19/11/2024

Chúa Nhật VII PS, A 2020, Lễ Chúa Thăng Thiên: Nước Trời đã đến rồi!

Các bài Kinh Thánh vừa giới thiệu cho chúng ta một tình trạng sống mới với Chúa Giêsu Phục Sinh qua mầu nhiệm thăng thiên, mầu nhiệm lên trời của Đức Giêsu cũng là cuộc lên trời của mỗi người chúng ta.

Chúa Nhật VII PS A 2020, Lễ Chúa Thăng Thiên

Nước Trời đã đến rồi!

Lm. Antôn Nguyễn Ngọc Sơn, HKK

Lời mở

Các bài Kinh Thánh vừa giới thiệu cho chúng ta một tình trạng sống mới với Chúa Giêsu Phục Sinh qua mầu nhiệm thăng thiên, mầu nhiệm lên trời của Đức Giêsu cũng là cuộc lên trời của mỗi người chúng ta.

1. Lên trời nghĩa là gì

Trời ở đây không phải là một khoảng không gian rõ rệt, nhưng là một tình trạng. Sách Giáo lý Hội Thánh Công giáo nhắc cho chúng ta điều này trong nhiều số từ 659-667, 2794-2796. Đó là tình trạng Đức Giêsu vào trong đó để dẫn chúng ta theo. Người về Trời là về với Chúa Trời, Người thăng thiên là về với Thiên Chúa. Thiên Chúa ở khắp mọi nơi, nên “tình trạng trời” cũng ở khắp mọi nơi. Ngay khi Chúa Giêsu sống lại, thân xác của Người không còn bị chi phối bởi vật chất, không gian và thời gian, nên Người có thể kết hợp lập tức và trọn vẹn với Chúa Cha – Người về trời ngay từ lúc đó.

Nhưng cuộc lên trời được thánh Luca kể lại qua Bài đọc I trong sách Công vụ Tông đồ (x. Cv 1,9-11), có nghĩa là sau những lần hiện ra một cách hữu hình trong vòng 40 ngày, Chúa Giêsu đã chấm dứt tình trạng đó. Người không còn hiện ra với thân xác cụ thể cho một vài môn đệ nữa, để Người có thể hiện ra với tất cả chúng ta, giúp chúng ta cảm nghiệm được tình trạng sống động, kỳ diệu của Người nếu chúng ta kết hợp mật thiết với Người. Đó là tình trạng về trời với Chúa Giêsu.

Hơn nữa, Người cũng kéo mọi người chúng ta về trời với Người, vì chúng ta là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người. Thánh Phaolô trong Bài đọc II (x. Ep 1,17-23) đã nói Giáo Hội là hiền thê của Chúa Giêsu, Người là đầu và chúng ta là những chi thể trong thân thể mầu nhiệm của Người. Khi Chúa Giêsu về trời là mỗi người chúng ta cũng được chia sẻ thần tính cao cả của Người, đi vào tình trạng kết hợp hoàn toàn mới mẻ với Người. Điều này không phải chỉ xảy ra sau khi chúng ta chết, nhưng có thể thực hiện ngay trong trần thế này như đời sống nhiều tín hữu đã chứng minh. Chúng ta thấy thánh Phêrô đã được lên tầng trời thứ 3 (x. 2Cr 12,2). Nhiều vị thánh như thánh Phanxicô Assysi, thánh Gioan Thánh giá, thánh Catarina Xiêna cảm nghiệm được trời trong những cơn xuất thần; còn Mẹ Têrêsa Calcutta thì lại thấy trời ở giữa lòng xã hội với những con người nghèo khổ, bệnh tật.

2. Nước Trời đã đến rồi!

Khởi đầu sứ mệnh cứu độ, Đức Giêsu loan báo Tin Mừng như Gioan Tẩy Giả rằng: “Hãy ăn năn sám hối vì Nước Trời đã gần đến” (x. 4,17; 3,2). Nhưng, sau khi Người chịu chết để đền tội cho ta và sống lại vì ta, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta rằng Nước Trời đã đến rồi, không phải chỉ ở gần, mà còn đang ở giữa chúng ta (x. Lc 17,21). Bài sách Công vụ hôm nay kể lại rằng: “Người đã dạy bảo các tông đồ nhờ Thánh Thần và còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các môn đệ thấy Người vẫn sống sau khi chịu khổ hình. Trong 40 ngày Người đã hiện ra cho các ông, nói chuyện cho các ông về Nước Thiên Chúa”. Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói rõ cho chúng ta: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Như vậy, Đức Giêsu chính là hiện thân của Nước Trời trong cuộc sống trần thế của ta trước khi ta được hưởng trọn vẹn Nước Trời với Người sau khi ra khỏi cuộc sống trần thế bằng cái chết của mỗi người như Chúa Giêsu. Chúng ta chưa cảm nghiệm được Nước Trời, chưa cảm nghiệm được Chúa Giêsu vì có thể đã hiểu lầm rằng: “trời xa đất, Chúa xa người, tinh thần xa thể xác”.

