Chạy đua chế tạo vắc xin Covid-19 trước thách thức mới
Chạy đua chế tạo vắc xin Covid-19 trước thách thức mới
Cuộc chạy đua điều chế vắc xin đang đối diện nhiều thách thức trong bối cảnh đại dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp.
Tờ The Telegraph hôm qua dẫn lời Giám đốc Adrian Hill tại Viện Nghiên cứu Jenner (Anh) cho biết tỷ lệ chế tạo thành công vắc xin ngừa Covid-19 vào tháng 9 là 50%, thay vì 80% như dự báo trước đó. Viện Nghiên cứu Jenner thuộc Đại học Oxford là một trong những nơi dẫn đầu về nghiên cứu vắc xin ngừa Covid-19 và sắp thử nghiệm giai đoạn 2 trên 10.000 tình nguyện viên, trong đó có nhiều người sẽ dùng giả dược. Tuy nhiên, ông Hill cho biết tỷ lệ lây nhiễm tại Anh đang chững lại nên những người này sẽ ít có khả năng tiếp xúc và bị lây nhiễm từ người mắc Covid-19 trong cộng đồng, khiến vắc xin khó chứng minh được hiệu quả.
Trông chờ vắc xin
Theo kế hoạch, giai đoạn 2 của nghiên cứu sẽ so sánh hiệu quả của vắc xin trên các nhóm tuổi khác nhau, từ 5 – 12, 56 – 69 và trên 70 tuổi, còn giai đoạn 3 tập trung vào hiệu quả của vắc xin trong nhóm trên 18 tuổi. Hiện Hãng dược AstraZeneca (trụ sở tại Anh) thỏa thuận sản xuất 400 triệu liều vắc xin của Viện Nghiên cứu Jenner trị giá 1,2 tỉ USD, trong khi chính phủ Anh cũng đặt mua 100 triệu liều dù chưa được chứng minh hiệu quả.
Phòng thí nghiệm Vũ Hán có 3 mẫu vi rút Corona
Hãng AFP hôm qua dẫn lời Giám đốc Viện Vi rút học Vũ Hán (WIV) Vương Diên Dật cho biết phòng thí nghiệm tại thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) có mẫu vi rút Corona từ dơi nhưng không loại nào liên quan đến vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19. “Chúng tôi cô lập và thu được một số mẫu vi rút Corona từ dơi. Hiện chúng tôi có 3 chủng vi rút Corona còn sống… nhưng chúng chỉ giống SARS-CoV-2 khoảng 79,8%”, bà Vương nói. Bà cho biết thêm nhà vi rút học Thạch Chánh Lệ đứng đầu nghiên cứu về vi rút Corona trong dơi từ năm 2004 và chỉ tập trung truy tìm nguồn gốc của vi rút SARS-CoV gây ra dịch bệnh hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS). Tuy nhiên hồi tháng 2, WIV từng thừa nhận bà Thạch đã mang về phòng thí nghiệm Vũ Hán một mẫu vi rút Corona giống SARS-CoV-2 đến 96% sau chuyến thám hiểm hang động ở tỉnh Vân Nam.
Trong khi đó, vắc xin Covid-19 do Viện Hàn lâm khoa học quân y Trung Quốc và Công ty CanSino Biologics (Trung Quốc) phối hợp phát triển có kết quả thử nghiệm lâm sàng khả quan, kích hoạt thành công phản ứng của hệ miễn dịch ở hơn 100 người trưởng thành khỏe mạnh.
Theo chuyên san The Lancet, những tình nguyện viên không biểu hiện phản ứng bất lợi nghiêm trọng, nhưng các nhà nghiên cứu cảnh báo cần phải tiến hành thêm thử nghiệm lâm sàng để xác định hiệu quả. Trong khi đó, tờ South China Morning Post dẫn lời Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc Cao Phúc cho biết nước này sẽ triển khai tiêm chủng cho một số nhóm đối tượng trong năm nay, ngay cả khi vắc xin chưa chứng minh được hiệu quả.
Nhiều thách thức mới
Theo chuyên san Science Times, các nhà khoa học tại Đại học Amsterdam (Hà Lan) vừa công bố nghiên cứu cho thấy khả năng miễn dịch Covid-19 ở người không duy trì được lâu. Từ năm 1985 – 2020, các nhà khoa học xét nghiệm 4 chủng vi rút Corona gây cúm thông thường đối với 10 người từ 27 – 66 tuổi, thực hiện cách khoảng 3 hoặc 6 tháng. Kết quả cho thấy phần lớn những người tham gia đều bị nhiễm vi rút trở lại trong vòng 3 năm, cho thấy khả năng miễn dịch đối với vi rút Corona chỉ kéo dài trong thời gian ngắn và mức kháng thể không được duy trì khi vi rút tấn công trở lại. “Chúng tôi nhận thấy sau khi nhiễm lần đầu, mức kháng thể giảm dần sau 6 tháng và việc tái nhiễm diễn ra thường xuyên sau 12 tháng”, theo nhóm nghiên cứu. Do đó, các chuyên gia nhận định khó có được miễn dịch cộng đồng đối với Covid-19 thông qua lây nhiễm tự nhiên.
Trước tình hình dịch Covid-19 đang chững lại, một số nước phương Tây tiếp tục nới lỏng các quy định giới hạn, trong khi khu vực tâm dịch mới Nam Mỹ đang tăng cường biện pháp phòng chống. Theo AFP, Argentina hôm qua quyết định gia hạn lệnh phong tỏa tại thủ đô Buenos Aires đến ngày 7.6 sau khi áp dụng từ ngày 20.3, trong bối cảnh láng giềng Brazil ghi nhận số ca nhiễm cao thứ 2 thế giới sau Mỹ. Tổng thống Argentina Alberto Fernandez cho hay tỷ lệ tử vong bình quân trên 100.000 bệnh nhân Covid-19 ở nước này là 9,8, so với con số 94,3 ở Brazil và 47,2 ở Peru. Bên cạnh Brazil, tình hình dịch Covid-19 đang tiếp tục diễn biến xấu tại các nước trong khu vực như Mexico, Peru, Chile. Trong khi đó, Ý và Tây Ban Nha dự định sẽ mở cửa đón du khách nước ngoài trong tuần đầu tháng 6, còn Pháp cho phép tập trung tại các cơ sở tôn giáo từ ngày 24.5 nhưng các tín đồ phải đeo khẩu trang, rửa tay và giữ khoảng cách. Cũng trong ngày 24.5, các tín đồ Hồi giáo kết thúc lễ Ramadan nhưng nhiều thánh đường vẫn chưa mở cửa do lo ngại Covid-19 bùng phát trở lại.
KHÁNH AN
TNO