TP.HCM ‘khát’ công viên
TP.HCM ‘khát’ công viên
Trước thực trạng công viên trên địa bàn TP.HCM quá thiếu, nhếch nhác và phân bố không đều, Sở Xây dựng TP.HCM đã có tờ trình phát triển thêm 650 ha công viên.
Vừa thiếu vừa bị xà xẻo
Theo Báo cáo về hiện trạng quy hoạch xây dựng công viên trên địa bàn TP của Sở Xây dựng, với tốc độ đô thị hóa ngày càng lớn, dân số cơ học mỗi năm tăng thêm 1 triệu người thì số lượng, chỉ tiêu công viên, cây xanh tại TP.HCM chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân và yêu cầu cơ bản của một đô thị phát triển hiện đại.
Theo quy hoạch, diện tích cây xanh trên bình quân đầu người khoảng 6 – 7 m2/người, nhưng hiện chỉ mới đạt 0,5 m2/người; tổng diện tích cây xanh so với nhu cầu chỉ đạt 8%. Các khu đô thị mới được quy hoạch có phần diện tích cho cây xanh tương ứng với chỉ tiêu 7 m2/người, nhưng thực tế đạt 0,5 m2/người.
Tính đến cuối năm 2018, TP có khoảng 500 ha đất công viên (369 công viên bao gồm các công viên công cộng và các công viên trong khu nhà ở), diện tích đất công viên đạt bình quân 0,55 m2/người (quy mô dân số 10 triệu người), chưa bằng 1/15 theo tiêu chuẩn TCVN (12 – 15 m2/người) và chưa bằng 1/7 theo quy hoạch của Thủ tướng (Quyết định 24 ban hành ngày 6.1.2010).
Bên cạnh đó, phân bố công viên trên địa bàn TP không đều và bất hợp lý. Các quận nội thành, trung tâm là nơi có số lượng, diện tích công viên lớn hơn các quận mới, các huyện ngoại thành dù khu vực này có quỹ đất công viên cây xanh rất lớn. Điển hình, các quận huyện: 9, 12, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh chưa có một công viên công cộng nào.
Ngoài ra, đa số các công viên đều được đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác với thời gian đã rất lâu, cơ bản hạ tầng xuống cấp; công tác quản lý vẫn thực hiện theo kiểu cũ, không bám chặt vào mục tiêu công cộng mà chỉ hướng tới lợi ích riêng, cục bộ dẫn đến tình trạng nhếch nhác, chật hẹp thêm.
Đơn cử, công viên 23 tháng 9 (Q.1), 1 trong 3 “lá phổi” lớn nhất khu vực nội thành, thì suốt thời gian dài bị các công trình xây dựng phục vụ hoạt động mua sắm, ăn uống, dịch vụ, giải trí… chiếm tới gần nửa diện tích trong hơn 9 ha của công viên. Giữa năm ngoái, UBND TP đã yêu cầu các đơn vị liên quan chấm dứt hợp đồng kinh doanh, trả mặt bằng để thực hiện chỉnh trang, cải tạo công viên này kết nối với tuyến metro số 1.
|
Tại công viên Phú Lâm (Q.6), một phần diện tích công viên bị “cắt” để cho thuê dịch vụ nhà hàng tiệc cưới Sun Palace và câu lạc bộ khiêu vũ nghệ thuật. Một diện tích lớn được cho thuê làm khu vui chơi trẻ em. Công viên văn hóa Lê Thị Riêng (Q.10) thì phần lớn diện tích đã được “xẻ thịt” làm dịch vụ như cho thuê làm sân khấu ca nhạc Hoàn Vũ và nhà sách, siêu thị…
Bài học từ Singapore
Lãnh đạo một công ty bất động sản cho rằng TP cần có một nguồn vốn dành riêng cho việc phát triển công viên công cộng và đặt mục tiêu mỗi năm phát triển tối thiểu 10 – 20 ha đất công viên. Đối với những công viên công cộng kêu gọi xã hội hóa, cần quy hoạch việc xây dựng xen cài các loại hình khai thác phù hợp với công viên như: khu vui chơi có thu phí; khu vực triển lãm, trưng bày hoa cảnh, cảnh quan chuyên đề.
Theo kiến trúc sư Trần Tuấn, ngay gần Việt Nam, Singapore có cảnh quan đô thị văn minh, hiện đại và “thân thiện môi trường”. Để có được kết quả như ngày nay, trước hết là nhờ vào quy hoạch tổng thể 1/5.000 có từ năm 1971 và được thực hiện xuyên suốt cho đến nay.
Ngoài ra, Singapore thực hiện liên hoàn các chiến lược như: “vườn trong phố”, “vườn tường”, “vườn mái”, “vườn ở bất cứ đâu”… Chính vì vậy, Singapore đang được che phủ mật độ cây xanh thuộc hạng cao nhất thế giới với 350 công viên, khu vườn với nhiều tính chất khác nhau và có đường kết nối từ công viên này sang công viên kia.
Ở nhà dân, Singapore khuyến khích công ty thiết kế, kiến trúc sư thiết kế các mô hình vườn trên sân thượng. Để quản lý, bảo trì công viên, nước này khuyến khích người dân không chỉ đến vui chơi, giải trí mà có thể tham gia trồng cây, chăm sóc cây xanh. Đối với các khu đất trống chưa sử dụng, nếu là đất công, chính phủ Singapore sẽ bỏ kinh phí trồng cây. Nếu đất trống là của doanh nghiệp, luật quy định các nhà đầu tư trong khi chưa làm dự án phải trồng cỏ phủ toàn bộ khu đất.