Nhiều người giữ thái độ thoát tục, xa cách con người để có thể gắn bó với Chúa, với trời. Họ có thái độ này, vì có thể đã hiểu lầm một vài câu Kinh Thánh. Chẳng hạn như: “Anh em không thuộc về thế gian này vì Thầy đã chọn, đã tách anh em ra khỏi thế gian nên thế gian ghét anh em” (Ga 15,19); hoặc “Hãy tìm kiếm những gì thuộc về thượng giới nơi Đức Giêsu ngự bên hữu Thiên Chúa” (Cl 3,1). Họ cần các thiên thần đến lay tỉnh “Sao còn đứng mãi nhìn trời” (Cv 1,11) để đừng nhìn vào một khoảng không gian nào đó, nhưng hãy nhìn vào chính lòng mình để thấy Chúa Giêsu và nhìn vào cộng đồng huynh đệ của mình để thấy Nườc Trời.

Tinh thần hội nhập của Công đồng Vaticanô II, đặc biệt qua hiến chế Gaudium et Spes, nhắc nhở chúng ta rằng: nơi Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, thì trời hoà với đất, Chúa hoà nhập với người và tinh thần với thể xác hoà nhập thành một trong con người. Vì thế, người tín hữu chúng ta được mời gọi dấn thân vào mọi lĩnh vực của khoa học, chính trị, văn hoá, kinh tế, cũng như tham gia vào mọi hoạt động của con người nơi trần thế để biến vũ trụ này thành thiên đàng, thành Nước Trời, nơi có tình yêu, hoà bình, chân lý ngự trị.

3. Chứng nhân của Nước Trời

Lời Kinh Tiền Tụng của lễ Chúa Giêsu là Vua vũ trụ đã nhắc chúng ta rằng: “Nước Trời là nước của sự thật và sự sống, của thánh thiện và ân sủng, của công lý-tình yêu và hoà bình”. Khi chúng ta cố gắng xây dựng những giá trị đó cho mình cũng như cho mọi người, đó là chúng ta đang xây dựng Nước Trời trong trần thế để người ta có thể cảm nghiệm được Nước Trời ở trong chúng ta và ở giữa chúng ta. “Nước đó đã hiện diện cách mầu nhiệm ở trần gian này và sẽ được kiện toàn khi Chúa trở tại” (Gaudiun et Spes, số 39).

Cuộc hội nhập này đã được Giáo Hội luôn nhắc cho chúng ta trong cuốn Tóm lược Học thuyết Xã hội Công giáo và mới đây trong cuốn Docat, câu số 17: “Ơn cứu độ, nghĩa là hạnh phúc trọn vẹn và sự viên mãn tột đỉnh dành cho những chúng ta nhờ Đức Giêsu Kitô, không phải là điều chỉ vài người mới đạt được. Thiên Chúa muốn toàn thể nhân loại được cứu độ. Sự cứu độ giải phóng con người trong mọi chiều kích của mình: tinh thần và thể xác, cá nhân và xã hội, nơi lịch sử trần thế của mỗi người và vĩnh viễn trên thiên quốc. Sự cứu độ này bắt đầu trong dòng lịch sử, nghĩa là ngay trong dòng thời gian nơi chúng ta tìm thấy chính mình. Tuy nhiên, sự cứu độ chỉ hoàn toàn trọn vẹn trong cõi vĩnh hằng… Vì chúng ta hy vọng vào đời sống vĩnh cửu, nên chúng ta có thể định hình cho cuộc sống hiện tại trên trần thế bằng công lý và tình yêu. Không một điều tốt lành nào được chúng ta làm trên trần gian là vô ích, vì tất cả mọi điều tốt lành sẽ trở nên hoàn hảo trong cõi vĩnh hằng ”.

Vì thế, nhiệm vụ của chúng ta là đưa trời vào đất và đưa Chúa Trời vào lòng người và trần thế hôm nay để tất cả cảm nghiệm được niềm vui, hạnh phúc tuyệt vời. Chỉ như thế chúng ta mới chứng minh được niềm tin của mình vào Thiên Chúa thật sự mang lại hiệu quả hữu ích cho con người và xã hội.

Lời kết

Hôm nay, suy niệm về mầu nhiệm lên trời của Chúa Giêsu, chúng ta hãy cầu xin cho ta gắn bó với Người hơn để cảm nghiệm được Nước Trời. Từ đó chúng ta trở thành những chứng nhân của Nước Trời cho mọi người.

 

Nguồn: HKK