản lý lượng người tham quan như vậy, còn Việt Nam thì chưa.
Liệu chúng ta có nên dựng những hàng rào kỹ thuật về âm thanh hay không khi nhiều người than phiền về ô nhiễm tiếng ồn ở Cẩm Thanh (Hội An) với loa to nhạc lớn, thưa bà?
Thực ra, chỉ vài điểm du lịch có ô nhiễm tiếng ồn. Loa cầm tay của hướng dẫn viên thường không phát được những âm thanh quá lớn, nhưng một số điểm họ lại bật loa để nghe nhạc thư giãn, đương nhiên là sẽ ô nhiễm tiếng ồn. Nó cũng có vênh giữa sở thích của du khách. Chẳng hạn, khách Việt thích ồn ào thì thích loại nhạc nhảy, khách châu Âu lại thích ngắm cảnh nên sẽ dẫn đến “xung đột” do nhu cầu khác nhau.
PGS-TS Trần Tân Văn, Viện trưởng Viện Địa chất khoáng sản, cho biết ở Hạ Long đang có nghiên cứu về thực vật đèn. Đó là điều chúng ta ít quan tâm, nhưng lại quá nguy hiểm?
Đúng là có những loại thực vật như thế. Hồi đoàn phim Mỹ vào làm phim Kong: Skull Island tại VN, họ cũng định quay ở Sơn Đoòng. Sau đó, do thấy rằng sẽ phải mang quá nhiều đèn vào rừng, vào hang, nên họ dừng lại. Họ thấy điều này có thể gây tổn hại cho thế giới tự nhiên trong Sơn Đoòng nên họ dừng lại và chuyển qua quay tại Ninh Bình.
Theo bà, vậy nên dựng những hàng rào kỹ thuật nào?
Thứ nhất, vấn đề môi trường, nước thải đương nhiên phải có những hàng rào kỹ thuật rồi. Thứ hai là vấn đề sức chứa, âm thanh, ánh sáng cũng rất cần. Tuy nhiên, vấn đề là nếu cùng lúc ta đưa ra quá nhiều quy định thì sẽ khó làm. Theo tôi, cần ưu tiên thứ tự đưa ra quy định. Chẳng hạn, cái gì gây tổn hại nhiều thì mình làm quy định trước để giải quyết trước. Chúng ta cũng cần tạo điều kiện cho phát triển, chứ nếu quá nghiêm ngặt sẽ khó. Đấy là câu chuyện cân đối giữa bảo tồn và phát triển.
NGỮ YÊN
TNO