23/01/2025

Nạo vét sông Hậu để chỉnh trị dòng chảy cần nghiên cứu kỹ và cẩn trọng

Nạo vét sông Hậu để chỉnh trị dòng chảy cần nghiên cứu kỹ và cẩn trọng

Xoay quanh câu chuyện nạo vét chỉnh trị dòng chảy sông Hậu để “cứu” quốc lộ 91 cũ ở An Giang, nhiều chuyên gia cho rằng đây là giải pháp hiệu quả và lâu dài. Tuy nhiên, cần nghiên cứu chi tiết và cẩn trọng trước khi triển khai.

 

Nạo vét sông Hậu để chỉnh trị dòng chảy cần nghiên cứu kỹ và cẩn trọng - Ảnh 1.

Người dân cho rằng sạt lở đang gây khó khăn cho việc đi lại rất nhiều – Ảnh: BỬU ĐẤU

Ngày 26-5, PGS.TS Dương Hồng Sơn – viện trưởng Viện Khoa học tài nguyên nước, Bộ TN-MT – cho biết việc nạo vét nhằm chỉnh trị lòng sông đã có lịch sử hàng ngàn năm song hành cùng với việc phát triển các đồng bằng châu thổ trên thế giới.

Việc sạt lở cũng do một số nguyên nhân khác như phát triển các hồ chứa thủy điện thượng nguồn, biến đổi khí hậu, phát triển hạ tầng giao thông, xây dựng trên nền đất yếu.

“Theo quan điểm của chúng tôi, nếu như đơn vị thực hiện kết hợp lấp các hố xói (thay vì kiên cố hóa khu vực sạt lở tuyến quốc lộ 91 khu vực xã Bình Mỹ) thì đây có thể sẽ là một giải pháp hiệu quả và lâu dài. Điều này nên có các nghiên cứu chi tiết và cẩn trọng trước khi triển khai”, ông Sơn nói.

Nạo vét sông Hậu để chỉnh trị dòng chảy cần nghiên cứu kỹ và cẩn trọng - Ảnh 2.

Các ngành chức năng tỉnh An Giang cho rằng bên bờ cặp quốc lộ 91 có 3 hố sâu nhưng bờ bên kia lại bồi lắng cần chỉnh trị dòng chảy lại để cứu quốc lộ 91 – Ảnh: BỬU ĐẤU

Theo TS Trần Hữu Hiệp – chuyên gia kinh tế ĐBSCL, sạt lở đang ngày càng diễn biến bất thường không theo quy luật.

“Tôi cho rằng trách nhiệm thuộc về các bộ, ngành và các tỉnh thành khi để xảy ra tình trạng này. Chống sạt lở không thể nào một tỉnh làm được mà cần sự đồng bộ của các bộ, ngành và các tỉnh, thành. Tại sao chúng ta đã biết hàng trăm điểm sạt lở cả ĐBSCL mà không có giải pháp lâu dài và căn cơ hơn?”, ông Hiệp đặt vấn đề

Ông Tô Hoàng Môn – phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh An Giang – thì nói trước mắt An Giang đang chờ Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương xã hội hóa chỉnh trị dòng chảy sông Hậu rồi mới thuê đơn vị tư vấn đo đạc, khảo sát, đánh giá dòng chảy, địa chất, địa hình đáy sông…, trình UBND tỉnh xem xét có ý kiến.

Nạo vét sông Hậu để chỉnh trị dòng chảy cần nghiên cứu kỹ và cẩn trọng - Ảnh 3.

Cận cảnh vết rạn nứt trên tuyến quốc lộ 91 cũ – Ảnh: BỬU ĐẤU

Trước đó, UBND tỉnh An Giang đã ký văn bản gửi Thủ tướng xin chủ trương về việc xã hội hóa chỉnh trị dòng chảy sông Hậu để bảo vệ quốc lộ 91 cũ ở đoạn xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú. Hồi tháng 8-2019 đã xảy ra sạt lở làm mất một đoạn quốc lộ 91 với chiều dài hơn 85m gây khó khăn cho việc đi lại.

Mới đây, rạng sáng 23-5, tuyến quốc lộ 91 cũ tiếp tục rạn nứt dài 20m, cách vị trí sạt lở năm 2019 khoảng 137m về phía hạ lưu.

Trước tình hình này, tỉnh An Giang đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép nạo vét mở rộng lòng sông Hậu đoạn qua khu vực xã Bình Mỹ kéo dài khoảng 3km theo hình thức xã hội hóa để “cứu” quốc lộ 91 cũ.

BỬU ĐẤU
TTO