“Để có kinh phí duy trì, trong các công viên có cho mở cửa hàng bán dụng cụ liên quan đến thể thao, hoạt động thể chất ngoài trời. Việt Nam có thể áp dụng cách làm của Singapore”, kiến trúc sư Trần Tuấn cho biết.
Chia sẻ kinh nghiệm, đô thị gia Frédéric Auclair (Pháp) cho biết có thể tìm kiếm hỗ trợ từ khu vực kinh tế tư nhân, một phần từ ngân sách hoặc hợp tác công tư trong việc xây dựng công viên cây xanh. Ở Paris, nhiều nhà đầu tư tư nhân mua lại đất công viên của TP để quản lý.
“Cần thống nhất tư duy mảng xanh là tài sản của TP, cần phải phát triển song song với quỹ đất và đầu tư cho cây xanh, công viên nên là ưu tiên số 1 trong các khoản đầu tư”, chuyên gia Frédéric Auclair nhấn mạnh.
Sẽ có thêm 650 ha công viên
Trước tình trạng thiếu trầm trọng diện tích cây xanh, mới đây Sở Xây dựng TP đã có tờ trình gửi UBND TP phê duyệt chương trình phát triển công viên và cây xanh công cộng giai đoạn 2020 – 2030. Theo đó, 5 năm tới sẽ phấn đấu tăng 150 ha đất công viên công cộng, nâng tỷ lệ đất công viên trên đầu người lên 0,65 m2/người. Đến giai đoạn 2026 – 2030, đất công viên công cộng đạt bình quân đầu người 1 m2/người (tăng thêm 450 ha đất công viên so với năm 2020). Đối với cây xanh, trồng mới và cải tạo 50.000 cây.
Theo ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP, để đạt mục tiêu trên, Sở đã đưa ra nhiều nhóm giải pháp. Đối với các khu đất được quy hoạch công viên trong các đồ án quy hoạch thực hiện rà soát, lập danh mục, cập nhật về nguồn gốc toàn bộ các khu đất được quy hoạch công viên. Tùy theo tính chất của từng khu đất sẽ đề xuất việc lập dự án xây dựng hoặc kêu gọi đầu tư. Đối với các nhà máy, nhà xưởng trong khu dân cư hiện hữu sẽ di dời ra khu vực phù hợp. Đồng thời điều chỉnh chức năng các khu đất này thành công viên, vườn hoa. Hạn chế việc điều chỉnh, chuyển đổi đất công viên công cộng sang các loại đất khác.
TP.HCM sẽ xây dựng chính sách khuyến khích xã hội hóa việc đầu tư xây dựng đối với những công viên công cộng có quy mô lớn trên 10 ha, quy hoạch xây dựng xen cài các loại hình khai thác phù hợp như: khu vui chơi có thu phí; khu vực triển lãm, trưng bày hoa cảnh, cảnh quan chuyên đề; khu dịch vụ thể dục thể thao trong nhà hoặc ngoài trời…
Ngoài ra, đối với những công viên có quy mô lớn trên 100 ha có thể kêu gọi đầu tư thành một khu vui chơi giải trí có thu phí nhưng có một phần diện tích (khoảng 10 – 15%) là công viên công cộng. Những khu đất công được quy hoạch là đất công viên lâu nay cho thuê sẽ được thu hồi.
Đối với các trường hợp dự án nhà ở chưa có công viên hoặc xây dựng chưa hoàn chỉnh, nhất là các dự án đã có người dân vào sinh sống, Sở Xây dựng sẽ yêu cầu chủ đầu tư phải có kế hoạch để hoàn chỉnh toàn bộ công viên cây xanh đúng theo quy hoạch 1/500.
Trong một hội thảo định hướng quy hoạch và phát triển cây xanh, công viên chiếu sáng các quận nội thành TP.HCM mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị – Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân so sánh TP.HCM có 10 triệu người, nhưng chỉ có 102.000 cây xanh, trong khi Singapore dân số 5 triệu người, nhưng có 2 triệu cây xanh. TP.HCM sẽ xây dựng kế hoạch phát triển công viên cây xanh trong 10 năm, 25 năm tới, đồng thời tổ chức giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện kế hoạch này.
Nhiều công viên được quy hoạch ngay từ đồ án quy hoạch chung đầu tiên ra đời năm 1993 nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện như công viên Tân Thắng (Q.Tân Phú), công viên Đồng Diều (Q.8). Cùng với đó, rất nhiều công viên đã bị thu nhỏ diện tích để phục vụ cho các mục đích khác.
Đơn cử, công viên rạch Bà Lào (Q.8) diện tích quy hoạch năm 1998 là 12 ha nhưng đến khi sửa đổi quy hoạch năm 2012 chỉ còn 4,2 ha (kể cả mặt nước), phần còn lại được sử dụng để xây dựng khu tái định cư, công trình giáo dục.
Cũng trên địa bàn Q.8, công viên Đồng Diều (P.4) phải thu hẹp 8,96 ha so với quy hoạch ban đầu để bổ sung cụm công trình thể dục thể thao và thương mại của quận cùng 1 dự án nhà ở.
HÀ MAI – ĐÌNH SƠN
TNO