23/01/2025

Quỹ khẩn cấp do Đức Thánh Cha thành lập đáp ứng nhu cầu thực tế của các Giáo hội địa phương

Quỹ khẩn cấp do Đức Thánh Cha thành lập đáp ứng nhu cầu thực tế của các Giáo hội địa phương

Umzimkulu

Quỹ Khẩn cấp Covid-19 do Đức Thánh Cha thành lập tại các Hội Giáo hoàng Truyền giáo (POM) để hỗ trợ các Giáo hội địa phương đã được gửi đến một số quốc gia ở Châu Á, Châu Phi và Châu Mỹ Latinh, đáp ứng nhu cầu thực tế của các Giáo hội địa phương.

Tại Pakistan, tiền trợ cấp đã được trao cho tất cả các giáo phận để giúp đỡ các cộng đoàn Kitô hữu nghèo. Thực tế, phần lớn những người này sống dưới mức nghèo khổ, và trong thời gian cách ly họ không có đủ thực phẩm để dùng hằng ngày.

Ở Dhaka, thủ đô Bangladesh có mật độ dân số cao, đa số là người di dân đến thành phố để tìm việc tại các gia đình. Với biện pháp cách ly xã hội do chính phủ ban hành, phần lớn những người này không thể có được những nhu cầu cơ bản. Tổng giáo phận đã lập một quỹ và kêu gọi tất cả các cộng đoàn, các giáo xứ trợ giúp các gia đình.

Tại Liberia, trong Giáo phận Cape Palmas, các khoản trợ cấp sẽ giúp các nhân viên mục vụ. Trong Giáo phận Gbarnga, hai nhu cầu mục vụ cấp bách được Quỹ hỗ trợ: giúp các linh mục và các giáo lý viên, và giúp đài phát thanh của giáo phận thực hiện các chương trình phát thanh về virus corona.

Trong Giáo phận Francistown, Botswana, một khu vực truyền giáo đầu tiên, đại dịch đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động mục vụ của các cộng đoàn Công giáo. Quỹ khẩn cấp được sử dụng để đảm bảo hoạt động của ban thư ký và mục vụ giáo phận, cũng như trợ giúp các hoạt động mục vụ tại 6 giáo xứ thuộc khu vực nông thôn.

Tại Giáo phận Umzimkulu, Nam Phi, đại dịch đã ảnh hưởng đến cuộc sống của dân chúng, hoạt động mục vụ và tình hình kinh tế của các giáo xứ và tổ chức Giáo hội, chủ yếu nằm ở khu vực nông thôn. Do đó, hỗ trợ từ Quỹ sẽ giúp các giáo xứ và cộng đoàn tôn giáo về các nhu cầu cơ bản của họ.

Tại Marốc, Quỹ khẩn cấp Covid-19 được dùng để giúp cộng đoàn các các nữ đan sĩ Clarisse thuộc Đan viện Đức Mẹ Guadalupe ở Casablanca. Trước đại dịch, nhờ làm bánh lễ và thực phẩm cung cấp cho các nhà hàng, năm nữ đan sĩ Clarisse, người Mexicô, có thể tự lo về mặt kinh tế, nhưng đại dịch đến, các chị gặp rất nhiều khó khăn. (Fides 26/5/2020)

Ngọc Yến